Tuệ Anh Thứ Hai | 14/11/2022 08:47

Tin Hoạt động Hội - Người Việt bốn phương số 803

Tin Hoạt động Hội - Người Việt bốn phương số 803

Thủ tướng trăn trở về nỗi lo của kiều bào tại Campuchia
Chiều 9/11, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Campuchia, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tới thăm, nói chuyện với kiều bào tại Đại sứ quán Việt Nam ở Phnom Penh.

Ông Sim Chy, Chủ tịch Hội Việt Nam - Khmer, nêu mong mỏi lớn nhất đối với cộng đồng gốc Việt tại Campuchia là giải quyết vấn đề giấy tờ pháp lý.

Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn quan tâm đến đời sống của kiều bào. Ông cho biết những khó khăn của bà con kiều bào tại Campuchia là nỗi trăn trở chung của mỗi nhiệm kỳ đại sứ nhưng đến nay chưa được giải quyết triệt để.

Thủ tướng cho biết nội dung này thường xuyên được nhắc đến trong những dịp trao đổi song phương với Thủ tướng Hun Sen, song vấn đề vẫn đòi hỏi sự kiên trì thuyết phục hướng đến những giải pháp “vừa hợp lý với đường lối của Đảng và Nhà nước Việt Nam, vừa phù hợp với pháp luật tại Campuchia”. Ông đề nghị các lãnh đạo bộ, ban, ngành và đoàn thể quyết liệt hơn nữa tìm hướng hỗ trợ cho cộng đồng kiều bào.

Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài làm công tác cộng đồng tại Malaysia

Từ ngày 3-5/11, Đoàn công tác của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài do Phó Chủ nhiệm Mai Phan Dũng dẫn đầu đã thăm Malaysia.

Trao đổi với Đoàn về tình hình người Việt Nam tại Malaysia, Đại sứ Trần Việt Thái cho biết, hiện có khoảng 40.000-45.000 người Việt đang sinh sống, học tập, làm ăn tại Malaysia. Nhìn chung, bà con người Việt cần cù, chăm chỉ, đoàn kết, đùm bọc, ngày càng hội nhập vào sở tại và không ngừng hướng về quê hương; tuy vậy, cuộc sống và đặc biệt là kinh tế còn nhiều khó khăn.

Đánh giá cao công tác người Việt Nam ở nước ngoài mà Đại sứ quán đã triển khai trong thời gian vừa qua, Phó Chủ nhiệm Mai Phan Dũng đề nghị Đại sứ quán tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài trong công tác này; tiếp tục tổ chức các hoạt động cho kiều bào; tăng cường thăm hỏi, động viên, quan tâm đến nguyện vọng của người lao động và cô dâu Việt ở sở tại; tạo điều kiện để kiều bào tham gia các hoạt động do Ủy ban tổ chức (Xuân quê hương, Đoàn kiều bào thăm Trường Sa, Trại hè Việt Nam, Khóa đào tạo nghiệp vụ giảng dạy tiếng Việt...).

Sắp tới, Ủy ban sẽ triển khai một số đề án như đề án Ngày tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, đề nghị Đại sứ quán phối hợp tổ chức tại địa bàn, đặc biệt trong dịp kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Malaysia vào năm tới.

Nhà khoa học Việt tìm ra chất ức chế tế bào ung thư máu từ vỏ trấu

Nhóm nghiên cứu của Giáo sư - Tiến sĩ Trần Đăng Xuân thuộc Đại học Hiroshima đã chứng minh hợp chất chiết xuất từ vỏ trấu có tác dụng ức chế tế bào ung thư và an toàn với tế bào thường.

Kết quả nghiên cứu đã được công bố trên Tạp chí Cancers chuyên nghiên cứu về ung thư vào tháng 10/2022. Trong nghiên cứu này, lần đầu tiên các nhà khoa học đã làm rõ cơ chế tiêu diệt tế bào ung thư của hợp chất được tinh chế từ vỏ trấu là Momilactones A (MA) và Momilactones B (MB) thông qua cơ chế điều hòa các protein liên quan (p-38, BCL-2 và caspase-3). 

Việc phát hiện đặc tính của Momilactone gây độc tế bào để chống lại tế bào ung thư được kỳ vọng là tiền đề cho nghiên cứu và phát triển các loại thuốc điều trị ung thư hiệu quả.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Quân, Đại học Hiroshima, cho biết nhóm nghiên cứu đã làm rõ hơn về cơ chế hoạt động của MA, MB làm tăng quá trình hủy và kìm hãm sự phát triển của tế bào ung thư, đặc biệt với một hàm lượng tương đương gây chết tế bào ung thư, hợp chất này hoàn toàn an toàn với tế bào thường.

Phòng thí nghiệm sinh lý thực vật và hóa sinh, Đại học Hiroshima do Giáo sư - Tiến sĩ  Trần Đăng Xuân đứng đầu là một trong số ít các phòng thí nghiệm trên thế giới có thể tinh chế Momilactone từ các nguồn tự nhiên như lúa gạo.

Nghiên cứu về ứng dụng công nghệ A.I của tiến sĩ người Việt được nhiều tạp chí Mỹ ghi danh

 

Trong nửa đầu năm nay, Tiến sĩ Trương Văn Tiến và các đồng nghiệp đã có 2 bài báo được đăng tải trên Tạp chí Nature Machine Intelligence và IEEE Robotics and Automation Letters.

Đó là các bài báo có tên Automatic strain sensor design via active learning and data augmentation for soft machines (tạm dịch: Thiết kế cảm biến tự động cho robot mềm dựa trên mô hình máy học và tăng cường dữ liệu) của Tiến sĩ Trương Văn Tiến cùng các đồng nghiệp tại Đại học Công nghệ và Thiết kế Singapore, Đại học Quốc gia Singapore và Đại học Maryland, được đăng tải trên Tạp chí Nature Machine Intelligence hồi tháng 1.

Bài báo có tên NN-based Predictive model for a Batoid-inspired Soft Robot (tạm dịch: Xây dựng thuật toán điều khiển robot mềm dựa trên mạng nơ-ron sâu) được đăng tải trên Tạp chí IEEE Robotics and Automation Letters hồi tháng 4.

Sau đó, cả 2 bài báo này được nhiều trang công nghệ ở Mỹ như Techxplore, Techbriefs, Eurekalert, Azorobotics, Spacedaily dẫn lại hoặc đưa tin.

Trương Văn Tiến là cựu sinh viên ngành kỹ thuật hàng không, Trường Đại học Bách khoa TP.HCM. Tốt nghiệp năm 2008, anh nhận được học bổng tiến sĩ toàn phần ngành Kỹ thuật hàng không và thông tin ở Hàn Quốc.

Năm 2010, anh qua Mỹ làm nghiên cứu với dự án do anh đề xuất và được Bộ Quốc phòng Mỹ và Hàn Quốc đồng tài trợ. Sau khi tốt nghiệp tiến sĩ năm 2013, Trương Văn Tiến được mời làm việc ở Đại học Quốc gia Singapore. Cuối năm 2017, anh chuyển đến làm việc tại Đại học Queen, Canada. Anh từng nhận lời mời làm việc ở Pháp, Thụy Điển và viện năng lượng gió lớn nhất thế giới - DTU Wind Energy thuộc Đại học Kỹ Thuật Đan Mạch. Sau hơn 12 năm làm việc ở Singapore, Mỹ, Canada và Hàn Quốc, anh đã về nước cuối năm 2020 làm việc cho Coherent Việt Nam