New York Times

 
Lê Phan Thứ Tư | 11/04/2018 14:00

Trung Quốc tạo quyền lực mềm qua phim ảnh

Trung Quốc không ngừng gia tăng sức mạnh của “quyền lực mềm” qua những bộ phim tuyên truyền.

Trung Quốc không ngừng gia tăng sức mạnh của “quyền lực mềm” thông qua thâu tóm thị phần tại các hãng phim danh tiếng lâu đời của Hollywood và không ngần ngại phô trương sức mạnh qua những bộ phim tuyên truyền.

Đánh xa, dọa gần
Tương tự như Nhật, Hàn Quốc, Trung Quốc sớm nhận ra tác động của việc dùng mặt trận văn hóa để quảng bá “quyền lực mềm”. Thế nhưng, thay vì chọn cách lan tỏa mềm mỏng, nhẹ nhàng, thậm chí mất nhiều thời gian để xây dựng “làn sóng Hallyu” kiểu Hàn Quốc, thì Trung Quốc nhanh chóng tận dụng lợi thế của một thị trường điện ảnh đứng thứ hai thế giới, chỉ sau Bắc Mỹ, thậm chí được dự đoán sẽ vượt Bắc Mỹ trong vòng 5 năm tới.

Một mặt, Chính phủ Trung Quốc ra sức ngăn chặn các chương trình truyền hình, những bộ phim điện ảnh từ hai quốc gia châu Á trên, kể cả Hollywood với lý do bảo hộ nền điện ảnh, truyền hình trong nước. Mặt khác, từng bước tạo ra những thay đổi trong cách thức quản lý văn hóa, tạo lực đẩy cho điện ảnh nội địa.

Thực ra, từ thập niên 1990, Chính phủ Trung Quốc đã tăng cường thúc đẩy dòng phim tuyên truyền bằng cách khuyến khích các biên kịch, đạo diễn nhà nước học tập cách làm phim của tư nhân. Tuy nhiên, những bộ phim này hiếm hoi mới đạt thành công về mặt thương mại, như Đại Nghiệp Kiến Quốc (2009).

Tuy nhiên, hiện nay, ngày càng nhiều hãng phim tư nhân Trung Quốc thực hiện các bộ phim mang tính chất tuyên truyền nhưng vẫn có tính giải trí cao và thu về hàng trăm triệu USD. Thợ Săn Bầu Trời, Điệp Vụ Biển Đỏ (562 triệu USD), Chiến Lang 2 (874 triệu USD), Điệp Vụ Tam Giác Vàng (thu về hơn 1 tỉ nhân dân tệ)... đều là những bộ phim phô bày sức mạnh quân sự của quân đội Trung Quốc được khoác chiếc áo giải trí nhưng kèm lời cảnh báo: “Bất cứ kẻ nào dám khiêu chiến với Trung Quốc đều bị tiêu diệt, cho dù mục tiêu có xa tới tận đâu”.

Cuối tháng 3 vừa qua, Tân Hoa Xã loan báo kế hoạch thành lập cơ quan tuyên truyền mới mang tên “Tiếng nói Trung Quốc”, dựa trên việc sáp nhập Đài Truyền hình Trung ương, Đài Phát thanh Quốc tế và Đài Phát thanh Quốc gia Trung Quốc.

Đây sẽ là một trong những cơ quan truyền thông lớn nhất thế giới với tổng số phóng viên, biên tập viên khoảng 15.000 người nhằm “hướng dẫn các vấn đề nóng, tăng cường và cải thiện dư luận, thúc đẩy tích hợp đa truyền thông, củng cố truyền thông quốc tế và kể những câu chuyện hay về Trung Quốc”.

Chính phủ nước này cũng đã thông qua nhiều chính sách ưu tiên, hỗ trợ tài chính cho các rạp, giảm giá vé, thưởng tiền mặt cho khán giả… nhằm chọn ra 5.000 rạp phim (xấp xỉ 10% tổng lượng rạp cả nước) chỉ để chiếu những phim phục vụ đường lối, chủ trương, chính sách vào những dịp đặc biệt. 
Chẳng hạn, Amazing China, một bộ phim tài liệu giới thiệu những thành tựu khoa học, công nghệ nổi bật của Trung Quốc kể từ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 18, công chiếu vào tháng 3.2018, dù chỉ là ghép lại từ 2 tập phim truyền hình nhưng vẫn thu về 42 triệu USD!

Chỉ tang mạ hòe
Hơn một thập niên qua, Trung Quốc đổ tiền đầu tư rất lớn vào châu Phi. Giới quan sát quốc tế đánh giá Bắc Kinh đã đi trước Mỹ một bước trong việc phát huy ảnh hưởng tại châu Phi, khiến Washington trở tay không kịp. Đầu năm 2016, Trung Quốc bắt đầu xây dựng căn cứ quân sự ở Djibouti tại địa điểm gần trại Lemonnier, một tiền đồn của Mỹ. Bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định căn cứ quân sự này sẽ cho phép quân đội nước này hoàn thành tốt hơn các sứ mệnh hộ tống, chống cướp biển, đóng góp mới cho hòa bình và ổn định khu vực. Đây chính là lý do Điệp Vụ Biển Đỏ và Chiến Lang 2 đều chọn bối cảnh châu Phi.

Trung Quoc tao quyen luc mem qua phim anh
 


Ngay khi Điệp Vụ Biển Đỏ được công chiếu, trang web Bộ Quốc phòng Trung Quốc lập tức có bài viết tán dương: “Hải quân Trung Quốc tích cực ủng hộ bộ phim này”. Tờ The Guardian dẫn lời chuyên gia điện ảnh Jonathan Papish của trang China Film Insider mô tả những bộ phim “vỗ ngực khoe khoang sức mạnh” như trên là sản phẩm của một Trung Quốc với chính sách cứng rắn hơn trên trường quốc tế.

Trước đó, chính phủ nước này đầu tư rất nhiều tiền của để xây dựng trường quay, gửi đạo diễn sang Hollywood học tập kinh nghiệm, mời gọi các ngôi sao Hollywood sang Trung Quốc đóng phim. Nhưng có vẻ như thành công thu lại chẳng mấy vẻ vang khi các tên tuổi lớn như Trương Nghệ Mưu (Kim Lăng Thập Tam Hoa, Vạn Lý Trường Thành), Trần Khải Ca... lần lượt ngã ngựa.

Thị trường điện ảnh Trung Quốc trở thành “sân sau” của Hollywood với những bộ phim cháy nổ ồn ào như Transformers, Fast & Furious 8, thu về hàng trăm triệu USD, hơn cả tại nơi sản xuất ra chúng. Biết không thể mượn tay Hollywood lâu dài để xây dựng quyền lực mềm, chính phủ nước này nhanh chóng đưa ra các điều luật bảo hộ điện ảnh trong nước, dùng tỉ lệ ăn chia “trói” các phim nước ngoài được phát hành tại Trung Quốc.

Song song đó, hàng loạt tỉ phú Trung Quốc đã đổ tiền thâu tóm các hãng phim danh tiếng của Hollywood. Vương Kiện Lâm của Tập đoàn bất động sản và giải trí Dalian Wanda Group lần lượt mua hệ thống rạp phim khổng lồ AMC Entertainment, Carmike Cinema, hãng Legendary Entertainment của Mỹ (nhà sản xuất Jurassic World, The Dark Night...), Dick Clark Productions - nhà sản xuất chương trình Quả cầu vàng và các sự kiện truyền hình trực tiếp, thỏa thuận liên thông với Sony Pictures.

Jack Ma (Alibaba) mua cổ phần thiểu số của hãng Amblin Partners thuộc sở hữu của đạo diễn Steven Spielberg. Tony Xia (Recon Group) mua phần lớn cổ phần của Millennium (nhà sản xuất các bộ phim hành động Rambo, The Expendables, London Has Fallen cùng một “thư viện” gồm 300 bộ phim của hãng này). Lê Thụy Cương chi tiền hợp tác với Warner Bros...

Kết quả của cuộc thâu tóm này là Viện Phim Mỹ phải trình đơn cầu cứu chính phủ Mỹ, còn hình ảnh Trung Quốc xuất hiện tràn ngập trong các bom tấn Hollywood, dĩ nhiên không thể thiếu các diễn viên Trung Quốc được giao đóng chính bên cạnh những ngôi sao tên tuổi hàng đầu Hollywood, dù không có thực lực.

Trường hợp Cảnh Điềm là ví dụ điển hình. Người Trung Quốc, từ hình ảnh của những kẻ chỉ biết khiếp sợ bởi văn minh của người Mỹ, trở thành anh hùng, thành những tổ chức có ảnh hưởng và thay đổi cục diện, thậm chí chi phối đến nền hòa bình thế giới.
Tất cả những động thái này của Trung Quốc cho thấy sự chủ động tính toán để trình diễn quyền lực mềm. Trong năm 2017, lo ngại dòng tiền chảy ra khỏi đất nước, Trung Quốc bắt đầu thực hiện chính sách siết chặt đầu tư tại nước ngoài. Do đó, dòng tiền đổ vào ngành giải trí Mỹ không còn dồi dào nữa.

Trong khi đó, sự thất bại của hàng loạt bom tấn Hollywood tại Trung Quốc cũng như những yêu sách của chính phủ nước này khiến Hollywood bắt đầu chuyển hướng sang dòm ngó thị trường Hàn, Nhật với nhiều chính sách ưu đãi hơn. Điều này không nằm ngoài dự tính của Trung Quốc. Đó là lý do những bộ phim đáp ứng thị hiếu khán giả trong nước ra đời ngày càng nhiều, trong đó có những phim tuyên truyền gắn mác giải trí theo đúng kế  “chỉ tang mạ hòe” (chỉ cây dâu để mắng cây hòe).

Cũng cần nói thêm rằng, mặc dù đại thắng phòng vé, được đông đảo quần chúng ủng hộ, nhưng giới trí thức Trung Quốc e ngại lòng yêu nước và tinh thần dân tộc đang bị các bộ phim phóng đại và lạm dụng thái quá. Nhà phê bình điện ảnh Lý Hoa chia sẻ trên China Post: “Lấy chủ đề anh hùng nhưng các phim Trung Quốc đang ngày càng trở nên bạo lực. Điệp Vụ Biển Đỏ lấy chiến tranh để chống lại chiến tranh. Chủ đề yêu nước bị xòa mờ bởi bạo lực”.