Tràng Tiền Plaza sắp mở cửa trở lại
Sau đợt quy hoạch này, nhiều thương hiệu cao cấp và trung cấp nổi tiếng trên thế giới sẽ hiện diện nhiều hơn tại các tầng 3,4,6 và một phần của tầng 5.
Cụ thể, các thương hiệu thời trang, mỹ phẩm trung cấp và cao cấp uy tín như Banana Republic, Just Cavalli, Diesel, Guess, CK Underwear, Roberto Cavalli, Paul and Shark, Furla, Victoria Secret, Triumph, Wacoal, Beyond (Cosmetic), Converse, Vans, Ecco, Timberland, Nautica, Lare boss, Polo World, Mango Kid, Dunkin donuts, Charcoal restaurant (BBQ)… Các thương hiệu mới sẽ hiện diện tại TTTM Tràng Tiền vào cuối năm 2014 và đầu năm 2015
Trong thời gian TTTM này đóng cửa các tầng nêu trên thì các thương hiệu thời trang cao cấp, xa xỉ tại tầng 1 và 2 và một số gian hàng ăn uống tại tầng 5 vẫn hoạt động bình thường.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Dung, Tổng Giám Đốc Công ty TNHH Đầu Tư Thương Mại Tràng Tiền khẳng định, việc xây dựng TTTM Tràng Tiền là một Trung tâm mua sắm cao cấp, sang trọng là hướng đi đúng, phù hợp với xu thế phát triển và hội nhập chung với thế giới.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục quy hoạch mặt bằng các tầng trên để TTTM Tràng Tiền không chỉ cao cấp, sang trọng mà còn là một địa điểm thu hút nhiều thương hiệu uy tín, nhiều sản phẩm dịch vụ uy tín và đa dạng hơn nữa để phục vụ được nhiều phân khúc khách hàng trong nước và cả bạn bè quốc tế khi tới du lịch tại Việt Nam”, bà Dung cho biết.
Tràng Tiền Plaza được Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPP) do ông Johnathan Hạnh Nguyễn làm Chủ tịch đầu tư với hơn 400 tỷ đồng để nâng cấp và sửa chữa biến nó thành một Tràng Tiền Plaza với nội thất sang trọng và đưa các thương hiệu thời trang đình đám vào trung tâm thương mại này để bán lẻ.
Thế nhưng sau 2 năm hoạt động, không thực sự hiệu quả và Tràng Tiền phải đóng cửa để tái cấu trúc, cũng có nhiều gian hàng của các chủ đầu tư cũng đã phải đóng cửa tại đây để cắt lỗ.
Thực tế, việc kinh doanh các sản phẩm xa xỉ ở Việt Nam không hẳn khó sống, thậm chí một số công ty vẫn đạt được kết quả kinh doanh khá tốt. Cuộc khủng hoảng kinh tế trong 2 năm có phần ảnh hưởng đến nguồn khách hàng là những người thuộc tầng lớp trung lưu. Nhưng khách hàng chính của những sản phẩm này không phải là tầng lớp trung lưu, mà là tầng lớp thượng lưu. Mà khi xảy ra các biến động kinh tế, tầng lớp thượng lưu là nhóm bị ảnh hưởng cuối cùng hoặc rất ít chịu tác động tiêu cực.
Tuy nhiên, thị trường Việt Nam cũng có những đặc thù riêng về tâm lý nên theo các chuyên gia, việc Tràng Tiền Plaza đóng cửa tạm thời để quy hoạch lại là hướng đi đúng của IPP. Song để TTTM này thực sự "sống khoẻ", chắc hẳn còn phải chờ thời gian xem sau khi tái cơ cấu thế nào. Đặc biệt, phụ thuộc vào diễn biến thị hiếu người tiêu dùng phía Bắc và khách du lịch đến hạng sang đến Hà Nội có giúp Tràng Tiền Plaza đổi vận hay không?
Nhưng dù tình hình thế nào thì chủ đầu tư là IPP đã tuyên bố, mỗi năm sẽ đóng cửa vài tháng để quy hoạch lại.
Nguồn Đầu tư