
Một số nhà nghiên cứu chỉ ra tỉ lệ béo phì gia tăng trong vài thập kỷ qua có liên quan đến nguy cơ mắc ung thư sớm. Ảnh: suckhoedoisong.vn.
Ung thư có đang trẻ hóa?
19 tuổi, Nguyễn Thị Minh Hạnh được chẩn đoán ung thư máu. Cô đã biến quá trình chữa bệnh của mình thành chuỗi video đầy lạc quan truyền cảm hứng cho nhiều người. Thế nhưng, ung thư phát hiện vào giai đoạn cuối đã đặt dấu chấm hết cho thời gian của cô gái chỉ sau 1 năm chữa bệnh. Cô ra đi vào tháng 3/2025, khi vừa qua tuổi 20. “Tôi đồng ý là ung thư đang trẻ hóa”, bác sĩ Mai Thanh Cúc, Chuyên khoa Ung bướu, Bệnh viện Quốc tế Mỹ (AIH), nhận định.
Thực vậy, ngày càng có nhiều người dưới 50 tuổi được chẩn đoán mắc ung thư (thường được gọi là ung thư khởi phát sớm hoặc ung thư trẻ). Theo bác sĩ Cúc, nguyên nhân gây ung thư có thể được chia vào 3 nhóm lối sống, môi trường và tuổi tác. Ngoài yếu tố tuổi tác không thể thay đổi được, nghĩa là khi tuổi càng cao thì nguy cơ ung thư càng tăng, 2 nhóm còn lại có khả năng tác động. Các yếu tố nguy cơ về chế độ ăn uống (ăn nhiều thịt đỏ, nhiều natri, ít trái cây và ít sữa...), uống rượu và sử dụng thuốc lá là những yếu tố chính gây ra ung thư sớm.
Một số nhà nghiên cứu chỉ ra tỉ lệ béo phì gia tăng trong vài thập kỷ qua có liên quan đến nguy cơ mắc ung thư sớm. Liên quan đến vấn đề này, sự thay đổi trong thói quen ăn uống, cụ thể là việc tăng tiêu thụ thực phẩm siêu chế biến và lối sống ít vận động cũng liên quan đến tỉ lệ ung thư cao hơn. Một số ý kiến khác cho rằng có thể có yếu tố môi trường tác động như chất gây ung thư thải ra không khí, nước và nguồn cung cấp thực phẩm.
![]() |
Trong những năm qua, thứ tự của các bệnh ung thư phổ biến tại Việt Nam đã có nhiều thay đổi. Chẳng hạn ở nữ giới, trước đây ung thư cổ tử cung xếp hạng đầu. Thế nhưng, giờ đây, bệnh này đã rời khỏi Top 3, nhường chỗ cho ung thư gan, phổi, vú, đại trực tràng và dạ dày. Bác sĩ Cúc giải thích điều này nhờ phát hiện ra tác nhân gây ung thư cổ tử cung là virus HPV. Một mặt, điều này giúp lên kế hoạch điều trị phù hợp, mặt khác có thể phòng ngừa bệnh bằng cách tiêm vaccine.
Tuy vậy, có ý kiến cho rằng việc ghi nhận nhiều ca mắc bệnh ở độ tuổi trẻ hơn có nguyên nhân từ dữ liệu. “Những năm gần đây ung thư tuyến giáp có số lượng gia tăng đáng kể vì có phương tiện chẩn đoán sớm, biết sớm và điều trị tốt. Vì vậy, tôi cho rằng bệnh nhiều lên chứ không phải trẻ hóa”, Giáo sư - bác sĩ Nguyễn Chấn Hùng, Chủ tịch danh dự Hội Ung thư Việt Nam, nhận định. Ông kể một trường hợp ông đã chữa bệnh từ chục năm về trước, một phụ nữ 35 tuổi có 5 con, bị ung thư cổ tử cung.
Theo Bộ Y tế, công tác truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng về phòng chống ung thư ngày càng phổ biến nên người dân quan tâm hơn tới việc đi khám sức khỏe, trong đó có việc sàng lọc ung thư nên sẽ phát hiện nhiều trường hợp hơn.
Hệ thống ghi nhận ung thư tốt hơn nên sẽ có nhiều bệnh nhân mắc phải và tử vong được thống kê, dẫn tới số người mắc phải và tử vong tăng lên. Cùng với đó, tiến bộ khoa học kỹ thuật trong việc chẩn đoán ung thư ngày càng cao cũng giúp phát hiện ra bệnh nhiều hơn.
![]() |
Giáo sư - bác sĩ Saijo Yasuo từ Raffles Medical cho biết: “Khi phát hiện ở giai đoạn sớm thì việc điều trị càng hiệu quả và tiết kiệm về chi phí. Ngược lại, nếu phát hiện ở giai đoạn muộn thì điều trị gặp nhiều khó khăn và để lại gánh nặng lớn về kinh tế”.
Ung thư được phát hiện càng sớm thì khả năng chữa càng cao. Ở phụ nữ, tỉ lệ phát hiện ung thư vú sống sau 5-10 năm là 95% nếu phát hiện sớm, nhưng chỉ 15% nếu phát hiện trễ. Tỉ lệ tương ứng ở ung thư phổi là 80% khả năng sống thêm 5-10 năm, so với chỉ 10% nếu phát hiện trễ.
Vậy có phải tầm soát ung thư càng nhiều là càng tốt? “Không nên như vậy. Chỉ những người có nguy cơ cao, tức người thân trong gia đình đã có người ung thư mới nên tầm soát sớm”, bác sĩ Cúc khuyến nghị.
Tại Trung Quốc, cuối năm 2024 Cà Phê (tên thật là Trần Mạn Ny), một nhà sáng tạo nội dung ở lĩnh vực hội họa với gần 3 triệu người theo dõi trên Douyin, đã qua đời ở tuổi 29 vì ung thư trực tràng. Cô qua đời sau 8 tháng chiến đấu với căn bệnh. Nhiều người đã đặt câu hỏi rằng có phải việc cô tiếp xúc với sơn và hóa chất khi vẽ là một phần nguyên nhân hay không. Cô cho biết mình mắc bệnh do khiếm khuyết di truyền nên dù làm công việc gì hay sống lành mạnh thế nào cũng khó tránh khỏi.
Để giảm nguy cơ mắc bệnh, Bộ Y tế khuyến cáo đảo ngược tác nhân gây bệnh trong tầm kiểm soát. Đó là nói không với thuốc lá, rượu bia và chất kích thích. Ngoài ra, cần có chế độ ăn uống, dinh dưỡng phù hợp và cần xây dựng chế độ luyện tập để cơ thể khỏe mạnh.