Trà chiều kiểu Anh giữa Sài thành
Tách trà thơm, vài món bánh ngọt được chuẩn bị kỹ càng, không gian ấm áp và gần gũi, trà chiều kiểu Anh ngày càng phổ biến và trở thành nét văn hóa đẹp trong đời sống thị dân với nhiều biến tấu đa dạng.
Đa dạng không gian
Nửa đầu thế kỷ XIX, nữ Công tước Bedford VII, Anna Maria đã nghĩ ra cách mời bạn bè đến nhà để uống trà và ăn vài món nhẹ vào mỗi chiều, nhằm giảm bớt cảm giác “trống rỗng” giữa 2 bữa chính khá xa nhau trong ngày. Thói quen này được bạn bè của bà hưởng ứng và duy trì, rồi lan rộng ra cả giới quý tộc, xuống tầng lớp trung lưu và nhiều quốc gia khác.
Tại Việt Nam, trà chiều kiểu Anh manh nha xuất hiện vào năm 2012, chủ yếu ở những khách sạn 5 sao, tiệm chuyên về trà và trở nên phổ biến 2 năm sau đó với nhiều hình thức, nhiều biến tấu mới phù hợp với túi tiền của nhiều đối tượng. Bây giờ, hẹn nhau ở quán trà (tea house), những lời rủ rê kiểu “Đi uống trà đi”, “Trà chiều không” thâm nhập vào đời sống, hấp dẫn không kém lời rủ quen thuộc “Đi cà phê đi”.
Uống trà thường gợi nên cảm giác hạnh phúc và thư thả, bởi chẳng ai có thể vội khi uống trà. Đó chính là lý do một tiệm trà kiểu Anh cần hội đủ 3 yếu tố: trà ngon, bánh ngon và không gian đẹp.
Dạo quanh Sài Gòn, không quá khó để tìm ra một địa chỉ để thưởng thức trà kiểu Anh với đủ không gian, mức giá ở nhiều quận nội thành. Từ khách sạn 5 sao như Park Lounge (Park Hyatt), Hotel de Arts, Lobby Lounge (Sheraton), Café Cardinal (Reverie Saigon)... những tea room riêng biệt và kín đáo như It’s happened to be a closet Saigon, Villa Royale Antiques & Tea Room... những tiệm cà phê sang trọng như Khanh Casa, Runam... cho đến những tiệm trà gần gũi, trở thành chốn tụ tập thường xuyên của giới trẻ như Partea, Teaspoon, Royal Tea House, Ozone Coffee & Tea, The Bloom, Orient Tea...
Do xuất phát từ tầng lớp quý tộc Anh nên tiệc trà chiều dù mang tính chất thư giãn, thanh tao thì vẫn mang nặng tính hình thức và cách thưởng trà, không chỉ đơn giản là một ly trà, một miếng bánh. Trà được xem là hoàn hảo cho bữa tiệc trà chiều kiểu Anh phải là 1 trong 3 loại: Assam, Darjeeling hoặc Earl Grey. Một bữa trà chiều đầy đủ gồm một ấm trà ngon, mứt, mật ong, đường, cái lọc trà, đồng hồ cát (để đo nhiệt độ trà, thường từ 3-5 phút), một tháp đầy ắp các loại bánh tart, finger sandwich (sandwich nhỏ), bánh Victoria Sponge và không thể thiếu những miếng bánh scone ngon lành kẹp kem tươi và mứt quả.
Thưởng thức đúng điệu trong khoảng 3h30-5h mỗi chiều. Nếu muốn thỏa mãn sự tò mò, người thưởng trà có thể tìm đến các khách sạn 5 sao hoặc tea room để trải nghiệm, với giá khoảng 1,2 triệu đồng cho một set trà đúng chuẩn, đúng phong cách chế biến.
Khách thưởng trà, tùy độ tuổi, sở thích, khẩu vị mà chọn lựa từ trà hoa, quả cho đến trà truyền thống như tuyết san, than tre hay những cái tên mỹ miều mà phía sau luôn đính kèm công dụng dưỡng nhan, chữa mất ngủ, giúp ngon miệng... Đựng trà hoa phải là bình thủy tinh, trà truyền thống phải là bình gốm, sứ mới thưởng được cái thú của trà.
Biến tấu mới
Bớt cầu kỳ nhưng không giảm tinh tế, không quá đắt mà vẫn giữ được nét thanh nhã của trà chiều, không kiểu cách như trà đạo nhưng cũng không bình dân hóa như cách uống trà phổ biến của Việt Nam là cách mà các chủ tiệm trà gia giảm khi đưa trà chiều kiểu Anh vào đời sống. Một set trà kiểu Anh đơn giản chỉ cần một bình trà, bánh ngọt, mật ong, đường trong một không gian thoáng đẹp với khung giờ mở rộng từ sáng đến tối. Sự chăm chút đến từ những kiểu trang trí trang nhã, trẻ trung, những bộ sưu tập ấm, tách hoa văn đẹp xiêu lòng cho đến đa dạng về thể loại trà hay các loại bánh “nhà làm” tạo nên đặc trưng cho mỗi tiệm.
Câu chuyện của những chủ quán mê trà có rất nhiều thú vị. Chẳng hạn, bà chủ Partea đã cất công nhập 60-70 loại trà từ Anh, sưu tập tách, ấm khắp nơi trên thế giới. Cô chủ 9X của Teaspoon nhập nguồn nguyên liệu tươi (chủ yếu là các loại hoa) từ nước ngoài về và tự tay sao trà để đảm bảo chất lượng.
Royal Tea House |
Royal Tea House nổi tiếng với trà ngon chế biến trong nước từ thương hiệu của chính tiệm - Tiến Đạt - có từ năm 1956 và kiên quyết giữ nguyên phân khúc trà truyền thống. Sự thú vị ở đây là ứng với mỗi loại trà sẽ là mỗi bộ ấm tách khác nhau, đảm bảo mang đến hương vị hoàn hảo nhất cho người thưởng trà. Một số tiệm như Khanh Casa hay The Bloom khéo léo biến tấu. Khi khách gọi một set trà, bao giờ cũng có sự kết hợp cùng đĩa mứt gừng, bí, sen hay vỏ bưởi để khách nhâm nhi thay vì bánh ngọt.
Khi tiệc trà chiều kiểu Anh mới manh nha, nhiều ý kiến cho rằng, đây chỉ là phong trào sớm nở tối tàn như nhiều trào lưu khác của giới trẻ thành thị. Nhưng sau từng đó năm phát triển, kiểu thưởng trà này đã sở hữu một số lượng khách cố định và không ngừng hút thêm người mới từ những lời mời, rủ rê của bạn bè bởi tính chất thanh lịch của nó.
Nếu giới trẻ ồn ào và náo nhiệt với hàng chục thương hiệu trà sữa, thì các tiệm trà kiểu Anh tĩnh lặng nhưng bền bỉ hơn. Mặt khác, lợi nhuận từ mô hình kinh doanh này cũng an toàn hơn khi phục vụ nhóm khách thu nhập cao, trung thành nên tỉ lệ thất bại cũng thấp hơn đầu tư vào một số ngành ăn uống khác.
Hiện nay, một số tiệm có phong cách thanh lịch như tiệm hoa, tiệm bày bán những món quà thanh lịch cũng chọn cách tích hợp với tiệm trà, như một hình thức quảng bá và đa dạng khách hàng như 38 Degree Flowers, The Bloom. Riêng 38 Degree Flowers còn khá mới nên dù không gian đẹp nhưng nhỏ hẹp, trà và bánh của cửa hàng này chưa thuyết phục được những người mê phong cách trà kiểu Anh. Có lẽ, tiệm cũng nhanh chóng nhận ra điều này nên đã chuẩn bị khai trương cửa hàng mới, tập trung về trà hơn