Tranh hoa ly của Trần Thị Trường
Triển lãm 'Miền thương': Nơi hội tụ những người yêu hội họa
76 bức tranh trưng bày tại triển lãm ‘Miền thương’, được thực hiện bởi nhóm 4 hoạ sỹ: Trần Thị Trường, Lê Thiếu Ngân, Nguyễn Thị Huyền và Nguyễn Bá Thanh. Họ theo đuổi phong cách hiện thực, lấy con người, thiên nhiên và cuộc sống bình dị thường ngày là đối tượng sáng tác.
Ông Lee Sang Shin, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Viko Energy Hàn Quốc cảm thấy ‘bất ngờ khi có nhiều tác phẩm đẹp đến thế’. Triển lãm ‘Miền thương’ đa dạng, dồi dào cảm xúc, màu sắc tươi trẻ, giàu năng lượng tích cực, thể hiện nét đẹp của đất nước, con người Việt Nam.
Đặc biệt, với gần 30 bức tranh của họa sĩ Lê Thiếu Ngân, ông Lee Sang Shin nhận thấy ‘nhiều nét tương đồng’ với hội họa quê hương của ông, dù tranh của các họa sĩ Hàn Quốc chủ yếu vẽ bằng mực trên giấy.
Trong tương lai, ông Lee Sang Shin cho biết có thể kết nối các họa sĩ Hàn Quốc với họa sĩ Lê Thiếu Ngân, để trưng bày tranh của bà tại Hàn Quốc.
Hội họa, loại hình công việc đòi hỏi khả năng biểu đạt tư duy, năng lượng sáng tạo và sức khoẻ. ‘Tôi chỉ mong có sức khỏe để tiếp tục niềm đam mê với hội họa’, bà Ngân cho biết. Họa sĩ Lê Thiếu Ngân tốt nghiệp Tiến sỹ ngành Ngôn ngữ học tại Đại học Tổng hợp Quốc Gia S. Peterburg, Liên bang Nga.
Tác phẩm ‘Chân dung mẹ tôi’ của Lê Thiếu Ngân |
Họa sĩ Ngân đến với hội họa khá muộn. Năm 2005 bà bắt đầu học vẽ ở trong nước. Năm 2028, bà học vẽ màu nước tại Tokyo, Nhật Bản với hai họa sỹ Shoko Ohta và Suiko Ohta. Năm 2012, bà học vẽ sơn dầu với họa sỹ Văn Dương Thành. Từ năm 2020 bà học thêm về vẽ sơn dầu với họa sỹ Nguyễn Hải Kiên.
Với nỗ lực không ngừng nghỉ suốt 20 năm qua, tranh của họa sĩ Lê Thiếu Ngân đã được công chúng đón nhận với triển lãm cá nhân tại Gallery Thu Hương năm 2014, trưng bày các tác phẩm hội họa của Họa sĩ Trần Thị Trường tại Gallery 16 Ngô Quyền, Hà Nội, năm 2022.
Tại Hàn Quốc và Nhật Bản, tranh của họa sĩ Lê Thiếu Ngân đã nhận được đánh giá cao của giới mộ điệu. Tranh của bà cũng từng được trưng bày tại Phòng Văn hoá, Đại Sứ Quán Việt Nam tại Tokyo năm 2009, 2010 và trưng bày trong triển lãm màu nước thường niên cùng các họa sỹ Nhật các năm 2009, 2010, 2011.
Trong nhóm này, nữ họa sĩ Trần Thị Trường là gương mặt quen thuộc trong giới hội họa. Bà từng sống và làm việc tại Bulgaria trong những năm của thập niên 1980 và nhiều lần đến Mỹ, đây có thể là lý do khiến tranh của bà có kỹ thuật của phương Tây nhưng lại giàu nữ tính phương Đông.
Tranh hoa ly của Trần Thị Trường |
Họa sĩ Nguyễn Thị Huyền cũng là cái tên xuất hiện từ lâu trong giới mỹ thuật, có tranh trong một số bộ sưu tập. Họa sĩ Nguyễn Thị Huyền thành công với bút pháp phóng khoáng và chất liệu bột màu. Nhưng khi vẽ sơn dầu bà luôn làm chủ cảm xúc, biểu cảm dịu dàng về màu sắc mà mạnh mẽ về thể hiện.
Tranh phong cảnh của Nguyễn Thị Huyền |
Họa sĩ Nguyễn Bá Thanh lại thành công với chất liệu màu nước. Trước khi gắn bó với chất liệu màu nước anh đã nghiên cứu nhiều chất liệu khác như sơn mài, sơn dầu, khắc gỗ… Với mỗi chất liệu anh đều làm việc với sự nghiên cứu nghiêm túc và chỉn chu.
Ngày vui, tranh màu nước của Nguyễn Bá Thanh |
Với mong ước mang nghệ thuật đến với cuộc sống và được sống với nghệ thuật, hội họa với các họa sĩ của triển lãm ‘Miền thương’ không chỉ là đam mê mà là một nỗ lực không ngừng nghỉ để thành quả của nó sẽ là món quà gửi tới mọi người và cho chính bản thân mình.
Triển lãm mang tên 'Miền thương' được trưng bày trong không gian tầng 1 của Bảo Tàng Mỹ Thuật Việt Nam, 66 Nguyễn Thái Học, Ba Đình, Hà Nội. Khai mạc 17 giờ ngày 23.12.2024, trưng bày đến hết ngày 29.12.2024.