Ảnh: TL

 
Thanh Hằng Thứ Ba | 16/04/2019 16:57

Trẻ em bảo vệ tương lai

Mô hình giáo dục trẻ em tính nhân văn và đối xử nhân đạo với động vật từ nhỏ.

Một ngày đầu tháng 4, tại Trường Tiểu học Tân Sơn Nhì (TP.HCM), cô bé Chân Nguyên, 10 tuổi, cúi rạp trên bàn cùng cây bút chì màu xám trong tay để tô con vật có một sừng trong bức tranh khổ A3, xung quanh là những bạn khác đang tô màu cỏ cây. Chúng đang vẽ bức poster cổ động để bảo vệ tê giác, con vật mà chúng vừa được tìm hiểu trong tiết học thử nghiệm về bảo tồn động vật quý hiếm.

Trước đó vài ngày, tại sân bay Changi cách TP.HCM 90 phút đường bay, một lô hàng 13 tấn vảy tê tê cùng khoảng 177kg ngà voi bị hải quan Singapore bắt giữ trên đường trung chuyển từ Nigeria về Việt Nam, lượng vảy tê tê vận chuyển trái phép lớn nhất bị bắt giữ trong 5 năm qua trên toàn thế giới.

Nền kinh tế đang phát triển với tầng lớp trung lưu tăng nhanh đã khiến Việt Nam trở thành một trong những thị trường trung chuyển và tiêu thụ động vật hoang dã lớn nhất thế giới. Một khảo sát được TRAFFIC thực hiện năm 2012 cho thấy 4% trong số 600 người được phỏng vấn tại 2 thành phố lớn Hà Nội và TP.HCM đã từng mua, sử dụng hoặc tặng sừng tê giác. Hơn nữa, Việt Nam còn được biết đến là quốc gia tiêu thụ các sản phẩm trái phép có nguồn gốc từ tê giác, tê tê, voi và hổ.

Tre em bao ve tuong lai
 

“Nếu phát hiện một người đang mua bán sừng tê giác, thì con sẽ nói họ ngừng lại!”, cả lớp, bao gồm các giáo viên dự giờ và chuyên gia tập huấn từ Humane Society International Việt Nam (HSI), ồ lên trước câu trả lời ngây thơ của học sinh lớp 3. Các tổ chức phi lợi nhuận trong và ngoài nước đã nỗ lực nhiều để ngăn chặn các hành vi buôn bán, tác động đến động vật hoang dã quý hiếm tại Việt Nam. TRAFFIC đã phát động “Sáng kiến Chí”, đào tạo được hơn 20.000 doanh nhân về lồng ghép thông điệp bảo tồn vào chính sách trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp họ. Doanh nhân là nhóm đối tượng chính mà “Sáng kiến Chí” tiếp cận vì một nghiên cứu gần đây của TRAFFIC đã xác định họ là nhóm chủ chốt sử dụng sừng tê giác.

Trong khi đó, Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) tích cực làm việc trong 2 năm để đạt được một bản án thích đáng cho Nguyễn Mậu Chiến, người được xác định là đầu mối buôn lậu động vật hoang dã, bị bắt vào tháng 3.2018 với tội danh sở hữu và buôn lậu 34kg sừng tê giác và 2 con hổ con đã chết. Ban đầu, Chiến được tuyên án 13 tháng tù. Một hình phạt khiến ENV bức xúc đến mức họ đã vận động cho một bản án cứng rắn hơn phù hợp với tội danh đó, kết quả là 3 tháng tù đã được thêm vào. “Việc chấp nhận kháng nghị phúc thẩm và tăng mức hình phạt đối với Nguyễn Mậu Chiến là một bước đi đúng hướng của cơ quan xét xử. Tuy nhiên, bản án cần mạnh tay hơn nữa để phù hợp với tính chất nghiêm trọng của vụ án”, đại diện ENV tỏ ra thất vọng với bản án 16 tháng tù cho Chiến và cho biết sẽ theo đuổi để có kết cục thích đáng hơn.

Tre em bao ve tuong lai
 

“Truyền thông được xác định là một trong những cách tiếp cận không thể thiếu khi thực hiện các chiến lược giảm nhu cầu tiêu thụ và sử dụng các sản phẩm từ động, thực vật hoang dã. Thực tế cũng cho thấy nhận thức của người dân đã có thay đổi nhất định, chứng minh tính hiệu quả của một số sáng kiến truyền thông”, bà Thẩm Thị Hồng Phượng, Giám đốc điều hành của HSI nhận xét với NCĐT. Tuy nhiên, “những hành động vi phạm vẫn xảy ra vì giáo dục chưa chú trọng đến bảo tồn thiên nhiên đặc biệt là các loài hoang dã dẫn đến việc chúng ta đã mất kết nối với tự nhiên.”, bà Phượng tiếp lời.

Chọn phương pháp xây dựng tính nhân văn, HSI tiếp lửa cho việc bảo vệ động vật hoang dã thông qua việc vun đắp nhận thức và giáo dục mối liên hệ với thiên nhiên cho thế hệ trẻ. “Được giáo dục tính nhân văn và đối xử nhân đạo với động vật từ nhỏ, thì các bé khi lớn lên sẽ giảm nhu cầu sử dụng động vật hoang dã”, chị Phượng kỳ vọng vào kết quả tích cực mà chương trình đào tạo mang lại.

Tre em bao ve tuong lai
 

“Đang trong đợt thử nghiệm lần thứ 2, chương trình dạy đã khiến các bé thích thú khi được vui chơi, được trải nghiệm qua các hoạt động xem phim, vẽ tranh, tương tác để hình thành kiến thức”, cô giáo Nguyễn Anh Tú của Trường Tân Sơn Nhì nói. Tê giác là 1 trong 9 chủ đề nằm trong chương trình thử nghiệm mà HSI phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai ở các trường tiểu học trên 10 tỉnh, thành.

Một tương lai bền vững về mặt sinh thái, nơi con người và thiên nhiên kết nối cũng chính là thông điệp mà Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) muốn truyền tải trước viễn cảnh các giống loài bị sút giảm nghiêm trọng về số lượng và chủng loại. Tổng Giám đốc WWF International Marco Lambertini phát biểu trong báo cáo Living Planet 2016: “Các quần thể động vật hoang dã đã cho thấy sự suy giảm trung bình khoảng 67% vào cuối thập niên này”, ông cho biết thêm.

“Tê giác gần tuyệt chủng, chúng có làn da dày và thích tắm bùn”, cô bé Chân Nguyên nói. Nhưng liệu cô bé này khi lớn lên có cơ hội nào được nhìn chúng tắm bùn nơi thiên nhiên hoang dã?