Ảnh: vrborg.com

 
Kim Thùy Thứ Sáu | 29/11/2019 06:32

Tour thực tế ảo cho người già

Đưa người già ngao du những điểm đến khắp thế giới bằng thực tế ảo...

“Một trong những yếu tố khác biệt giữa du lịch ảo và du lịch thật chính là chi phí khi du khách sẽ chỉ tốn khoảng 10% mức phí so với du lịch thông thường. Ngoài vấn đề chi phí, du khách cũng không phải chen chúc, chờ đợi ở sân bay hoặc tránh nguy cơ gặp phải những rủi ro trên đường đi”, ông Abi Mandelbaum, Giám đốc Điều hành và là người đồng sáng lập YouVisit, một công ty chuyên dựng VR tour, giới thiệu.

Thực tế ảo (Virtual Reality - VR) là một ngành công nghiệp đang bùng nổ với tiềm năng chưa được khai thác. Mặc dù điểm xuất phát là một phương tiện chủ yếu dành cho các trò chơi video, nhưng lợi ích của VR đã vượt xa mục đích ban đầu khi áp dụng vào cả giáo dục, y tế và du lịch. Trên thế giới, du lịch thực tế ảo (Virtual Reality Tour - VRT) đang được đưa vào các viện dưỡng lão và các trung tâm chăm sóc cao cấp với rất nhiều lợi ích. Chẳng hạn, VRT giữ cho não hoạt động linh hoạt, thông qua những bộ phim 360 độ mà người đeo tai nghe VR có thể tương tác. Các trải nghiệm từ đi bộ qua một con đường rừng rậm đến ngồi trong một buổi hòa nhạc Jazz tại một buổi diễn thuyết không chỉ giúp người già rèn luyện trí não, mà còn cảm nhận được thiên nhiên kỳ diệu trên thế giới.

 

“Đa số báo cáo rằng VR có tác động tích cực đến tinh thần của họ, với 96% nói rằng điều đó giúp họ cảm thấy hạnh phúc hơn, 97% cảm thấy thoải mái hơn, 98% tích cực hơn và 94% thấy bớt lo lắng hơn”, bà Grace Andruszkiewicz, Giám đốc Tiếp thị và Đối tác cho Rendever, cho biết.

VRT còn thúc đẩy xã hội hóa. Rendever cho phép những người chăm sóc tại nhà đến thăm ngôi nhà thời thơ ấu của họ, địa điểm tổ chức đám cưới hoặc bất cứ nơi nào khác từ quá khứ của họ. Nền tảng được sử dụng cài đặt theo nhóm để cư dân có thể chia sẻ câu chuyện và tăng cường kết nối với nhau và nhân viên. “Ngay cả khi điều kiện thể chất và tinh thần của chúng ta suy giảm vì lão hóa, chúng ta vẫn có thể trải nghiệm và tham gia vào xã hội bằng cách sử dụng công nghệ VR”, ông Atsushi Hiyama, Giáo sư trong nhóm nghiên cứu tại Đại học Tokyo, giải thích.

 

Theo Liên hiệp Quốc, từ năm 2014, Việt Nam đã bước vào quá trình già hóa dân số, dự báo không tới 20 năm tỉ lệ người từ 65 tuổi trở lên sẽ tăng từ 7% lên 14% tổng dân số; thậm chí đến năm 2038, nhóm người cao tuổi ở Việt Nam sẽ chiếm đến 20% tổng dân số. “Dân số cao tuổi không có nghĩa hoàn toàn là gánh nặng mà đây là cơ hội lớn cho các ngành kinh tế dịch vụ cho người cao tuổi”, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Quỳnh, Quỹ Dân số Liên hiệp Quốc, cho biết.

Được du lịch tới những vùng đất xinh đẹp hay trở về vùng quê ký ức luôn là niềm khao khát của người cao tuổi. Phần lớn người cao tuổi Việt Nam vì sức khỏe không ổn định nên ngại đi xa, thêm vào đó là điều kiện kinh tế và thiếu người chăm sóc trong chuyến đi. Do đó, VRT là lựa chọn hợp lý, vừa giúp ông bà có những phút giây hạnh phúc mà không làm phiền tới người thân.

Những doanh nghiệp du lịch lớn như Saigontourist, Vietravel, Hoàn Mỹ, Bến Thành... đã từng quan tâm tới hình thức VRT. Cách đây vài năm, Vietravel là đơn vị lữ hành tạo dấu ấn khi tiên phong đưa công nghệ VR 360 vào lĩnh vực du lịch. Với 55 video 360 độ được mua bản quyền, chỉ cần du khách ngồi lên chiếc ghế 9D đeo kính Gear VR2 mọi sự việc đều được nhìn thấy một cách chân thực trong không gian VR.

Chỉ cần đeo kính VR, đeo tai nghe và vài cú chuyển cảnh, du khách có thể ở bất kỳ đâu mà vẫn có thể hòa mình với khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ, lắng nghe tiếng nước nhỏ xuống từ những nhũ đá triệu năm trong hang động Sơn Đoòng (tỉnh Quảng Bình). Hay người dùng hệ điều hành iOS của Apple có thể thử ứng dụng Ascape để du lịch vòng quanh thế giới mà không cần bản đồ, khách sạn hay hộ chiếu thông qua các video 360 độ...

 

Ở quy mô lớn hơn, nền tảng kỹ thuật số Google Arts & Culture có khoảng 370 triệu lượt xem từ hơn 66 triệu người dùng trên thế giới với khoảng 2.000 đối tác toàn cầu từ hơn 80 nước trên thế giới. Trong đó trưng bày hơn 11.500 bộ ảnh triển lãm và tour du lịch nhập vai cùng hơn 6 triệu cổ vật. Mỗi tháng, có hơn 500 triệu lượt tìm kiếm liên quan đến lĩnh vực nghệ thuật trên Google.

Mặc dù vậy, ứng dụng công nghệ ảo tại Việt Nam chưa nhiều, chưa đồng bộ. Các nền tảng VR ở Việt Nam mới dừng ở mức tua ảnh 360, chưa ứng dụng nền tảng 3D nhiều. Bên cạnh đó, các thiết bị công nghệ chưa thực sự thoải mái với người lớn tuổi. Bà Đoàn Thị Thanh Trà, Giám đốc Tiếp thị - Truyền thông Công ty Du lịch Lữ hành Saigontourist, cho biết: “Hằng năm, Công ty đều triển khai và làm mới các hành trình dành riêng cho người cao tuổi (từ 55-80 tuổi) với tuyến điểm và lịch khởi hành đa dạng. Riêng về du lịch thực tế ảo thì trước đây vài năm Saigontourist có thử triển khai, nhưng chưa đạt hiệu quả cao nên tạm ngưng khai thác mảng này”.

Trong khi đó, ADT Creative hợp tác với Viettel xây dựng thành công cho Sở Du lịch Quảng Ninh một ứng dụng nhằm mục đích quảng bá Vịnh Hạ Long ra thế giới bằng công nghệ VR. Anh Nguyễn Thế Duy, đồng sáng lập Công ty ADT Creative, chia sẻ thêm: “Hiện nay, các thiết bị áp dụng cho du lịch thực tế ảo ở Việt Nam đều nhập trực tiếp từ nước ngoài, các video 360 đa số tự quay và dựng phim, nên chất lượng còn nhiều hạn chế. Tuy nhiên, trong tương lai gần, du lịch thực tế ảo sẽ rất phát triển khi nhu cầu ngày một tăng lên”.

Đặc biệt, cùng với sự phát triển của VR, các ứng dụng công nghệ 4.0 trong các tìm kiếm thông tin, thanh toán dịch vụ, trí tuệ nhân tạo sẽ tạo nền tảng và hệ sinh thái của du lịch thực tế ảo phát triển mạnh mẽ hơn.

►Tour 0 đồng và bài học từ Thái Lan

►Philippines đề xuất tour du lịch Biển Đông

►Ngoại trưởng Mỹ thăm Việt Nam trong tour châu Á