Ảnh: Seea.vn
Tín dụng xanh có dễ?
Khi AC Energy, một công ty thuộc Tập đoàn Ayala (Philippines), đưa vào hoạt động trang trại năng lượng mặt trời 330MW đầu tiên ở Việt Nam tại tỉnh Ninh Thuận, rồi đến trang trại 80MW thứ 2 ở tỉnh Khánh Hòa và Đắk Lắk, họ có một dự định dài hạn với danh mục đầu tư các dự án năng lượng xanh. “Mỗi megawatt điện than cần 3-4 megawatt điện xanh thay thế”, ông Eric Francia, CEO AC Energy, lạc quan trước tương lai của ngành năng lượng bền vững mà Việt Nam đang hướng đến.
Thế nhưng, theo IFC, các nguồn vốn tín dụng trong nước chỉ mới đáp ứng 1/9 nhu cầu của các dự án năng lượng tái tạo. Tại sao thị trường tín dụng trong nước lại bỏ ngỏ? Cuộc đối thoại giữa 3 nhà - nhà nước, nhà đầu tư và nhà cấp tín dụng - tại Hội nghị Năng lượng bền vững vào cuối tháng 5.2019 tiết lộ những khoảng cách trong phương thức tiếp cận của các bên.
Năng lượng xanh rủi ro cao?
“Đầu tư năng lượng xanh có rủi ro, vì vậy ngân hàng yêu cầu lợi nhuận cao hơn bằng mức lãi suất cao hơn”, ông Nguyễn Thanh Phong, Phó Tổng Giám đốc Khối doanh nghiệp vừa và nhỏ, Ngân hàng An Bình (ABBank), nói về kỳ vọng lệch pha giữa ngân hàng và người đi vay về lãi suất tài trợ những dự án năng lượng xanh. Thế nhưng, nhận định này không nhận được sự đồng tình của đại diện Dragon Capital, một công ty quản lý quỹ đang nắm trong tay danh mục gồm 1 dự án điện mặt trời, 1 dự án thủy điện nhỏ và điện mặt trời áp mái hộ gia đình, theo chia sẻ của Chủ tịch Dragon Capital Dominic Scriven.
Dưới góc nhìn của nhà đầu tư, ông Dominic Scriven quan tâm nhiều hơn đến rủi ro về luật định. Sở hữu những dự án phát điện nhỏ, ông nhận thấy họ không có vị thế đàm phán với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), thiếu những hợp đồng bán điện mẫu, ít nhất là trong trường hợp hộ gia đình và rủi ro lớn nhất là “trong hợp đồng mua bán điện mẫu tồn tại điều khoản EVN có quyền chấm dứt hợp đồng và không có trách nhiệm bồi thường cho nhà sản xuất điện”.
Theo một nghiên cứu của UNDP, các nhà đầu tư và nhà phát triển dự án tiềm năng cũng chỉ ra những điểm không chắc chắn liên quan đến cấu trúc thuế quan và mức độ tín dụng thấp của các hợp đồng mua bán điện (khả năng thanh toán thấp của PPA) là những trở ngại chính trong việc đảm bảo tài trợ cho các dự án năng lượng tái tạo ở Việt Nam.Tính rủi ro của các dự án năng lượng tái tạo cũng bị nhà đầu tư các dự án lớn như AC Energy bác bỏ.
“Ngân hàng nội địa không cần lo lắng về rủi ro luật pháp, họ quan tâm nhiều hơn đến rủi ro kỹ thuật (tức việc tối ưu công suất nhà máy). Đây là điều mỉa mai vì các tổ chức tín dụng quốc tế không như thế”, ông Eric Francia, CEO AC Energy, phân tích. Ông cho rằng các ngân hàng có thể thử và học dần dần, khi tham gia vào ngành năng lượng tái tạo, một ngành có tốc độ tăng trưởng cao và là lựa chọn không thể khác được. “Với quy mô mỗi dự án chỉ chục triệu USD chứ không phải hàng trăm triệu USD như các dự án nhiệt điện, ngân hàng hoàn toàn có thể bắt đầu”, ông Eric Francia nói.
Nút thắt ở đâu?
Năng lượng tái tạo chỉ là một phần nhỏ trong bức tranh các dự án liên quan đến khí hậu của Việt Nam. IFC dự báo tổng tiềm năng đầu tư vào các dự án liên quan đến khí hậu của Việt Nam có thể lên đến 753 tỉ USD từ nay tới năm 2030, trong đó 59 tỉ USD đầu tư vào năng lượng tái tạo, 80 tỉ USD đối với các dự án công trình xanh.Tuy nhiên, khó khăn của năng lượng tái tạo cũng đại diện cho khó khăn chung của các dự án bền vững khác trong việc tiếp cận nguồn tài chính tài trợ. Đối với năng lượng tái tạo, UNDP chỉ ra sự quan tâm đặc biệt của các nhà đầu tư đến việc cải thiện mô hình thỏa thuận mua điện hiện có, coi đó là chìa khóa để mở ra các khoản đầu tư bên ngoài trong tương lai.
Thị trường nợ với công cụ trái phiếu xanh và tín dụng xanh cũng đồng loạt được ngân hàng và nhà đầu tư kỳ vọng sẽ giúp cho sự phát triển. “Cách đây 1,5 năm khi tôi đến Việt Nam, mọi người chưa có khái niệm về trái phiếu xanh, nhưng giờ mọi chuyện đã tiến triển rất nhanh”, bà Kalina B. Miller, chuyên viên đầu tư cao cấp Financial Institution Group, nhớ lại.
Theo đánh giá của ông Dominic Scriven, Việt Nam rất có khả năng tạo ra nguồn vốn trung dài hạn nhưng phải nỗ lực hơn bằng việc đưa ra chính sách ưu đãi để các định chế như quỹ hưu trí, thị trường trái phiếu doanh nghiệp sớm ra đời “nếu không, chúng ta sẽ phải tìm vốn từ nước ngoài với nhiều yêu cầu hơn”