Nhiều ý kiến cho rằng khi tỉ lệ người cao tuổi tăng lên, các bệnh viện đều cần thành lập khoa lão để tiếp nhận điều trị cho người cao tuổi. Ảnh: Vinhomes

 
Tuệ Anh Thứ Sáu | 12/08/2022 15:07

Tuổi thọ trung bình của người Việt đạt 73, nhưng chỉ có 64 năm sống khỏe mạnh

Đến năm 2038, Việt Nam sẽ là nước dân số già với tỷ lệ người cao tuổi đạt 20%, chi phí y tế cho người già gấp 10 lần người trẻ.

Tổng cục Dân số vừa công bố báo cáo cho thấy Việt Nam là 1 trong 10 quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Theo thống kê chung, hiện tuổi thọ trung bình của người Việt ở mức trên 73 tuổi, nhưng số năm khỏe mạnh chỉ được 64.

Năm 2011, Việt Nam bắt đầu bước vào quá trình già hóa dân số với số người cao tuổi chiếm 10% dân số. Theo dự báo, đến năm 2038 tỷ lệ này sẽ đạt 20%, khi đó Việt Nam chính thức được gọi là nước dân số già. Như vậy để tăng gấp đôi tỷ lệ người cao tuổi, Việt Nam chỉ mất 27 năm, trong khi Mỹ mất 69 năm, Australia mất 73 năm, Thụy Điển 85 năm, Pháp mất 115. Điều đó cho thấy Việt Nam có tốc độ già hóa dân số quá nhanh, cho nên có rất ít thời gian để chuẩn bị cho sự thay đổi này.

 

Theo thống kê của Tổng cục Dân số, tuổi thọ bình quân của người Việt Nam tăng nhưng số năm sống khỏe mạnh thấp so với nhiều nước, số năm phụ nữ sống có bệnh tật trung bình khoảng 11 năm và nam giới khoảng 8 năm. Người cao tuổi đối diện với gánh nặng "bệnh tật kép" và thường mắc các bệnh mạn tính như: Mạch vành, tăng huyết áp, tiểu đường, thoái hóa khớp, ung thư...Ngoài ra còn các hội chứng đặc trưng ở người già như suy giảm nhận thức, lú lẫn, trầm cảm, suy giảm trí nhớ...

Bình quân mỗi người cao tuổi có 3 bệnh, đối diện với nguy cơ tàn phế do quá trình lão hóa, chi phí điều trị lớn. Tuổi thọ trung bình cao nhưng tuổi thọ khỏe mạnh của người cao tuổi ở nước ta thấp (64 tuổi), đặc biệt, có 67,2% người cao tuổi có tình trạng sức khỏe yếu và rất yếu. Trong đó, chi phí điều trị mỗi năm dành cho cho người cao tuổi thường cao gấp 8-10 lần người trẻ. 

Hiện nay, Việt Nam đang thiếu bác sĩ chuyên lão khoa, điều dưỡng có kinh nghiệm, hệ thống viện dưỡng lão có hoặc không có chăm sóc y tế còn ít. Nguồn nhân lực chăm sóc người già chủ yếu dựa vào người nhà và ngày càng giảm.