Dây chuyền dệt may. Ảnh: TL.

 
Bảo Trung Thứ Tư | 04/05/2022 13:30

Tương lai của ngày làm việc

Ngày làm việc 8 giờ có còn phù hợp trong bối cảnh hiện tại?

Gần đây, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí thông qua nghị quyết về số giờ làm thêm trong 1 năm, 1 tháng của người lao động trong bối cảnh phòng chống COVID-19 và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Theo đó, giờ làm thêm mỗi tháng của người lao động được nâng từ 40 giờ lên tối đa 60 giờ, khống chế 300 giờ mỗi năm.

Không thể không thừa nhận năng suất lao động của Việt Nam còn thấp, tỉ trọng các ngành thâm dụng lao động có giá trị gia tăng thấp vẫn còn lớn. Thực tế đó cho thấy, nhu cầu mở rộng khung thỏa thuận làm thêm giờ là nhu cầu có thực để góp phần tăng thu nhập cho người lao động, tăng tính linh hoạt khi tổ chức làm thêm giờ và góp phần tăng năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và nền kinh tế Việt Nam. Lấy ví dụ, có thể cùng một đơn hàng, một doanh nghiệp ở quốc gia khác hoàn thành nhanh hơn một doanh nghiệp ở Việt Nam, đương nhiên nhà đầu tư sẽ chọn doanh nghiệp hoàn thành đúng tiến độ.

Tuy nhiên, liệu cứ tăng thêm giờ làm có thực sự là điều tốt nhất cho sức khỏe của người lao động? Và số giờ làm việc có hợp lý trong bối cảnh ngày nay, khi lực lượng lao động tiếp tục phát triển cùng với các công nghệ giúp cải thiện hiệu suất làm việc và tăng sự linh hoạt?
 
Ngày xưa... 

Trong cuộc cách mạng công nghiệp diễn ra từ năm 1760-1840, giới chủ chỉ có một mục tiêu duy nhất: tăng sản lượng của nhà máy càng nhiều càng tốt. Nói cách khác, các nhà lãnh đạo ngành muốn nhà máy của họ hoạt động 24 giờ một ngày, 7 ngày một tuần. Mục tiêu đầy tham vọng này đã dẫn đến những ngày làm việc rất dài và vô nhân đạo đối với công nhân nhà máy và không có gì lạ khi người lao động phải làm việc tới 16 giờ mỗi ngày. Việc kéo dài ngày làm việc một cách bất hợp lý vô tình lại dẫn đến lợi nhuận giảm dần.

 

Khi sức khỏe và năng suất tổng thể của lực lượng lao động suy yếu, rõ ràng việc duy trì khối lượng công việc như cũ không hiệu quả. Nhà vận động nhân quyền người Anh Robert Owen đã trở thành tiếng nói của lực lượng lao động bằng cách khởi xướng chiến dịch đòi giờ làm việc hợp lý hơn. Khẩu hiệu đã giúp ông có được sức hút trong lực lượng lao động công nghiệp là “8 giờ lao động, 8 giờ giải trí, 8 giờ nghỉ ngơi”.

Ford Motor Company là một trong những doanh nghiệp và nhà sản xuất lớn đầu tiên áp dụng ngày làm việc 8 giờ. Và Ford đã chứng minh rằng: Nó hiệu quả. Khi nhà sáng lập Henry Ford thực hiện chiến lược này vào năm 1914, ông đã cắt giảm một nửa ngày làm việc, đồng thời tăng gấp đôi lương cho nhân viên. Nhờ đó, lợi nhuận trong 2 năm tăng gấp đôi, buộc các doanh nghiệp khác phải nhìn nhận lại. Kể từ đó, ngày làm việc 8 giờ đã được coi là tiêu chuẩn cho năng suất và thành công.
Nhưng gần đây, người ta lại một lần nữa đặt dấu hỏi về tính hiệu quả của tiêu chuẩn này. Trong khi nhiều người có thể cho rằng ngày làm việc 8 tiếng tồn tại là kết quả của một số nghiên cứu khoa học, thì lịch sử cho thấy điều này có được từ một chiến dịch phản đối  của người lao động.

Nói cách khác, tính hợp lý của ngày làm việc 8 tiếng trên cơ sở khoa học là chưa rõ ràng cho tới tận hôm nay.

...ngày nay

Ngày nay, điều kiện làm việc đã thay đổi, nhờ vào sự phát triển nhanh chóng của công nghệ và vai trò ngày càng tăng của nó trong nhiều ngành công nghiệp. Công nghệ đã thay đổi hiệu quả văn hóa làm việc truyền thống bằng cách giúp giao tiếp dễ dàng hơn và tăng tốc độ hợp tác, đồng thời cho phép các lựa chọn linh hoạt hơn cho những nhân viên có năng lực đóng góp từ xa.

 

Theo Cục Thống kê Lao động Mỹ, số giờ làm việc trung bình mỗi ngày của tất cả nhân viên (bao gồm cả nhân viên toàn thời gian và bán thời gian) là 7,99 giờ. Mặt khác, công nhân toàn thời gian làm việc nhiều hơn (8,5 giờ mỗi ngày). Theo các số liệu thống kê này, xu hướng ngày làm việc 8 giờ vẫn còn hiệu lực, nhưng một số thể chế đang đứng trước thách thức của sự thay đổi.

Cách đây không lâu, Microsoft Nhật đã triển khai một thử nghiệm để kiểm tra một tuần làm việc 4 ngày, cho nhân viên nghỉ vào thứ Sáu hằng tuần. Ban đầu vẫn có một số nghi vấn, nhưng vào cuối cuộc thử nghiệm của họ, các tính toán đã được thực hiện dẫn đến một kết luận quan trọng: năng suất của những nhân viên được phép nghỉ cuối tuần 3 ngày tăng 40% trong suốt giai đoạn thử nghiệm. Đây cũng là một yếu tố để cân nhắc cắt giảm giờ làm việc trong tuần mà vẫn đạt hiệu quả, bên cạnh giải pháp của Microsoft Nhật là tăng ngày nghỉ bên cạnh ngày làm việc truyền thống.

Tại Việt Nam, Công ty Cổ phần Dược phẩm An Thiên là một trong những đơn vị chú trọng đầu tư công nghệ và nâng cao tay nghề của người lao động, thay vì bố trí họ làm thêm giờ. Ông Lê Đình Chi, Giám đốc Hành chính nhân sự của Dược phẩm An Thiên, cho biết Công ty chỉ tăng ca khi gặp những sự cố như hư hỏng máy móc, thời gian nhập nguyên liệu bị kéo dài do có sự thay đổi về nhà cung cấp... và thời gian tăng ca không quá 3 giờ/ngày.

Ảnh: Getty images
Ảnh: Getty images

“Người lao động có mong muốn nâng cao trình độ sẽ được doanh nghiệp tạo thuận lợi về thời gian, kinh phí. Tay nghề được nâng cao sẽ kéo theo sự cải thiện về năng suất lao động và chất lượng sản phẩm”, ông Chi nhấn mạnh.

Dù cho định nghĩa ngày làm việc có thay đổi như thế nào, thì một xu hướng sẽ chỉ thành hiện thực khi nó làm tăng năng suất. Cũng giống như Robert Owen đã lên tiếng phản đối các phương thức làm việc phản tác dụng vào thời của ông, đã và đang có nhiều người lên tiếng để “cải cách” chế độ làm việc hiện tại.

Mâu thuẫn là tiền đề của phát triển. Điều quan trọng là các nhà lãnh đạo doanh nghiệp cần tiếp thu những ý tưởng mới, qua đó giúp lực lượng lao động hưởng lợi từ các chế độ làm việc phù hợp hơn, thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ hơn.