Ông Matsuo Tomoyuki (thứ 3 từ phải sang) cùng nhân viên và chính quyền địa phương khảo sát cánh đồng tam giác mạch tại Đồng Văn, Hà Giang vào năm 2022.
Tình yêu sản vật đất Việt của một người Nhật
Tháng 3/2023 Hiệp hội Ẩm thực Nhật - Việt Nam (JVGA) đã mang 63 sản vật của Việt Nam giới thiệu tại Triển lãm quốc tế ngành lương thực thực phẩm FOODEX 2023 tại Trung tâm Triển lãm quốc tế Tokyo Big Sight. Người đứng sau thành quả này lại là một người Nhật, ông Matsuo Tomoyuki.
Là người sáng lập JVGA, Matsuo dành cho đất nước, con người và ẩm thực Việt Nam tình yêu vô cùng đặc biệt. Câu chuyện bắt đầu từ cây tam giác mạch - loài cây ít giá trị kinh tế và soba - món mì trứ danh trong ẩm thực Nhật.
Mỗi năm, Nhật nhập gần 100.000 tấn hạt tam giác mạch từ Trung Quốc. Loại cây này cũng phổ biến ở các tỉnh vùng núi phía Bắc Việt Nam. Thế nhưng, với người dân nơi đây, tam giác mạch có giá trị kinh tế thấp vì chỉ phục vụ cho du khách chụp hình vào dịp nở hoa, hoặc dùng để nấu rượu và làm thức ăn gia súc. Nhưng với Matsuo, đây là mỏ vàng chưa được khai thác.
Dừng chân ở Việt Nam vào năm 2013 sau khi đặt chân đến Mỹ và Singapore để tìm kiếm cơ hội đầu tư, Matsuo lập nghiệp ở Bình Dương theo lời rủ rê của một người bạn. “Chúng tôi có nền tảng gia đình khá giống nhau. Ông của bạn là chủ sân golf, ông tôi làm giám đốc một ngân hàng. Là thế hệ tiếp nối, sự thành công của gia đình là áp lực để chúng tôi phải tiến xa hơn. Nhưng môi trường kinh doanh ở Nhật đã không còn như xưa nữa”, Matsuo chia sẻ.
Vốn đam mê ẩm thực, Matsuo không ngần ngại nhận lời mở một khu ẩm thực phục vụ người Việt với quy mô 600 khách cố định và 600 khách vãng lai. Thách thức dành cho Matsuo là mức giá cho mỗi phần ăn chỉ được 30.000 đồng, nhưng phải mang phong cách Nhật. Ông nghĩ ngay đến món mì soba - đặc sản trứ danh của quê hương vì dễ kết hợp với nguyên liệu bản địa của Việt Nam và dễ dàng nhập nguyên liệu từ Trung Quốc nhằm tối ưu chi phí.
Trong quá trình đặt hàng, Matsuo tình cờ xem được hình ảnh bạt ngàn của những cánh đồng hoa tam giác mạch. Được một giáo sư Nhật chỉ điểm, đầu năm 2014, Matsuo cưỡi xe máy đi Hà Giang tìm nguyên liệu. Tận mắt nhìn thấy những cánh đồng hoa ở Phố Cáo, Đồng Văn, với kinh nghiệm từ những ngày thơ ấu sống cùng bà tại Nagano - thủ phủ tam giác mạch tại Nhật, Matsuo biết, tam giác mạch tại Hà Giang là giống thuần chủng. Matsuo vỡ òa sung sướng vì bài toán khó đã được giải.
Qua những chuyến đi khắp vùng núi phía Bắc, Matsuo nhận thấy Cao Bằng, Bắc Kạn, Lào Cai đều có tam giác mạch nhưng chỉ có tam giác mạch ở Hà Giang với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng đặc trưng mới cho ra loạt hạt chất lượng nhất. Matsuo nhẩm tính, nếu Hà Giang có thể trồng được 500-600 tấn hạt để xuất sang Nhật, đời sống người dân nơi đây sẽ ổn định và thay đổi rất nhiều. Vì thế, Matsuo lái xe vượt qua những ngọn đá tai mèo đến làm việc với chính quyền Hà Giang, gợi ý việc xuất khẩu tam giác mạch sang Nhật. So với ngô, lúa, đề nghị của Matsuo quá mới mẻ, chẳng ai tin là thật. Mọi thứ giậm chân tại chỗ.
Không nản lòng, từ kinh nghiệm của một người điều hành công ty truyền thông tại Nhật, Matsuo quyết định đưa tiệm soba kiểu Nhật giá Việt vươn khỏi Bình Dương theo mô hình chuỗi. Nhờ cách làm mới mẻ, chuỗi này gặt hái thành công ở TP.HCM, Hà Nội và cả Đà Nẵng. Khi mọi thứ dần đi vào ổn định, ông mở tiếp một tiệm mì soba ở Hà Giang. Matsuo in 1.000 tờ rơi, giới thiệu bản thân, giới thiệu về tam giác mạch, về mì soba và nêu rõ đang cần nhân viên. Ông mang tờ rơi phát ở các trường học, khắp nơi ở Hà Giang nhưng không một phản hồi. Matsuo lại in tiếp 1.000 tờ rơi, thêm 1.000 tờ nữa... chỉ vài ba email, hai ba cuộc điện thoại gọi đến, mọi thứ đâu lại vào đấy. Matsuo đổi chiến lược tiếp cận.
“Tôi đi gặp từng người hỏi họ có muốn vào làm cho tiệm mì không? Thế là tôi tuyển được nhân sự”, Matsuo bồi hồi kể. Ở tiệm, ông trực tiếp vào bếp truyền công thức cho đầu bếp. Sau một thời gian, ông luân chuyển nhân viên đi khắp nơi có cửa hàng. Matsuo nói cách làm này khiến 2 bên tin tưởng nhau, hỗ trợ nhau và hiểu được giá trị công việc đang làm.
Không chỉ tìm nhân sự cho tiệm mì, Matsuo còn thuê đất của người dân Hà Giang từ 3-5 tháng/năm, tiền thuê là 4 triệu đồng/ha. Ông thuê người dân địa phương trồng và chăm sóc cánh đồng tam giác mạch cho đến ngày thu hoạch. Nỗ lực của 200 nhân viên và nông dân địa phương đã mang về vụ tam giác mạch đầu tiên bội thu. Năm 2021, toàn bộ 50 tấn hạt đã được xuất sang Nhật. Mục tiêu của Matsuo là 300 tấn. “Điều tôi mong muốn là thay đổi mô hình kinh doanh, để không chỉ Hà Giang mà những tỉnh, thành khác phù hợp điều kiện trồng tam giác mạch có thể ứng dụng mô hình của tôi để phát triển”, ông nói.
Matsuo cho biết ông xem Việt Nam như quê hương thứ 2. Thời gian ông ở Việt Nam còn nhiều hơn ở Nhật. Tình yêu Việt Nam và sản vật đất Việt trong Matsuo càng đong đầy sau mỗi chuyến rong ruổi. “Tôi nhận ra Việt Nam có quá nhiều nguyên liệu quý hiếm, độc đáo. Chỉ riêng Hà Giang, ngoài tam giác mạch còn có mắc khén, hoa hồi, hạt dổi... Mỗi địa phương đều có những sản vật đặc trưng mà Nhật không có. Điều khiến tôi thích thú nhất là được đến những nơi xa xôi, phát hiện những sản phẩm đặc biệt để làm phong phú thêm bộ sưu tập và giới thiệu đến mọi người”, ông nói.
Đầu năm 2020, Matsuo lập JVGA nhằm cung cấp dịch vụ tư vấn về nông nghiệp, sản xuất sản phẩm, thương mại và bán hàng, giao lưu văn hóa ẩm thực giữa 2 nước. Hiệp hội này đang triển khai dự án có tên 110VJ.LOVE (110 là kết hợp 63 tỉnh, thành Việt Nam với 47 tỉnh, thành của Nhật). Theo đó, Hiệp hội sẽ chọn một sản phẩm ở mỗi tỉnh, thành Việt - Nhật, lập chuỗi bán hàng trên mạng. Mỗi sản phẩm được giới thiệu kèm câu chuyện phía sau, từ chất lượng, nuôi trồng đến quá trình chế biến, văn hóa và danh thắng địa phương. Số lượng 110 sản phẩm sẽ thay đổi định kỳ 6 tháng hoặc ngắn hơn.
Matsuo nói, cách làm này không chỉ thúc đẩy giao thương, giao lưu văn hóa ẩm thực giữa 2 nước mà còn là cách khẳng định với người tiêu dùng, sản phẩm Việt hoàn toàn đủ khả năng sánh với hàng Nhật.