Khách thăm quan tại triển lãm.

 
Nguyễn Mai Thứ Sáu | 13/12/2024 19:56

Triển lãm Nghệ thuật Ý niệm chủ đề “Vô Ngôn" tại Gallery Art Bar Việt Nam

Hơn 50 tác phẩm sơn mài, sơn dầu, kết hợp cùng các nghệ sĩ Pinano và nghệ thuật sắp đặt...

Triển lãm “Nghệ Thuật Ý Niệm” chủ đề “Vô Ngôn – Nghệ thuật không đến từ ngôn ngữ, nghệ thuật đến từ cảm xúc” đang diễn ra tại Gallery Art Bar Việt Nam. Triển lãm lần này có sự tham gia của hoạ sĩ Đoàn Thế Vỹ với hơn 50 tác phẩm khổ lớn chất liệu sơn mài và sơn dầu, cùng các nghệ sĩ piano chuyên nghiệp kết hợp cùng hiệu ứng ánh sáng và nghệ thuật sắp đặt do kiến trúc sư Hoàng Khương, Nhà sáng lập Art Bar Việt Nam, thực hiện,

50 tác phẩm thuộc thể loại bán trừu tượng của đạo diễn, hoạ sĩ Đoàn Thế Vỹ sẽ là mạch dẫn trình bày xuyên suốt cho chủ đề “Vô ngôn” được diễn ra trong vòng 2 tháng tại gallery. Tiếp nối sau chủ đề Nhất Thể Nhị Nguyên, “Vô ngôn” là chủ đề thứ hai mà gallery Art Bar Viêt Nam muốn giới thiệu trong hành trình mang nghệ thuật hội hoạ hàn lâm đến gần hơn với công chúng.  “Nghệ thuật hàn lâm thật xa cách nếu chúng ta không có “phương thức” tiếp cận. “Vô ngôn” là chìa khoá của cảm xúc để công chúng có thể chạm vào thế giới nghệ thuật của người hoạ sĩ", kiến trúc sư Hoàng Khương cho biết.

Hoạ sĩ Đoàn Thế Vỹ
Hoạ sĩ Đoàn Thế Vỹ.

Trong giai đoạn sáng tác, “Vô ngôn” là trạng thái khởi nguồn để tái hiện ý niệm của hoạ sĩ, thời điểm khai sinh ra nghệ thuật. Đó là thời điểm mà người hoạ sĩ rũ bỏ toàn bộ thế giới bên ngoài, bao gồm cả ngôn ngữ, để quay về với thế giới bản nguyên, thế giới của ý niệm. Khái niệm “Vô ngôn” được xuất hiện nhiều trong các tác phẩm của Đoàn Thế Vỹ. Anh là một người dám phá bỏ mọi dẫn dắt của ngôn ngữ, phá bỏ mọi sự rập khuôn trong sáng tạo nghệ thuật, để đi tìm bản thể của chính mình. Hoạ sĩ luôn thử thách chính bản thân mình để đi tìm cảnh giới cao nhất của nghệ thuật. Điều đó được anh thể hiện qua các tác phẩm sơn mài khổ lớn (kích thước trên 4m) theo phong cách bán trừu tượng.

Tác phẩm tại Triển lãm
Tác phẩm tại Triển lãm.

Theo GT.TS - Nhà điêu khắc Nguyễn Xuân Tiên (Chủ tịch Hội Mỹ Thuật Thành phố Hồ Chí Minh): “Những khía cạnh ẩn dụ và thực tế trong nghề nghiệp cũng như đời sống đều được Đoàn Thế Vỹ khéo léo gửi gắm vào tác phẩm, tạo nên sự giao thoa tinh tế giữa hiện thực và mộng tưởng, giữa thực tại và cảm xúc".

Vô ngôn là chìa khoá để người xem mở ra thế giới quan, để từng bước cảm nhận về nghệ thuật. Đó cũng chính là thời điểm để con người rũ bỏ ngôn ngữ để tìm về cảm xúc. Đó là một hành trình khi ngôn ngữ không còn là rào cản, khi ngôn ngữ không còn là phương thức để giao tiếp mà tất cả đều quay trở về với bản nguyên. Tất cả đi thẳng trực tiếp vào tâm hồn con người, vào yếu tính của nghệ thuật, nơi mà người ta sống bằng tất cả trí tưởng tượng, sống bằng tất cả sự rung động của các giác quan. Cũng như đến với nghệ thuật là đến bằng sự cảm. 

“Nghệ thuật Ý niệm, có thể còn mới lạ ở Việt Nam, là một hình thức sắp đặt có chủ đích để truyền đi thông điệp chính, đó là nghệ thuật và đời thường hay nói cách khác đó là Đạo và Đời. Vô ngôn là một khái niệm Triết lý Phật Giáo đưa con người về lại với bản nguyên và bản ngã của mình, về lại với trạng thái thức tỉnh và giác ngộ", Kiến trúc sư Hoàng Khương chia sẻ. 

Bằng nghệ thuật sắp đặt không gian, bố cục ánh sáng, nhịp điệu âm thanh, gallery đã tạo nên những câu chuyện không lời để dẫn dắt người xem vào từng cung bậc cảm xúc bằng những trải nghiệm đa giác quan: “nhìn”, “nghe”, “ngửi”, “chạm”, “nếm”. Gallery Art Bar Việt Nam là một mô thức “Nghệ thuật Ý niệm” kết hợp giữa yếu tố Nghệ thuật và yếu tố Đời thường, là “điểm chạm” giữa nghệ thuật hàn lâm trong đời thường.