Mỗi tháng tại Việt Nam có khoảng 2,5 triệu người thường xuyên đọc truyện tranh. Ảnh: Quý Hòa

 
Linh Lan Thứ Sáu | 24/06/2022 07:30

Truyện tranh Việt Bao giờ thức giấc?

Truyện tranh Việt vẫn đang loay hoay tìm chỗ đứng tại thị trường nội địa.

Tháng 3 năm nay, POPS Comic Awards mùa 2 khép lại với hơn 50 tác phẩm dự thi, vượt xa kỳ vọng của nhà tổ chức. Đây là cuộc thi duy nhất dành cho lĩnh vực truyện tranh tại Việt Nam và do một đơn vị tư nhân tổ chức trên nền tảng trực tuyến.

Các nền tảng trực tuyến chen chân

Mỗi tháng tại Việt Nam có khoảng 2,5 triệu người thường xuyên đọc truyện tranh (theo báo cáo của nền tảng đọc truyện trực tuyến Waka), tương ứng với quy mô khoảng 4 triệu USD/năm. Người Việt chủ yếu dùng điện thoại đọc truyện tranh trực tuyến vì kích thước nhỏ gọn, tiện dụng và sau 20H là khung giờ độc giả thường đọc nhiều nhất. Đây chính là lý do khá nhiều nền tảng nhanh chóng chen chân vào thị trường nhằm chiếm lĩnh thị phần.

Hiện nay, tại Việt Nam, bên cạnh một số nền tảng truyện tranh mở, 2 nền tảng thuần Việt được cộng đồng sáng tác truyện tranh tin tưởng là Comicola và POPS Comic. Nếu Comicola dừng lại ở webtoon (truyện tranh) thì POPS Comic đa định dạng, ngoài truyện tranh còn có moving toon (truyện tranh động) và live action (phim người đóng). POPS Comic sở hữu khoảng 10 đầu truyện tranh thuần Việt. Riêng Comicola không chỉ là ngôi nhà của các tác giả truyện tranh, mà còn bán thêm nhiều sản phẩm phái sinh trong hệ sinh thái truyện tranh như thú bông, móc khóa, bản vẽ, bộ bài tarot, búp bê…

 

Việc xuất hiện nền tảng trực tuyến không khiến truyện tranh mất đi thị phần truyền thống. Theo thống kê của Cục xuất bản, In và Phát hành trong năm 2019, Việt Nam có khoảng 30 triệu bản truyện tranh được phát hành. Tuy nhiên, 90% trong số đó là truyện tranh nước ngoài, chiếm ưu thế nhất là truyện tranh Nhật. Tại Nhà xuất bản Kim Đồng, có đến 70% là truyện tranh Nhật, 20% dành cho truyện tranh các quốc gia khác, 10% còn lại là truyện tranh Việt Nam.

Cần sức mạnh tổng thể

Kể từ khi bộ truyện tranh Doraemon đến Việt Nam vào năm 1992 và tạo nên cơn sốt, nhiều đơn vị xuất bản bắt đầu đua chân vào thị trường này. Song song với các bản truyện quốc tế, truyện tranh Việt Nam tạo được không ít dấu ấn như Dũng Sĩ Hesman của họa sĩ Hùng Lân (160.000 bản/tập/tuần) và Thần Đồng Đất Việt của họa sĩ Lê Linh. Tác giả Kim Khánh với bộ 3 truyện gồm Cô Tiên Xanh, Trạng Quỳnh và Cậu Bé Rồng được xem là kỷ lục của truyện tranh Việt khi có tổng lượng phát hành trên 30 triệu bản. Có không ít bộ truyện gây tiếng vang tại cuộc thi truyện tranh quốc tế International Manga Award như Địa Ngục Môn, Long Thần Tướng hay Đất Rồng.

Mặc dù vậy, những con số này là quá ít ỏi so với bức tranh toàn cảnh. Lý giải vì sao truyện tranh Việt không tìm được chỗ đứng ngay tại thị trường nội địa, đại diện một đơn vị xuất bản chia sẻ: “Họa sĩ Việt rất giỏi, tài năng thậm chí không thua kém họa sĩ các nước bạn, tôi biết nhiều bạn còn có các dự án quốc tế nhưng khâu kịch bản cho truyện tranh thì rất yếu. Người viết tốt lại không mặn mà với truyện tranh mà hướng đến sáng tác văn chương nhiều hơn, thậm chí ít đọc hoặc không đọc truyện tranh. Người vẽ truyện tranh thì tư duy sáng tác, viết lời cho truyện lại không có”.

Lấy dẫn chứng thực tế từ cuộc thi POPS Comic năm thứ 2, bà Nguyễn Thị Thanh Tân, Phó Chủ tịch khối nội dung của POPS World Wide, cho biết: “Đa phần hiện nay các tác giả truyện tranh Việt Nam làm theo sở thích nên nếu đi đường dài, họ bị tắc ý tưởng. Chẳng hạn, trong mùa 1 của cuộc thi, các bạn tham gia 50 chương truyện nhưng đến mùa 2, các bạn chỉ có thể sáng tác được 10 chương. Điều này chưa cân bằng được số chương cũ và mới, xét rộng ra là khả năng sản xuất để phục vụ độc giả. Phát triển ý tưởng, làm việc chuyên nghiệp nằm trong số những điều quan trọng nhất mà ngành truyện tranh cần quan tâm”.

 

Cũng theo bà Tân, truyện tranh xét cho cùng vẫn là một ngành kinh doanh, do đó, đòi hỏi tác phẩm phải thành công, bán được cho nhiều người đọc và có nhiều sản phẩm phái sinh. Chỉ có như vậy, tác giả mới có thể sống được bằng nghề và tái sáng tạo. Khi nào ngành truyện tranh Việt làm được điều này mới có thể kỳ vọng truyện tranh “made in Vietnam” chiếm được ưu thế tại thị trường trong nước. 

Về lâu dài, để truyện tranh Việt phát triển, các đơn vị đều có chung nhận định cần tạo được mối liên kết từ tổng thể nhiều yếu tố gồm tác giả, đơn vị xuất bản, nguồn tài trợ, các quỹ đầu tư, nhân lực cũng như cơ chế, chính sách. 

Hiện Nhà xuất bản Kim Đồng đang tính tới việc nuôi dưỡng ý tưởng, tìm kiếm những tài năng có tư duy viết lời tương tự như việc tìm kiếm tác giả chuyển thể tác phẩm văn học thành phim điện ảnh. Những nền tảng trực tuyến có bản quyền như POPS Comic thì kết hợp với các thương hiệu, nhãn hàng để có kinh phí đầu tư cho họa sĩ. 

Tuy nhiên, theo chia sẻ của bà Tân, cái khó nhất các nền tảng đang phải đối mặt hiện nay là các họa sĩ vẫn hoạt động theo hướng đơn lẻ và theo cảm hứng. Do đó, bà Tân cho rằng, các tác giả, họa sĩ truyện tranh cần có suy nghĩ cởi mở hơn, sẵn lòng hợp tác cùng các đơn vị tài trợ để phát triển nghề nghiệp nếu chọn hình thức phát hành trực tuyến. Có như vậy mới sống được với nghề và thúc đẩy thị trường phát triển.