Trò chuyện với Thích Minh Niệm
Trời nhá nhem tối, mà bà Rabiya (nhà thần bí thuộc Hồi giáo mật tông) còn lúi cúi tìm gì đó ngoài túp lều của bà. Người dân quanh đó hỏi: “Bà tìm cái gì đấy?”, bà im lặng tìm một cách khó nhọc. Nhóm người kiên nhẫn: “Chúng tôi sẽ tìm giúp nhưng bà có nhớ đánh rơi đồ ở đâu không?”. Bà xua tay: “Không! Không phải ở đây. Cây kim của tôi đánh rơi trong lều cơ”. Nhóm người phá lên cười rồi lắc đầu định bỏ đi. Bà Rabiya nghiêm mặt và nói: “Vậy sao các bạn cứ tìm kiếm bình yên ở bên ngoài trong khi có làm mất đâu, nó ở bên trong các bạn kia mà”.
Trích trong cuốn sách Làm Như Chơi được Thiền sư Thích Minh Niệm ra mắt vào những tháng cuối năm, câu chuyện tìm kiếm bình yên và hạnh phúc không phải của riêng dân làng bà Rabiya, mà là đích đến của bất kỳ ai trên đời. Thế còn với những doanh nhân bận rộn, được trọng vọng vì sự thành công và giàu sang, con đường tìm thấy hạnh phúc của họ liệu có dễ dàng? Hay không ít người phải đầu hàng trước áp lực họ đang gánh vác. Chúng tôi đã có cuộc nói chuyện với Thiền sư Thích Minh Niệm xung quanh vấn đề này.
Doanh nhân là những người thường được ngưỡng mộ vì có cuộc sống thành đạt. Với những doanh nhân Thầy đã tiếp xúc, họ có thực sự hạnh phúc hay không?
Điều đó mở rộng ra với tất cả mọi người chứ không chỉ doanh nhân. Nếu định nghĩa hạnh phúc là có được thứ ta muốn, thì cảm giác nhất thời đó sẽ nhanh chóng qua đi. Ví dụ ta muốn đi từ A đến B, tâm trí khi nào cũng nghĩ đến B, thậm chí mất ăn mất ngủ vì B. Ta sống trong căng thẳng, mệt mỏi để đến được B, mà thời gian hạnh phúc khi đạt được mục tiêu thường không bao lâu vì liền sau đó ta lại muốn có C.
Giáo sư - Tiến sĩ thần kinh, tâm lý học Rick Hanson (Mỹ) đã công bố một nghiên cứu đáng ngạc nhiên về ba cấp độ hạnh phúc cao nhất của con người. Ba cấp độ từ thấp đến cao là sự hài lòng, sự bình yên bên trong và sự quan tâm. Rõ ràng, ta không hạnh phúc không phải vì ta không có gì để hạnh phúc mà vì ta không thể cảm nhận những điều kiện hạnh phúc mình đang có.
Những doanh nhân thành đạt hầu hết là những người giàu về vật chất và có địa vị trong xã hội. Tưởng rằng họ có rất nhiều điều kiện để hạnh phúc. Nhưng tiếc là không ít người chấp nhận hy sinh hạnh phúc cá nhân, bận rộn đến mức mở mắt mỗi ngày chỉ thấy công việc mà quên cả gia đình, người thương đang cần ta dành thời gian cho họ. Tâm trí những người này được huấn luyện để lao về phía trước mà không thể cảm nhận được thực tại hạnh phúc.
Tiến về phía trước, đó chẳng phải là mục đích của đời người hay sao?
Đúng, nếu ta tiến về phía trước trên những bước chân hạnh phúc chứ không phải trong tâm thế điên cuồng tìm kiếm hạnh phúc. Nhiều người bỏ ra thời gian mệt mỏi dài đằng đẵng, làm mọi thứ để nhanh chóng đạt được trạng thái hạnh phúc nhất thời, rồi lại không thấy thỏa mãn nữa. Nhìn lại con đường đã đi, ta không nhận ra mình như một mũi tên đầy chất độc, đem đến nỗi khổ cho nhân viên, công ty và gia đình mà không hay biết. Người “sống vội” tuy nắm bắt được nhiều thứ nhưng cũng hủy diệt nhiều thứ, trong đó có năng lượng, để lại khoảng trống lớn của sự chán nản và nhạt nhẽo.
Vậy để “sống chậm” lại, ta cần làm gì?
Ngoài những người sâu sắc, thường xuyên nuôi dưỡng tâm hồn và nhận ra kiếm tiền chỉ là phương tiện chứ không phải mục đích cuộc đời, đa phần là những người phải trải qua thất bại hoặc biến cố lớn mới cuộn mình lại để chữa trị, mới suy ngẫm về cái tôi cố chấp.
Tôi kể bạn nghe về một kiến trúc sư nổi tiếng của nước ta. Mỗi khi chuẩn bị cho một dự án lớn, anh lại đi đâu đó để thiền trong 10 ngày. Mỗi năm 4 lần hoặc hơn. Nhân viên của anh cũng được tạo điều kiện để tham dự thiền. Kết quả của những lần buông bỏ đó là các dự án thành công, những công trình vĩ đại. Cái khó của việc tách bản thân khỏi công việc bận rộn không bằng việc ta phải đối diện với chính mình một cách sâu sắc trong chừng đó thời gian. Như tự chọt vào một vết thương đang mưng mủ, trong những giờ thinh lặng quán sát tâm mình, bao nhiêu suy nghĩ tiêu cực, ý niệm đen tối bấy lâu nay bị ta bỏ qua được dịp tràn ra. Ta đau đớn nhận ra tâm ta nhiều chất độc đến nỗi chúng chìm vào tiềm thức rồi chi phối hành vi ta khi nào không hay.
Hằng ngày ta chìm đắm trong công việc để thấy được mình có giá trị. Nhưng khi thiền, nguồn “thức ăn” của cái tôi bị cắt đứt, chỉ còn ta đối diện với chính mình, biết mình là ai và đang ở đâu trên hành trình đang đi.
Không phải chỉ những người theo đạo Phật mới ngồi thiền mà bất kỳ ai cũng nên dành thời gian để tĩnh lặng và khôi phục khả năng nhận biết thế giới mình đang sống, hay còn gọi là sống tỉnh thức.
Thưa Thầy, cụ thể điều đó được làm bằng cách nào?
Bản thân ta có vô số điều kiện hạnh phúc mà ta vô tình lãng quên. Để cảm nhận vạn vật bao quanh, ta phải kết nối bằng cả thân và tâm. Tất cả giác quan phải mở ra để nhận biết những gì nó đang tiếp xúc. Khi nấu ăn, uống trà, đọc sách… ta nên biết mình đang làm những việc này chứ không nghĩ nhiều đến chuyện khác. Tức là hành động trong tỉnh thức. Khác với thói quen vô thức thường ngày là làm cái này mà nghĩ đến cái khác, nhiều khi xảy ra sự cố thì mới bừng tỉnh.
Mặt khác, với những người bận rộn, điển hình như doanh nhân, mỗi ngày nên cố gắng sắp xếp một khoảng thời gian trống, dù là ít ỏi để ngồi thật yên và giữ tâm an tịnh, không suy nghĩ. Trong những lúc ngồi yên, ta có thể quan sát hơi thở, có thể nhìn qua khung cửa để tiếp xúc sự tĩnh mịch của đất trời, cảm nhận được mùi thơm của trà, của nến, có thể mỉm cười nhẹ khi thấy vài ý nghĩ vẩn vơ trong đầu. Trong khi ngồi yên, ta cũng có thể nghĩ lại mình. Dù ta chủ trương sống trong giờ phút hiện tại nhưng bỏ ra vài phút để nhìn lại những “cái được” và “cái chưa được” để thấu hiểu và vượt qua thì cũng cần thiết.
Những khoảng lặng như thế lại giúp ta hình thành được những suy nghĩ sáng tạo, ý tưởng tinh hoa hơn là khi căng thẳng chỉ nhìn thấy được mặt cạn của ý thức.
Những khoảng trống thư giãn nên được đưa vào thực đơn hằng ngày để giúp ta loại bỏ được những rác rến trong lòng và cảm nhận được hạnh phúc giản đơn luôn có mặt mà hằng ngày thường bị ta bỏ qua do cứ rong ruổi tìm kiếm hạnh phúc ở nơi nào xa lắm.
My My