Các doanh nghiệp lữ hành nhìn nhận chính sách thí điểm trên rất tích cực, tạo cơ hội cho ngành du lịch dần phục hồi sau gần 2 năm dừng hoạt động vì dịch COVID-19. Ảnh: xframe.io.

 
Lê Thúy Thứ Ba | 08/02/2022 07:30

Tương lai số của các điểm đến

Du lịch thông minh là giải pháp để ngành du lịch Việt Nam khai thác các thị trường quốc tế với tổng mức chi tiêu lên đến 12 tỉ USD.

Từ ngày 1/1/2022, Việt Nam thí điểm khôi phục các chuyến bay thương mại quốc tế thường lệ chở khách tới các địa bàn có hệ số an toàn cao. Ngành du lịch Việt Nam bắt đầu “rã đông” khi mở cửa 5 địa điểm đảo Phú Quốc, Đà Nẵng, Quảng Nam, Khánh Hòa và Quảng Ninh...

Các doanh nghiệp lữ hành nhìn nhận chính sách thí điểm trên rất tích cực, tạo cơ hội cho ngành du lịch dần phục hồi sau gần 2 năm dừng hoạt động vì dịch COVID-19.

Tuy nhiên, theo báo cáo của HSBC, phục hồi ngành du lịch thành công còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Đầu tiên, tỉ lệ tiêm phòng toàn quốc còn thấp và tình hình dịch bệnh vẫn có thể tạo ra tâm lý e ngại. Kế đến, sự thiếu vắng khách Trung Quốc, từng chiếm 1/3 tổng lượt khách đến Việt Nam, cho thấy khả năng tăng trưởng trong tương lai gần có thể không xảy ra. Cuối cùng, về triển khai thực tiễn, cần thêm nhiều nỗ lực để nối lại các chuyến bay quốc tế.

Có thể thấy, dù ngành du lịch đã chấp nhận sống chung với virus nhưng các biện pháp đảm bảo an toàn vẫn được đặt lên hàng đầu trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến phức tạp. Vì thế, du lịch thông minh vẫn là giải pháp cho tương lai của du lịch bền vững, thích ứng với những rủi ro không lường trước.

 

Theo ông Matthieu Francois, Giám đốc Hợp danh của McKinsey tại Văn phòng TP.HCM, lúc này thực sự là thời điểm để áp dụng công nghệ số. Ngay cả trước khi đại dịch xuất hiện, người tiêu dùng đã sử dụng kênh số ngày càng nhiều để đặt chỗ du lịch. Năm 2018, đặt chỗ trực tuyến đã chiếm đến 19% tổng số tour và quy mô thị trường. Đại dịch nổ ra đã khiến việc sử dụng thiết bị di động và công cụ số càng trở nên thiết yếu. Nghiên cứu mới đây của Booking.com cho thấy, 1% khách Việt Nam cho rằng các giải pháp công nghệ đóng vai trò quan trọng trong việc quản lý rủi ro sức khỏe khi đi du lịch và 68% cho biết chỗ nghỉ sẽ phải áp dụng các giải pháp công nghệ mới nhất để giúp khách cảm thấy an toàn hơn. Gần 63% muốn có nhiều máy tự phục vụ hơn thay vì quầy bán vé.

Những cải tiến sắp tới sẽ tạo ra nhiều thay đổi hơn nữa, từ đó tác động đến hành vi và các kế hoạch du lịch trong tương lai. 50% du khách cảm thấy yên tâm hơn khi tới một điểm đến không xác định nếu họ có thể trải nghiệm trước thông qua thực tế ảo. Tuy nhiên, các trải nghiệm thật vẫn được ưu ái hơn: chỉ 48% mong đợi tham gia các sự kiện ảo/trực tuyến từ nhà cung cấp điểm tham quan, các tour và workshop tại địa phương.

Tại diễn đàn SingapoReimagine Global Conversations, các chuyên gia đã dự báo 3 xu hướng du khách mới sẽ ảnh hưởng đến tương lai của ngành du lịch, đó là Wander Must (tạm dịch: Trải nghiệm công nghệ), Mindful Explorer (tạm dịch: Nhà khám phá bền vững) và Slow Pacer (tạm dịch: Sống chậm). Theo phân tích của công ty dự báo xu hướng WGSN, với Wander Must, đối tượng du khách có xu hướng dẫn đầu trong đam mê trải nghiệm công nghệ số. Họ luôn sẵn sàng khám phá lại những trải nghiệm du lịch độc đáo.

 

Ông Mathias Kuepper, Tổng Giám đốc Điều hành của Koelnmesse, người tiên phong trong ngành MICE, chia sẻ: “Dịch COVID-19 đã thúc đẩy ngành công nghiệp tổ chức sự kiện tăng tốc chuyển đổi số để có thể tiếp tục đáp ứng các thị trường mục tiêu đang mở rộng. Để tạo ra những giá trị mới mẻ cho du khách, các thương hiệu đã thích ứng và tích hợp kỹ thuật số, các yếu tố thực tế ảo vào trong hoạt động kinh doanh vật lý thông thường. Đồng thời, doanh nghiệp cũng gia tăng mức độ thường xuyên ứng dụng các công nghệ mới như thực tế ảo và thực tế ảo tăng cường cho các hoạt động hiện hữu”.

Ngày càng nhiều điểm đến du lịch đang hiện đại hóa và sử dụng công nghệ thông minh trong nhiều mảng vận hành, từ dịch vụ đặt chỗ, phương thức thanh toán cho đến các hoạt động tương tác và quản trị nguồn lực. Các điểm đến đang dẫn đầu xu hướng du lịch thông minh có thể kể đến là Amsterdam, Barcelona, Dubai, London, Melbourne, New York, Oslo, Singapore và Tokyo.

Tại những nơi này, khách du lịch có thể sử dụng điện thoại thông minh để thực hiện các thao tác đơn giản như tự phục vụ và làm thủ tục check-in ở sân bay, trả tiền taxi, đặt thức ăn, xác định thời gian chờ và đọc thông tin về điểm đến hoặc thắng cảnh qua mã QR được cung cấp. Trong đại dịch, việc sử dụng công nghệ thông minh thậm chí còn phổ biến hơn. Nhiều điểm đến đang sử dụng trí thông minh nhân tạo, dùng robot thay con người làm những công việc lao động chân tay trong khách sạn, nhà hàng và công viên giải trí. Một số nơi cũng phát triển tour du lịch ảo hoặc thực tế tăng cường bên cạnh các tour thực tế.

Ông Keith Tan, Tổng cục Trưởng Tổng cục Du lịch Singapore, cho biết: “Ngành du lịch cũng nên tận dụng công nghệ, chẳng hạn như để tạo ra trải nghiệm độc đáo cho du khách cũng như dân địa phương. Trong một thế giới mà du khách không bị ràng buộc bởi các ranh giới vật lý, du lịch không còn chỉ là gặp gỡ hay tham quan, mà là sự trải nghiệm độc đáo cho du khách xuyên suốt từ trước lúc khởi hành cho đến sau khi kết thúc chuyến đi.