Trên thị trấn Longyearbyen, vượt qua nỗi sợ
Hơn 10 giờ chạy bộ trong cái lạnh -32oC để chinh phục đường đua 42km, cuộc thi marathon quốc tế tại Bắc Cực, Tăng Nguyệt Minh ghi tên mình vào top 10 nữ vận động viên có thành tích tốt nhất. Nhưng niềm vui lớn của bà mẹ bỉm sữa này là đã vượt qua nỗi sợ, chiến thắng những giới hạn mà bản thân luôn nghĩ mình không bao giờ vượt qua.
Tìm ý nghĩa sống
Ngày 15.4, cuộc thi marathon tại Bắc Cực 2018 bắt đầu. Đây là sự kiện thể thao thường niên, có lịch sử hơn 15 năm, tổ chức tại thị trấn Longyearbyen, thuộc Svalbard, Na Uy. Thi đấu trong điều kiện hết sức khắc nghiệt, số vận động viên rất ít. Năm nay, lượng tham dự lớn hơn mọi năm nhưng cũng chỉ có 60 vận động viên. Trong đó, có đại diện Việt Nam, một người sinh ra và lớn lên ở vùng nhiệt đới, nhiệt độ quanh năm không bao giờ xuống dưới 120C. Quan trọng hơn, cô gái ấy không phải là vận động viên chuyên nghiệp và từng rất ghét chạy bộ.
“Tôi thích chơi thể thao và dành thời gian cho bản thân với các hoạt động như bơi, yoga, gym... nhưng chạy bộ là tôi không thích. Chỉ đơn giản là thấy bộ môn ấy không có gì hấp dẫn”, Tăng Nguyệt Minh mở đầu câu chuyện của mình như vậy. Một lần, những người bạn thân mời Minh cùng tham gia chương trình chạy bộ thiện nguyện, gây quỹ cho cộng đồng.
Nể bạn, Minh tham gia với tâm thế, làm cái mình không thích nhưng mang lại lợi ích cho nhiều người khác là điều không tệ. Kết thúc đường đua đầu tiên cũng là lúc, Minh nhận ra, cảm giác đến đích, hoàn thành một giới hạn thật tuyệt vời. Minh tâm sự: “Trước nay, tôi luôn có cảm giác mình là người dở dang, không thể làm gì đến cái đích cuối cùng”.
Không hoàn thành chương trình đại học vì hoàn cảnh khó khăn, cuộc sống hôn nhân cũng đổ vỡ... dẫu đã không ngừng phấn đấu để có thể trở thành bà chủ của 2 shop kinh doanh thời trang, vừa chu toàn trong việc chăm 2 con nhỏ, chăm sóc bản thân luôn tươi tắn nhưng Minh vẫn thấy cuộc sống của mình còn thiếu điều gì đó thực sự ý nghĩa. Chinh phục đường đua, Minh biết, mục tiêu ấy hoàn thành hay không là do mình, không phụ thuộc vào bất kỳ yếu tố khách quan nào. Cảm giác ấy giúp Minh tìm được cân bằng cho bản thân và muốn tiếp tục cố gắng để chinh phục.
Vừa chạy, Minh vừa trau dồi kiến thức phương pháp, kỹ thuật... để có thể chạy bền hơn, hữu ích cho sức khỏe hơn. Nhờ vậy, chỉ sau 1 tháng tập luyện, Minh đã mạnh dạn đăng ký cuộc thi chạy marathon ở Sapa. Ở cuộc thi đầu tiên này, thành tích không cao nhưng đối với Minh, đó là động lực. Nhờ vậy, Minh tự tin tham gia tiếp các cuộc thi marathon khác. Ở cuộc thi HCMC Run vừa qua, thành tích của Minh đã rút ngắn còn 2,5 tiếng cho cự ly 21km. “Đường đua marathon cũng như phiên bản thu gọn của cuộc đời. Tất cả chúng ta đều phải chạy cho chính mình. Ai biết đặt ra những mục tiêu, đích đến để cố gắng thì sẽ cảm nhận được hạnh phúc dễ dàng hơn”, Minh nói.
Ai cũng là người đặc biệt
Những đường đua không chuyên lẫn bán chuyên vô tình đưa Minh đến một cơ hội đặc biệt: tham gia cuộc thi marathon tại Bắc Cực 2018. Khi biết mình được chọn để tham dự, thay vì những động viên chuyên nghiệp, cảm giác của Minh lúc đó là: “Ồ, mình cũng đặc biệt chớ!”. Minh bảo, cô luôn tin và nói với các con rằng, ai trong chúng ta cũng đặc biệt, cũng là duy nhất nên vấn đề của mỗi người là phải biết thế mạnh của bản thân mình để không rơi vào đám đông mờ nhạt. Nhưng nếu chinh phục được đường đua chỉ mới có 1% người trên thế giới hoàn thành sẽ khiến Minh thật sự tự hào về bản thân. Vì điều này mà Minh nhận lời tham dự.
“Lạnh run người, lo lắng, sợ hãi. Đường đua có 10 vòng, vòng nào cũng phát sinh vấn đề phải giải quyết. Đến mức, tôi đã nghĩ, mình thất bại thật rồi”, Nguyệt Minh nói về hành trình chinh phục marathon Bắc Cực như vậy. Trong cái lạnh xuống đến -30oC, thở thôi cũng là một vấn đề thì Minh phải một mình chiến đấu.
Cô kể, những ngày đầu đến Na Uy để tập luyện trước kỳ thi, Minh đã thấy sợ bởi lạnh quá, niêm mạc mũi cứ vỡ gây chảy máu mũi suốt. Tai thì lạnh, đầu thì nhức, còn mắt thì cứ hoa lên khi chạm ánh sáng phản chiếu từ dưới mặt tuyết, Minh nhiều lần tự vấn bản thân, mình có làm được không? Mình có nên tiếp tục không? Câu trả lời là có, là phải tiếp tục bởi gia đình đang mong. Không bỏ cuộc nghĩa là mình sẽ có câu chuyện để các con có thể nhìn vào mà cố gắng. Và không thể có cơ hội để có thể trải nghiệm con đường này.
Bước vào đường đua, dù đã dán miếng chống nhiệt, trang bị áo quần đầy đủ nhưng Minh vẫn bị cái lạnh xâm chiếm lấy người do mắc tật phong thấp, tay luôn đổ mồ hôi. Cái lạnh từ bên trong khiến cả thân người bủn rủn. Từng vòng thi trôi qua, với Minh, đều là một nấc nâng cao sức chịu đựng của mình. Minh kể: “Đến vòng thứ 9 thì những suy nghĩ tiêu cực bắt đầu xuất hiện. Tôi đột nhiên nhớ về những chuyện không vui, những điều khiến mình tổn thương rồi rơi vào trạng thái mông lung theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng”. Rất may, đương khi tinh thần Minh vô định thì nhóm vận động viên khác xuất hiện, động viên Minh tiếp tục vì đích đến đã rất gần. Khi biết mình chỉ còn 200m cuối cùng, Minh xúc động đến mức không thể kìm chế được. Cô vừa chạy đến đích vừa khóc và vỡ òa trong vòng tay bạn bè các nước.
Giương cao lá cờ Việt Nam trên Bắc Cực, Minh thấy quốc kỳ thật đẹp và cũng chưa bao giờ Minh có thể tự hào về bản thân như vậy. “Trong cuộc sống, chúng ta có rất nhiều nỗi sợ khiến chúng ta chùn bước nhưng nếu không tiến lên, không xông vào chiến đấu với nó, nghĩa là chúng ta cứ chìm trong nỗi sợ ấy mãi mãi”, Minh chia sẻ.
Như rất nhiều người khác, bà mẹ trẻ này sợ chuột, sợ gián, sợ nước... nên chưa bao giờ bơi lội. Hành trình mang lá cờ Việt Nam, giương cao tại Longyearbyen của Tăng Nguyệt Minh khép lại trong nụ cười rạng rỡ nhưng lại mở ra nhiều mục tiêu mới cho chính chủ nhân của thành tích 10 giờ 19 phút 59 giây chinh phục đoạn đường 42km trên xứ tuyết.