Trở về từ cõi sáng
Chạm đến vấn đề phía sau cái chết, vốn rất được nhiều người quan tâm và là bí ẩn chưa có câu trả lời thỏa đáng của khoa học, Trở Về Từ Cõi Sáng chứa đựng thông điệp lớn cho người sống: Chúng ta thực sự có thể chuẩn bị gì khi thần chết gõ cửa?
Trở Về Từ Cõi Sáng là một công trình của dịch giả nổi tiếng Nguyên Phong. Ông tên thật là Vũ Văn Du, sinh năm 1950 tại Hà Nội. Ông rời Việt Nam du học ở Mỹ từ năm 1968 và tốt nghiệp cao học ngành sinh vật học và điện toán. Ngoài công việc chính là một kỹ sư cao cấp tại Boeing trong hơn 20 năm, ông vẫn tiếp tục nghiên cứu trong vai trò nhà khoa học tại Đại học Carnergie Mellon và Đại học Seattle. Ông còn giảng dạy tại một số trường đại học quốc tế tại Hàn Quốc, Nhật và Ấn Độ về lĩnh vực công nghệ phần mềm.
Song song với vai trò một nhà khoa học, Nguyên Phong còn là dịch giả nổi tiếng của loạt sách về văn hóa và tâm linh phương Đông, chuyển thể từ nhiều tác phẩm của các học giả phương Tây sau quá trình tìm hiểu và khám phá các giá trị tinh thần từ phương Đông. Trong số đó, có thể kể: Hành Trình Về Phương Đông, Ngọc Sáng Trong Hoa Sen, Bên Rặng Tuyết Sơn, Hoa Sen Trên Tuyết, Huyền Thuật Và Đạo Sĩ Tây Tạng, Minh Triết Trong Đời Sống, Đường Mây Qua Xứ Tuyết... Đam mê thiền học, nghiên cứu sâu sắc các vấn đề tâm linh dưới góc nhìn của khoa học, những tác phẩm của ông, phần lớn là phóng tác, giúp người đọc tiếp cận các tác phẩm gốc thuận lợi hơn, lý giải được những vấn đề còn nhiều ẩn số bằng cái nhìn minh triết.
Trong Trở Về Từ Cõi Sáng, Nguyên Phong tổng hợp và phóng tác từ các đầu sách rất nổi tiếng bao gồm: To Those Who Mourn, Embraced By The Light, Save Buy The Light, Closer To The Light, Reflection On The After Life, Life At Death, Return Form Death, Revelations... Đây là những tác phẩm nổi tiếng về trải nghiệm cận tử. Nhưng, không phải ai cũng có thể tiếp cận, nhất là bạn đọc Việt Nam, vì cách truyền tải của các tác phẩm này đòi hỏi người đọc phải hết sức kiên nhẫn và phải có kiến thức nền nhất định.
Bằng lối hành văn nhẹ nhàng, tác giả lần lượt đưa người đọc đến với những phần đắt giá nhất của các tác phẩm nguyên tác kể trên. Đó là những gì diễn ra ngay khi cái chết ập đến, là sự yếu ớt của con người khi buông bỏ xác phàm... Người đọc được tiếp kiến với nhiều vấn đề còn đang tranh cãi như hồi dương, gọi hồn, nhập đồng... dưới sự soi rọi và kiến giải của ánh sáng khoa học. Rồi từ đó, tìm được câu trả lời cho chính mình.
Mang đến độc giả những câu chuyện có thật, ghi nhận từ những người trải qua giai đoạn cận tử, hồi sinh... nhưng tuyệt nhiên không dùng câu từ để tạo nên yếu tố huyền bí, giật gân, Nguyên Phong từ tốn cho người đọc hiểu hơn về đời sống bên kia cái chết. Đồng thời, cũng đưa độc giả vào hành trình tìm hiểu những áp lực vật chất đối với người vừa từ trần. Ông khẳng định: “Trong vũ trụ còn có nhiều cảnh giới khác nữa, chứ không phải cảnh giới này thôi. Tùy theo rung động của thể tinh thần mà con người thích ứng với một cảnh giới tương ứng”.
Nghĩa là, bên cạnh đời sống thực tại - cõi tạm, vẫn có một cõi tinh thần mà ở đó, con người cởi bỏ được tất cả nặng nề đeo bám bởi những tham vọng, cố tật, sở hữu... Vậy thì, việc cởi bỏ những sân giận, những mong ước chính là cách mà chúng ta chuẩn bị tốt nhất cho chính mình, cả khi đang sống lẫn khi lìa đời. Như cách nói của Nguyên Phong, trong mỗi cuộc đời, ta chẳng mang theo được gì, cũng không lấy được gì từ cuộc đời ấy. Đời này sang đời khác, ta đến rồi ta đi. Buông xả là không mang theo và lấy đi gì. Buông xả sẽ kết thúc việc ta đến và đi.