Bất chấp kinh tế suy thoái, tổng doanh thu thị trường tác phẩm nghệ thuật toàn cầu năm 2022 tăng 3% lên 67,8 tỉ USD. Ảnh: Sotheby’s.

 
Nam Anh Thứ Bảy | 03/08/2024 07:00

Tranh Đông Dương tạo sóng

Tranh Đông Dương đang được xem là kênh đầu tư thứ cấp nhiều tiềm năng khi vượt ngưỡng triệu USD trên trường đấu giá quốc tế thời gian qua.

Những năm gần đây, thị trường tranh mỹ thuật Việt Nam liên tục chứng kiến những cú đột phá về giá khi tranh của các danh họa Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (Tranh Đông Dương) đều đạt mức “gõ búa” triệu USD tại các nhà đấu giá danh tiếng quốc tế. Bức Vỡ Mộng của họa sĩ Tô Ngọc Vân, chẳng hạn, có giá trúng 1,16 triệu USD, Gia Đình Trong Vườn của danh họa Lê Phổ được nhà đấu giá Sotheby’s bán với giá 2,37 triệu USD..., đỉnh điểm là bức Chân Dung Cô Phương của danh họa Mai Trung Thứ được Sotheby’s bán với giá kỷ lục 3,1 triệu USD.

Tạo dấu ấn trên đấu trường quốc tế

Theo các chuyên gia, giá tranh Đông Dương giai đoạn 2000-2014 có mức tăng hạn chế. Tuy nhiên, từ năm 2014 mức độ tăng giá ngày càng cao và đến nay đã đóng góp cho thị trường 20 tác phẩm có giá thương mại đạt trên 1 triệu USD. Khảo sát thị trường của Aguttes cho thấy từ năm 2000-2022 tranh Đông Dương của các họa sĩ Vũ Cao Đàm, Lê Phổ và Mai Trung Thứ có mức tăng trưởng bình quân hằng năm về giá bán lần lượt là 21%, 21% và 26%. Tuy nhiên, vào năm 2014, tổng giá trị giao dịch các lô tác phẩm của 3 danh họa này mới chỉ là 4,2 triệu EUR nhưng đến năm 2022 đã đạt hơn 38,3 triệu EUR. Lý giải điều này, ông Ace Lê, Giám đốc Điều hành thị trường Việt Nam của Sotheby’s, cho rằng có 3 nguyên nhân chính. 

Thứ nhất, các họa sĩ Tranh Đông Dương đã trở thành danh nhân văn hóa, là chứng nhân lịch sử cho sự phát triển nghệ thuật hiện đại Việt Nam.  

Hai là vì xuất hiện gần cả trăm năm, những tác phẩm của các bậc thầy hội họa nói trên đã được mua bán qua nhiều thế hệ nên chuyện tăng giá là dễ hiểu. Mặt khác, rất nhiều tác phẩm do những người nổi tiếng trong và ngoài nước sở hữu cũng khiến tranh càng có giá trị.

Cuối cùng, nhiều người sưu tập tranh ngoài đam mê nghệ thuật còn là đầu tư, mà tác phẩm của các họa sĩ Trường Mỹ thuật Đông Dương luôn có tính thanh khoản cao.
Đồng quan điểm, nhà nghiên cứu và giám tuyển mỹ thuật Lý Đợi cho hay, dù thời gian qua kinh tế thế giới có nhiều khó khăn, nhưng với những nhà đầu tư giàu tiềm lực tài chính, biến động kinh tế trước mắt không ảnh hưởng đến họ. Mặt khác, tranh Đông Dương ngày càng khan hiếm, thanh khoản và lợi nhuận luôn tăng theo thời gian nên việc săn tìm, đầu tư mua đi bán lại càng thêm hấp dẫn.

Bởi vậy, Sotheby’s Hong Kong và một số nhà đấu giá quốc tế khác đã phải mở hẳn một mảng riêng hạng mục đấu giá cho Việt Nam cũng chính vì nhận thấy nhiều cơ hội phát triển từ đây, khi ngày càng có nhiều người có điều kiện tài chính mơ ước sở hữu tác phẩm tranh Đông Dương.

Kênh đầu tư thứ cấp nhiều tiềm năng

Theo báo cáo của Art Basel và UBS, bất chấp kinh tế suy thoái, tổng doanh thu thị trường tác phẩm nghệ thuật toàn cầu năm 2022 tăng 3% lên 67,8 tỉ USD, mức cao thứ 2 trong lịch sử, chỉ sau kỷ lục năm 2014 (68,2 tỉ USD).

Ông Adriano Picinati, Giám đốc phụ trách nghệ thuật và tài chính nhóm các công ty thành viên Deloitte, cho rằng tác phẩm mỹ thuật như một tài sản hấp dẫn trong dài hạn vì có giá trị lưu trữ cao, tạo ra lợi nhuận thực dương. Nó cũng có mối tương quan với cổ phiếu và trái phiếu, mang lại khả năng đa dạng hóa.

Đánh giá về thị trường tranh Đông Dương, đại diện điều hành thị trường Việt Nam của Sotheby’s cho biết, kỷ lục hơn 3 triệu USD cho bức Chân Dung Cô Phương của họa sĩ Mai Trung Thứ dù là rất cao so với thị trường tranh Việt, nhưng vẫn là bình thường so với các danh họa hiện đại Đông Nam Á. Thị trường tranh mỹ thuật Việt Nam vẫn đi sau Indonesia hoặc Philippines về nhiều mặt, chứ chưa nói đến Singapore hay Trung Quốc. Tuy nhiên, với sự tham gia của người sưu tầm hay đầu tư trong khu vực và tốc độ tăng giá ngày càng cao, tranh Đông Dương được dự đoán sẽ còn tiếp tục tự phá kỷ lục về giá.

Lý giải việc thị trường tranh mỹ thuật Việt Nam nói chung và tranh Đông Dương nói riêng vẫn còn bị đánh giá thấp trong khu vực, nhà nghiên cứu mỹ thuật Ngô Kim Khôi cho rằng, một trong những nguyên nhân là vấn nạn tranh giả. Việc trộn lẫn tranh thật, tranh chép và tranh giả trên thị trường đã làm những người muốn sưu tập hay đầu tư mất niềm tin vào thị trường tranh Đông Dương trong suốt một thời gian dài.

Theo ông Khôi, ngày nay, sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật đã cho phép xác định tính chất, xuất xứ chất liệu... nên khả năng phân tích nguồn gốc tác phẩm đã được nâng cao, giúp các nhà thẩm định tranh đưa ra kết luận chính xác hơn về tranh thật hay giả. Mặt khác, khi mạng xã hội phát triển vũ bão như ngày nay, cơ sở dữ liệu được sàng lọc và cập nhật nhanh chóng cũng giúp người mua tranh có nhiều thông tin chính xác hơn về tác phẩm mà mình dự định sưu tầm.

Song song đó, việc đấu giá tranh trên thị trường quốc tế ngày càng mở rộng và phát triển, giúp  tính minh mạch của các tác phẩm mỹ thuật ngày càng được nâng cao do các nhà đấu giá tranh uy tín làm việc rất chuyên nghiệp trong việc thẩm định tranh.
“Cộng đồng yêu tranh mỹ thuật cần phải đồng lòng, quyết nói không với nạn tranh giả để thị trường tranh Đông Dương hay thị trường tranh mỹ thuật nói chung của Việt Nam phát triển bền vững”, ông Khôi chia sẻ.