Tuyên chiến với ô nhiễm tiếng ồn. Ảnh: nld.com.vn.

 
Lê Hạnh Thứ Sáu | 19/03/2021 12:30

Tuyên chiến với ô nhiễm tiếng ồn

TP.HCM sẽ mở đợt cao điểm xử lý tiếng ồn từ nay đến cuối năm nhằm xử lý triệt để vấn nạn tiếng ồn trong khu dân cư.

Karaoke là phát minh lớn của người Nhật và trở thành thú vui giải trí được ưa chuộng. Nhưng karaoke cũng trở thành nỗi ám ảnh của rất nhiều người dân Việt Nam trước những ca sĩ hàng xóm hay loa kẹo kéo ầm ĩ bất kể giờ giấc.

Theo Tiến sĩ Lý Tùng Hiếu, Đại học Quốc gia TP.HCM, ô nhiễm tiếng ồn là căn bệnh trầm kha tại nhiều khu dân cư trong các thành phố lớn ở Việt Nam, đặc biệt từ khi các loại thiết bị, máy móc điện tử như loa công suất lớn, dàn karaoke... ngày càng rẻ. Nhưng trên hết, tình trạng thiếu ý thức được dịp bùng phát khi thiếu sự quản lý từ cơ quan chức năng.

Ô nhiễm tiếng ồn được xác định là nguyên nhân gây ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe lớn thứ 2 sau bụi. Ô nhiễm tiếng ồn tác động lên con người ở nhiều khía cạnh: suy giảm phản xạ tự nhiên của con người với âm thanh; gây bệnh đối với thính giác và hệ thần kinh, gián tiếp gây ra bệnh tim mạch; tiếp xúc với tiếng ồn cao lâu ngày dẫn tới bệnh đãng trí và bệnh điếc không thể phục hồi.

 

Tất cả những tác động này dẫn đến nhiều biểu hiện xấu về tâm lý, sinh lý, bệnh lý, ảnh hưởng hiệu quả lao động, nhất là đối với những cư dân đô thị. Không phải vô cớ xảy ra nhiều vụ va chạm, đánh nhau thậm chí là giết người chỉ vì nạn karaoke bất kể ngày đêm của nhiều người dân vô ý thức.

Theo Nghị định 167/2013, hành vi gây tiếng động lớn, làm ồn ào tại khu dân cư, nơi công cộng trong khoảng thời gian từ 22 giờ hôm trước đến 6 giờ sáng hôm sau sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000-300.000 đồng. Nghị định 155/2016 cũng nêu rõ phạt từ 1-160 triệu đồng cho hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn bất kể giờ giấc nào. Trong Nghị định này, từng mức độ tiếng ồn vượt chuẩn kèm mức chế tài được nêu rất chi tiết, tiếng ồn càng lớn thì mức phạt càng cao.

Quy định xử phạt đã có nhưng dường như quá nhẹ nhàng với các “hung thần” karaoke từ hàng xóm vì nhiều lý do, nhưng cơ bản là chính quyền không mạnh tay xử lý và chồng chéo trong quản lý. Vì thế, gần đây, một lần nữa, TP.HCM thống nhất mở đợt cao điểm tập trung từ đây đến cuối năm để xử lý triệt để tình trạng ô nhiễm tiếng ồn trong khu dân cư. Ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân TP.HCM, gọi hành vi gây tiếng ồn từ hát karaoke tự phát, sản xuất kinh doanh... là vấn nạn.

 

Theo ông Hoan, tiếng ồn ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, đặc biệt giảm chất lượng cuộc sống của người dân. “Chúng ta cố gắng để kinh tế phát triển, đời sống nâng cao, văn hóa được hưởng thụ ở nhiều góc độ khác nhau thì dứt khoát cũng phải tìm cách xử lý cho bằng được những vấn đề tác động làm giảm cuộc sống của người dân, trong đó có tiếng ồn”, ông Hoan nhấn mạnh.

Từ nạn karaoke để thấy ô nhiễm tiếng ồn đã quá bị coi nhẹ tại Việt Nam khi không chỉ có âm thanh hát hò ầm ĩ, mà cư dân đô thị còn chịu đựng vô vàn âm thanh quá ngưỡng chịu đựng như còi xe, tiếng ồn xây dựng - sản xuất, tiếng ồn do sinh hoạt... Theo Viện Sức khỏe Nghề nghiệp và Môi trường (Bộ Y tế), ô nhiễm tiếng ồn ở các đô thị và khu công nghiệp đều vượt mức cho phép. Đáng lưu ý, trong tổng số khoảng 52 triệu người lao động ở tất cả các ngành nghề, có khoảng 10-15 triệu người phải tiếp xúc với tiếng ồn cao hơn mức quy định.

Quy hoạch đô thị kém là gốc rễ tạo ra ô nhiễm tiếng ồn, trong khi ý thức kém đi cùng quản lý kém làm cho nạn ô nhiễm tiếng ồn ngày càng nghiêm trọng hơn. Trong quy hoạch, điều quan trọng là phải phân biệt rõ ràng các loại nguồn tiếng ồn để lập kế hoạch và loại trừ các nguồn âm thanh không phù hợp. Tuy nhiên, quan trọng hơn hết là quản lý nghiêm ngặt các hình thức có thể gây ra ô nhiễm tiếng ồn dựa trên kinh nghiệm của nhiều nước.

Chẳng hạn, tại Trung Quốc, theo Luật Phòng chống và kiểm soát ô nhiễm tiếng ồn, các tụ điểm vui chơi giải trí nằm trong khu vực đô thị phải tuân thủ các luật lệ, quy chuẩn về âm lượng. Hơn nữa, khi lắp đặt các vật dụng như thiết bị sưởi ấm, máy điều hòa mà gây tiếng ồn lớn, chủ sở hữu phải có biện pháp cách âm hiệu quả. Nghiêm ngặt hơn, Luật Ô nhiễm tiếng ồn của Nhật được ban hành vào năm 2000, tiếng ồn công cộng không được vượt quá 45 decibel, tương đương chim hót. Trong khi đó, Chính phủ Thuỵ Sĩ coi việc xả nước sau 22 giờ cũng là hành vi tạo ra ô nhiễm tiếng ồn.