Người Trung Quốc hiện dành 5 tiếng 37 phút mỗi ngày lướt internet, tăng gần ba tiếng so với năm 2018. Ảnh: The Economist.

 
Khánh Tú Thứ Hai | 02/12/2024 16:16

Từ văn hóa 996 đến cân bằng cuộc sống trong lao động Trung Quốc

Một khảo sát mới đây tiết lộ người dân Trung Quốc dành ít thời gian làm việc hơn nhưng lại tập trung nhiều vào sức khỏe, internet và lối sống cân bằng.

Trung Quốc từ lâu đã nổi tiếng với văn hóa làm việc chăm chỉ, nơi sự lao động cần mẫn và nỗ lực không ngừng là động lực đưa đất nước trở thành “công xưởng của thế giới”. Hơn 175 triệu lao động di cư làm việc xa quê, thường phải để con cái lại cho người thân chăm sóc. Văn hóa làm việc "996", từ 9 giờ sáng đến 9 giờ tối, 6 ngày mỗi tuần, còn phổ biến tại nhiều công ty lớn.

Vì vậy, khi một khảo sát chính thức cho thấy trung bình mỗi người Trung Quốc chỉ dành chưa đến ba tiếng rưỡi mỗi ngày cho công việc được trả lương, không ít người cảm thấy bất ngờ và hoài nghi. Một số cư dân mạng châm biếm: “Họ chỉ khảo sát nhân viên nhà nước thôi sao?”, hay “Khảo sát này được thực hiện ở trường mẫu giáo hay nhà dưỡng lão?”.

Nhiều số liệu thống kê tại Trung Quốc thường bị nghi ngờ là có lợi cho chính phủ. Tuy nhiên, kết quả lần này lại đi ngược xu hướng. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc vốn khuyến khích người dân duy trì tinh thần làm việc chăm chỉ, lo ngại rằng sự thịnh vượng có thể khiến xã hội trở nên lười biếng. Trong bối cảnh này, một số người trẻ đã phản kháng lại áp lực công việc bằng cách theo đuổi phong trào “nằm im”, chọn công việc nhẹ nhàng, thu nhập thấp để đổi lấy cuộc sống ít áp lực hơn. Nhưng liệu hiện tượng này có được phản ánh trong khảo sát quốc gia?

Khảo sát được Cục Thống kê Quốc gia thực hiện với hơn 100.000 người, yêu cầu ghi lại chi tiết hoạt động trong từng khoảng 15 phút, cả ngày thường lẫn cuối tuần. Tuy nhiên, việc tính trung bình số giờ làm việc trong cả tuần khiến số liệu có vẻ thấp. Chẳng hạn, người làm ca tám tiếng với hai ngày nghỉ chỉ được ghi nhận làm dưới sáu tiếng mỗi ngày. Ngay cả người tuân thủ văn hóa "996" cũng chỉ làm trung bình 10 giờ 17 phút/ngày sau khi tính ngày nghỉ.

Ngoài ra, khảo sát bao gồm cả trẻ em từ 6 tuổi và người nghỉ hưu, những đối tượng không tham gia thị trường lao động, kéo thấp mức trung bình chung. Khi chỉ tính nhóm từ 18 đến 59 tuổi, người Trung Quốc làm việc trung bình 6 tiếng rưỡi mỗi ngày, vượt tiêu chuẩn quốc tế và tương đương hơn 45 tiếng mỗi tuần.

Không chỉ công việc được trả lương, khảo sát còn ghi nhận lao động không công như chăm sóc gia đình, làm việc nhà và đi chợ. Hơn 80% phụ nữ và 2/3 nam giới tham gia các hoạt động này. Trung bình, phụ nữ làm công việc này gần ba tiếng rưỡi mỗi ngày, gấp đôi nam giới. Sự chênh lệch này thậm chí còn tăng so với năm 2018, khi đàn ông thực hiện được 60% lượng công việc không công so với phụ nữ.

Tuy vậy, kết quả khảo sát không chứng minh rằng người dân Trung Quốc trở nên lười biếng. Thế nhưng, họ đang làm việc ít cường độ hơn. So với lần khảo sát trước, trung bình mỗi người dành ít hơn 9 phút cho việc nhà, giảm 23 phút cho chăm sóc người thân nhưng ngủ thêm 27 phút mỗi ngày.

Thay đổi lớn nhất là thời gian sử dụng internet. Người Trung Quốc hiện dành 5 tiếng 37 phút mỗi ngày lướt internet, tăng gần ba tiếng so với năm 2018. Bên cạnh đó, thời gian dành cho hoạt động thể chất cũng tăng đáng kể. Gần một nửa dân số tham gia tập thể dục hoặc thể thao, so với chưa tới 1/3 vào năm 2018.

Những thay đổi này có thể khiến các nhà lãnh đạo Trung Quốc yên tâm hơn. Khi không còn lao động cật lực, ngày càng nhiều người dân nước này chọn cách đầu tư vào sức khỏe và cân bằng cuộc sống.

Có thể bạn quan tâm:

Điểm sáng giữa thách thức xã hội già hóa ở Trung Quốc

Nguồn The Economist