Mục tiêu trung lập carbon của Trung Quốc vào năm 2060 là một vấn đề khác. Nguồn ảnh: The Economist

 
Phùng Mỹ Thứ Năm | 24/09/2020 17:34

Trung Quốc dự kiến cắt giảm lượng khí thải carbon ròng xuống bằng 0 vào năm 2060

Trung Quốc vẫn đang xây dựng các nhà máy nhiệt điện than nhanh hơn bất kỳ quốc gia nào.

Theo The Economist, trong một thông điệp gửi tới Đại hội đồng Liên Hợp Quốc vào ngày 22.9, Chủ tịch nước Tập Cận Bình bất ngờ đưa ra thông báo về việc Trung Quốc đặt mục tiêu ngăn chặn sự gia tăng lượng khí thải carbon vào năm 2030.

Vốn là mục tiêu được đặt ra cách đây 5 năm, Trung Quốc phấn đấu đạt được "tính trung lập của carbon" vào năm 2060. Theo thuật ngữ biến đổi khí hậu, điều này có nghĩa là Trung Quốc phải đạt được sự cân bằng giữa lượng khí thải carbon và giảm thiểu carbon cả công nghệ và tự nhiên, chẳng hạn như trồng cây.

Tuyên bố của ông Tập là một bước tiến quan trọng đối với quốc gia thải ra khí nhà kính lớn nhất thế giới. Kêu gọi một "cuộc cách mạng xanh", ông Tập nói rằng đại dịch COVID-19 cho thấy sự cần thiết phải bảo tồn môi trường.

 

Để thành công, Trung Quốc phải đi xuống từ đỉnh phát thải nhanh hơn nhiều so với bất kỳ nền kinh tế lớn nào khác đã thành công hoặc cam kết làm. Đó sẽ là một thách thức rất lớn.

Theo thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu vào năm 2015, các bên ký kết được yêu cầu đệ trình các kế hoạch mới để giảm lượng khí thải vào cuối năm nay. COVID-19 đã góp phần không nhỏ vào hoạt động đầy thách thức này.

Trước bài phát biểu của ông Tập Cận Bình, nhiều nhà phân tích dự đoán rằng: Trung Quốc sẽ không nhúng tay vào cho đến sau cuộc bầu cử của Mỹ tháng 11 sắp tới, khi mà chính sách về biến đổi khí hậu của Mỹ trong 4 năm tới sẽ trở nên rõ ràng hơn.

Bị quốc tế chỉ trích về việc chậm trễ trong việc xử lý sớm đại dịch, khả năng cao Trung Quốc sẽ quyết định ra tay sớm hơn để nâng cao hình ảnh của mình.

Nhưng liệu các mục tiêu có thực tế không? Chắc chắn, Trung Quốc sẽ không gặp vấn đề gì khi đảm bảo rằng lượng khí thải của họ đạt mức cao nhất trước năm 2030. Theo các chuyên gia, Trung Quốc thậm chí sẽ đạt mức cao nhất về lượng khí thải vào đầu năm 2025. Thật vậy, lượng khí thải từ nhiên liệu hóa thạch - nguồn carbon lớn nhất do con người tạo ra - có thể đã đạt đến đỉnh điểm.

Khói và hơi nước bốc lên từ một nhà máy chế biến than ở Hejin thuộc tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc. Nguồn ảnh: AP.
Khói và hơi nước bốc lên từ một nhà máy chế biến than ở Hejin thuộc tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc. Nguồn ảnh: AP.

Tuy nhiên, mục tiêu trung lập carbon của Trung Quốc vào năm 2060 là một vấn đề khác. Một nhà ngoại giao châu Âu cho biết, mặc dù không cam kết thời hạn nhưng việc đặt mục tiêu trung lập carbon như một tham vọng của Trung Quốc là "một bước đột phá chính trị". Năm ngoái, các nhà lãnh đạo châu Âu đặt mục tiêu “trung lập về khí hậu” vào năm 2050. Mỹ đã giữ im lặng về chủ đề này.

Trung Quốc là nguồn gây ra 27% lượng khí thải carbon-dioxide (CO2) toàn cầu. Nếu chính thức cam kết đạt mục tiêu năm 2060, các dự báo trước đây về xu hướng ấm lên toàn cầu vào năm 2100 sẽ cần được sửa đổi.

Nhóm nghiên cứu Theo dõi Hành động Khí hậu dự đoán: nếu tất cả các chính phủ tuân thủ các cam kết theo Thỏa thuận Paris, hành tinh sẽ ấm lên trung bình 2,7°C vào năm 2100 so với nhiệt độ thời kỳ tiền công nghiệp. Đây vẫn còn là một khoảng cách khá xa so với mục tiêu Paris là giảm nhiệt độ trung bình 1,5-2°C. Theo đó, tuyên bố của ông Tập có thể giảm từ 0,2°C đến 0,3°C so với ước tính này.

Vấn đề là Trung Quốc sẽ không hành động một mình, khi EU chiếm 10% lượng khí thải CO2 toàn cầu và Mỹ vẫn chưa có câu trả lời chính thức. Nếu chiến thắng dành cho ông Joe Bilden trong cuộc bầu cử tổng thống có nghĩa là ba nơi phát thải hàng đầu thế giới - Trung Quốc, Mỹ và Liên minh châu Âu - chiếm khoảng 45% lượng khí thải toàn cầu, đều sẽ có khung thời gian tương tự để đạt được các mục tiêu ròng.

Theo ông Bill Hare của Bộ theo dõi Hành động Khí hậu, điều này sẽ đặt giới hạn ấm lên trong thỏa thuận ở Paris nằm trong tầm tay. Tuy nhiên, hiện Chủ tịch Trung Quốc chưa cho biết nước này sẽ đạt được mục tiêu năm 2060 như thế nào.

Lượng khí thải CO2 của Mỹ đạt đỉnh vào khoảng thời gian từ 2005 - 2007, sau đó giảm khoảng 14% trong thập kỷ tiếp theo. Tổng lượng khí thải của EU đạt đỉnh vào năm 1990 và kể từ đó đã giảm khoảng 32%. Mục tiêu là giảm 45% lượng khí thải vào năm 2030. Điều đó có thể giảm gần một nửa lượng khí thải trong 4 thập kỷ. Ngược lại, Trung Quốc lại đặt mục tiêu giảm phát thải carbon lao dốc từ đỉnh cao xuống gần như không có gì chỉ trong 30 năm.

Chặng đường dài để giảm tổng lượng khí thải CO2. Nguồn ảnh: EIA.
Chặng đường dài để giảm tổng lượng khí thải CO2. Nguồn ảnh: EIA.

Sự khác biệt ở đây là ông Tập chỉ đề cập đến tính trung lập của carbon vào năm 2060, không phải trung tính về khí hậu. Hàm ý là mục tiêu sẽ chỉ áp dụng cho việc phát thải CO2, không áp dụng cho các khí nhà kính khác như mêtan, một yếu tố góp phần lớn vào sự nóng lên toàn cầu. Mục tiêu của Liên minh Châu Âu về tính trung lập với khí hậu bao gồm tất cả lượng khí thải.

Điều quan trọng, Trung Quốc chưa nói rõ liệu mục tiêu mới của họ sẽ chỉ bao gồm lượng khí thải trong nước hay bao gồm lượng khí thải đáng kể do các khoản đầu tư hào phóng của Trung Quốc vào than bên ngoài biên giới, bao gồm cả thông qua Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường, một kế hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng toàn cầu.

Để đạt được mục tiêu năm 2060 sẽ đòi hỏi nguồn cung cấp điện của Trung Quốc phải khử cacbon hoàn toàn, hơn 60% trong số đó vẫn đến từ việc đốt than. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn đang xây dựng các nhà máy nhiệt điện than nhanh hơn bất kỳ quốc gia nào. Trong 6 tháng đầu năm 2020, Trung Quốc đã xây dựng hơn 60% công trình lắp đặt mới trên thế giới.

Trồng rừng mới sẽ giúp hấp thụ carbon, nhưng nó cần phải ở quy mô khổng lồ để tạo ra sự khác biệt cần thiết. Tham vọng của Trung Quốc đòi hỏi một cách tiếp cận mới để phát triển kinh tế vẫn thiếu một lộ trình rõ ràng nên khó trở thành hiện thực.

Có thể bạn quan tâm:
► COVID-19 tạo cơ hội để đẩy nhanh việc giảm phát thải khí nhà kính nhưng biến đổi khí hậu vẫn đang tồi tệ hơn