Dự án tái thiết suối Cheonggyecheon (Thanh Khê) ở trung tâm Seoul là một bài học hay trong việc đưa mặt nước về gần với con người. Ảnh: Shutterstock.com
Từ kênh rạch Sài Gòn nghĩ về mặt nước trong đô thị
Sông Sài Gòn và các phụ lưu của nó từng bị bỏ lại phía sau đời sống đô thị. Sài Gòn - Chợ Lớn được xem là vùng đất đi lên từ sông nước nhưng trong quá trình tạo dựng nơi ở, ta đã quên dành chỗ cho mặt nước. Trốn khỏi thành phố, người Sài Gòn vẫn tìm về quanh hồ Xuân Hương - Đà Lạt, đổ ra biển Vũng Tàu, hay xuôi về miền Tây Nam Bộ. Những cuộc “đi trốn” cho thấy, dù sinh hoạt của thị dân hiện đại không còn gắn chặt với kênh rạch, nhưng trong tiềm thức, chúng ta vẫn hướng về gần mặt nước và dòng sông.
Rời xa dần mặt nước
Không ai dám chắc mối liên kết giữa người Sài Gòn và mặt nước tự nhiên bắt đầu phai mờ từ khi nào. Song việc “ly khai” này có lẽ xuất phát từ chủ trương quy hoạch của người Pháp vào cuối thế kỷ XIX. Trước thời điểm đó, vùng đất TP.HCM ngày nay vẫn còn tách biệt thành 2 thị tứ là Sài Gòn và Chợ Lớn. 2 vùng dân cư này được nối với nhau bởi hệ thống kênh rạch, vì vậy giao thông đường thủy vẫn là quan trọng nhất. Bấy giờ, Kênh Tàu Hủ được xem là góp phần lớn trong sự buôn bán thịnh vượng của Sài Gòn - Chợ Lớn, đây là con đường thủy xuống tận Hậu Giang. Trong một bài phóng sự về Sài Gòn năm 1864, nhà báo A. Lomon có viết: “Không đâu nhộn nhịp bằng sông Sài Gòn. Mọi hoạt động thương mại đều diễn ra trên sông nước, ở đó có thuyền bè luôn đông đúc”.
Tầm nhìn phát triển Sài Gòn như một thành phố kênh rạch, “Venice phương Đông”, cũng từng được người Pháp đặt ra. Năm 1863, chính quyền đề đốc Bonard nhờ cậy sự tham vấn của các bác sĩ thủy quân Pháp về vấn đề này. Bác sĩ Cormeyras, Laure và Lalluyaux d’Ormay đã thống kê và nghiên cứu số liệu bệnh trong vòng nhiều năm và đề xuất lấp các ao, đầm, kênh rạch thành đường nhằm đảm bảo vệ sinh môi trường nước, hạn chế bệnh truyền nhiễm và sốt rét, vốn gây tổn thất lớn cho người Pháp.
Kế hoạch biến Sài Gòn thành “Venice Phương Đông” thất bại. Về sau, người pháp tái thiết các con đường cũ và mở thêm nhiều đường mới đẩy mạnh các tuyến hàng hóa thương mại. Các đường lộ mới phát triển làm mất đi vị thế thương mại của đường thủy. Nhà nghiên cứu Vương Hồng Sển có ghi lại việc này trong cuốn Sài Gòn Năm Xưa: “Ngày nay khách bộ hành và hàng hóa xoay qua dùng nhiều xe hơi chạy ét xăng hơn dùng tàu bè” nên chợ Lớn, chợ Mỹ Tho không còn thắng thế, “trái lại, các chợ búa không nằm trên đường nước nhưng vẫn nằm trên đường lộ cái như chợ Cai Lậy, bến phà Mỹ Thuận, chợ Cần Thơ, chợ Sóc Trăng, vẫn tấn phát như thường”. Vào thời gian đó, mặt nước ở đô thị tồn tại và được bảo vệ cũng là nhờ vào vai trò giao thông. Khi đánh mất đi vai trò này, dù muốn dù không, kênh rạch và các hoạt động diễn ra xung quanh nó cũng dần biến mất. Trong suốt một thời gian dài, cư dân của một đô thị sông nước dần quên đi cái mặt nước tấp nập và nhộn nhịp của mình.
Khoảng 20 năm gần đây, mặc dù các con kênh lớn như Nhiêu Lộc - Thị Nghè hay Tàu Hủ - Bến Nghé đã dần được khôi phục môi trường nước nhưng con đường tìm về mặt nước vẫn còn gian nan. Đoạn sông Sài Gòn chảy qua đô thị dài 80 km nhưng không phải lúc nào cũng dễ dàng tiếp cận.
Sau một thời gian dài bị quay lưng, dòng sông được nhìn nhận lại và có một vị thế xa xỉ trong thị trường nhà ở. Một số đoạn sông đẹp, quanh bán đảo Thảo Điền hay khu vực hợp lưu giữa kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè với sông Sài Gòn, các dự án nhà ở cao cấp của tư nhân đã lấy trọn mặt sông làm của riêng. Hay thậm chí một số biệt thự tư nhân ở Thảo Điền còn xâm phạm vùng bảo vệ bờ sông Sài Gòn. Dòng sông được nhìn nhận là một nguồn tài nguyên quý giá cho không gian đô thị là chuyện tốt. Song mặt nước chỉ thực sự xuất hiện trở lại khi cộng đồng cảm thấy gần gũi với nó. Dòng sông là nguồn tài nguyên quý giá của cả cộng đồng.
Đưa con người về gần mặt nước
Có thể nếp sống hiện đại không còn lệ thuộc nhiều vào kênh rạch, nhưng đời sống tinh thần xung quanh mặt nước thì vẫn không bao giờ phai nhạt. Hồ con rùa hay bùng binh Cây Liễu dù chỉ là những mặt nước nhân tạo với diện tích vừa phải, nhưng vẫn gắn nhiều kỷ niệm với người Sài Gòn, có lẽ vì nó gần gũi. Làm sạch dòng nước là bước đầu. Song để thực sự đưa mặt nước về gần với con người thì việc tái thiết phải đáp ứng được nhu cầu của cư dân. Nếu như trước đây mặt nước cần rộng rãi, an toàn cho thuyền bè qua lại, thì ngày nay mặt nước và cảnh quan ven bờ cần phải hấp dẫn và dễ tiếp cận với nhiều hoạt động cho thương mại, vui chơi.
Dự án tái thiết suối Cheonggyecheon (Thanh Khê) ở trung tâm Seoul là một bài học hay trong việc đưa mặt nước về gần với con người. Dòng suối này cũng trải qua một giai đoạn bị bỏ mặc và đẩy về bên lề của một đô thị Seoul đang đi lên. Suối Cheonggyecheon bị quên lãng và trở thành mặt nước đen. Đến cuối những năm 1950, chính quyền thành phố quyết định lấp dòng suối này. Năm 2001, chính quyền thành phố quyết định tái lập cảnh quan mặt nước nơi đây. Dự án chú trọng vào việc đưa con người tới gần mặt nước.
Mặc dù ngày nay suối Cheonggyecheon chỉ còn là một lạch nước nhân tạo được bơm 120.000 tấn nước mỗi ngày, nhưng chính nhờ vào thiết kế thân thiện với người đi bộ cộng với cảnh quan đa dạng, dự án vẫn rất thu hút, tạo ra một chỗ chơi mới và đưa người dân đô thị về gần mặt nước. Khách bộ hành đã tạo ra sự tăng trưởng thương mại dọc 2 bên dòng suối. Số lượng các tòa nhà văn phòng, cửa hàng nhỏ và nhà hàng tăng thêm hơn 20%. Mặt nước mang đến niềm vui và sự thịnh vượng cho đô thị.
Với sự cởi mở trong văn hóa, chúng ta có nhiều sự lựa chọn cho việc thư giãn và vui chơi. Trong cuốn sách Văn Minh Vật Chất Của Người Việt, nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng có viết: “Ăn cơm Tàu, ở nhà Tây là một tục ngữ của người Việt thời cận hiện đại để chỉ những mức sống tốt nếu có thể lựa chọn. Ở câu trên cho thấy xu hướng chọn những gì tiện lợi cho đời sống của mình, dù đó là sản vật của dân tộc khác”.
Đây là một lời bình không sai về sự cởi mở trong gặp gỡ - dung nạp - tiếp biến văn hóa sống của người Việt. Trong thế giới phẳng, chỗ chơi và nơi ở của cư dân đô thị rất đa dạng, ít nhất là khoảng 20 năm đầu thế kỷ XXI này. Không chỉ nhà Tây mà còn có hồ khoáng nóng, vườn thiền và hồ cá Koi kiểu Nhật, có cả trường dạy cưỡi ngựa Ả Rập... Sự mới lạ là cách nhanh chóng xua đi cái khô khan và tẻ nhạt của đời sống đô thị hiện đại. Dù vậy, được tái kết nối với mặt nước tự nhiên có lẽ vẫn là niềm an ủi và xoa dịu lớn hơn cả.