Thứ Bảy | 13/04/2013 11:19

Uống vang ở hầm rượu cổ

Khắp dọc đường Nam - Bắc, rượu vang ê hề với đủ nhãn hiệu và chủng loại, nhưng tìm một không gian để uống vang thật không mấy đơn giản.
Không gian nghe nhạc của hầm rượu với cây đàn piano là điểm nhấn trang trí.
Sài Gòn từng có vài điểm uống vang mang phong cách riêng kiểu hầm rượu, nhưng việc đầu tư những không gian đậm chất như thế tiêu tốn một khoản vốn nặng, cộng với phong cách khá kén khách nên không phải hầm rượu nào hình thành nên cũng tồn tại được lâu dài, những hầm rượu có tiếng hiện đếm chưa quá năm đầu ngón tay. Ở Hà Nội, lượng người sành vang cũng ngày càng nhiều, tìm một chỗ uống vang hẳn là nhu cầu cần được đáp ứng.

Hầm rượu trăm năm tuổi

Hiện ở Hà Nội còn khá nhiều những căn biệt thự Pháp cổ mang phong cách kiến trúc thuộc địa rất rõ rệt, được xây dựng trong khoảng thời gian đầu thế kỷ 20 và phần nhiều trong số chúng vẫn được bảo tồn khá nguyên vẹn.

Một trong số những biệt thự "đầu đời" hình thành nên phong cách kiến trúc thuộc địa ở xứ Bắc Kỳ thời Pháp thuộc mà tôi muốn đề cập đến, ấy là căn biệt thự ở 12 Hai Bà Trưng, gần với nhà hát lớn Hà Nội.

Sự liên hệ của căn biệt thự với kiểu mẫu kiến trúc tân cổ điển của Pháp là nhà hát lớn Hà Nội chỉ bởi nó được xây dựng cùng năm với nhà hát này (1901), và sử dụng cùng những loại vật liệu quen thuộc bản địa như gạch nung, chất kết dính nhưng lại mang một dáng vẻ kiêu kỳ, bề thế của một phong cách kiến trúc thuộc địa đặc trưng, không gian nội thất và ngoại thất gần gũi, ngăn cách bằng nhiều những ô cửa lá sách lấy sáng tự nhiên.

Cầu thang gỗ dẫn lối xuống hầm rượu.
Toà kiến trúc này được thiết kế một tầng hầm dùng làm kho chứa đồ, kiểu xây dựng này cũng là để chống những ẩm thấp mùa gió nồm khó chịu xứ Bắc. Khi tiếp nhận căn biệt thự, chủ nhân mới của nó - cũng là một người yêu vang và các phong vị ẩm thực Tây Âu, đã chỉnh sửa và thay đổi công năng để biến căn hầm cũ kỹ trở thành một không gian của hầm rượu, nơi anh thiết kế để lưu trữ bộ sưu tập rượu vang và thưởng vang cùng bạn bè.

Dựa vào nền tảng là kiến trúc của toà biệt thự, phần tường vôi qua thời gian đã xuống cấp được lột bỏ, lộ ra khoảng gạch nung với các chất kết dính người xưa thường dùng như vôi, mật đường, cùng các chất phụ gia bản địa đã tạo nên một kiểu trang trí không gian mang phong cách khác lạ, đậm chất cổ điển Tây Âu, nhưng rất đơn giản, ấm cúng, phù hợp với sở thích của những người hoài cổ.

Nơi hội tụ đam mê

Với bộ sưu tập đa dạng chủng loại vang xuất xứ từ Pháp, Ý, Chile, Tây Ban Nha… hầm rượu được chủ nhân thiết kế chỉ để làm nơi tập hợp bạn bè, tập hợp những người yêu vang ở khắp miền để chia sẻ thú đam mê thưởng thức không chỉ là rượu vang mà còn là các phong vị ẩm thực độc đáo được chủ nhân cất công săn lùng bổ sung cho những bữa tiệc vang thêm phần thú vị.

Mỗi lần ghé hầm rượu, lại được chủ nhân dẫn dắt khám phá ra một món ngon, tuy đơn giản nhưng cũng không dễ để có được, bữa là mấy lát bánh mì đen từ Nga, bữa là món paté gan ngỗng của Pháp… vừa được người thân xách tay về. Sự cầu kỳ, tỉ mỉ của chủ nhân trong việc chọn món, chọn vang, và chọn bạn để thưởng thức đã hình thành một điểm đến thú vị giữa lòng Hà Nội.

Nhìn vẻ ngoài của toà kiến trúc cổ xưa, toát lên sự đơn giản hiếm thấy ở các chi tiết kiến trúc trang trí, tổng thể biệt thự không rườm rà, điểm nhấn là các khung vuông dọc theo các góc cột, khung cửa sổ, nhưng không hề tạo góc nhìn cứng nhắc, mà phối với nhau rất hài hoà, mềm mại theo bố cục tổng thể của ngôi nhà. Hầm rượu được thiết kế cũng theo phong cách ấy, toát lên sự đơn giản nhưng sang trọng và tinh tế.

Không gian hầm rượu được chia thành bốn phòng, một phòng dành cho bộ sưu tập rượu vang, hai phòng dành cho việc trải nghiệm ẩm thực, trò chuyện, phòng còn lại để thưởng thức âm nhạc, với cây đàn piano ở một góc hầm rượu, vừa là vật trang trí, vừa là để các bằng hữu của chủ nhân cùng nhau thưởng thức những bản nhạc cổ điển bên ly vang và chia sẻ câu chuyện đam mê đầy thú vị. Tổng thể bốn phòng thông nhau bằng những vòm cửa rộng, vừa tạo cảm giác riêng tư, nhưng lại rất gần gũi trong nối kết không gian giữa các phòng.

Chủ nhân của hầm rượu cũng là một người hoài cổ, thích sưu tầm các hiện vật xưa cũ để bày biện, trang trí cho hầm rượu có thêm những nét nhấn nhá thú vị, chỗ là thùng rượu vang gỗ, nơi là bộ chân đèn nến xưa… cộng với gam màu đỏ của gạch, sắc vàng của ánh đèn, nâu trầm của sàn gỗ, đã hình thành nên một điểm đến thú vị, ấm cúng, chan hoà theo đam mê của những người bạn yêu vang, trong một không gian vẹn tròn nét cổ kính và tràn đầy lãng mạn.

Các hiện vật sưu tầm trang trí cho hầm rượu.
Lối vào hầm rượu
Tấm gương lớn trang trí đúng chỗ, nới không gian hầm rượu thêm rộng thoáng hơn.

Nguồn SGTT


Sự kiện