Ảnh: TL.
Tìm mô hình cho trường mầm non
Trong căn phòng thơm mùi gỗ của những chiếc kệ cao khoảng 50 cm mới đóng, bé Gấu 18 tháng lon ton lấy cuốn sách bìa cứng trong ngăn kệ trong tầm với của mình và ngồi xuống bên cạnh cô giáo trẻ mới ngoài 20 tuổi trên tấm thảm nhỏ trải ở góc tường. Gần cửa ra vào, cô Phương Hạnh tất bật dỗ dành bé Thỏ 12 tháng tuổi đang tỉ tê khóc vì mới đi học được vài ngày. Cô trải tấm thảm màu trắng nhỏ, đặt xuống món đồ chơi bằng gỗ có những hạt chạy lóc xóc bên trong để thu hút sự chú ý của bé.
Cô Phương Hạnh vừa mở cửa cơ sở mầm non Montessori của mình được vài tháng, là một trong số hơn 3.000 cơ sở giáo dục mầm non tại TP.HCM và hiện có khoảng 50-70 trường mầm non tư nhân áp dụng mô hình Montessori để đưa vào giảng dạy tại nhiều thành phố lớn.
Xây dựng ngôi nhà ở khu quy hoạch biệt thự dành riêng cho việc dạy học, căn nhà có 2 phòng học lớn cho 2 nhóm tuổi, từ 0-3 tuổi và từ 3-6 tuổi. Lớp học Montessori mô phỏng các hoạt động của thế giới thực, ở đó các bạn được học cách làm việc như dọn rửa hay may vá, được học những nguyên tắc và giới hạn, cách hợp tác với nhau cũng như học tôn trọng không gian riêng của nhau. Trái ngược với vẻ gọn gàng, ngăn nắp của lớp học Montessori mới mở, những phòng học tại trường Neverland theo phương pháp Reggio Emilia (Reggio) có vẻ hơi lộn xộn. Một góc phòng được quây lại bằng những tấm rèm ren nhiều màu sắc làm phòng đọc, góc khác kê bộ bàn ghế có kích thước trẻ em hình tròn, kế bên là chiếc kệ với nhiều đồ chơi, trên cùng là một ống bút đựng hàng chục cây bút chì nhiều màu sắc. Trên tường treo những chiếc cầu vồng đủ kiểu tô màu, tác phẩm của các bạn lớp lớn nhất, và những tấm hình chụp các bạn với tác phẩm của mình.
Sự lộn xộn còn tăng lên vì những hình trang trí Halloween treo khắp các gian phòng, tiếng bọn trẻ trong những bộ đồ hóa trang vừa đi xin kẹo về lao xao, khiến cô Hiệu trưởng Bùi Thị Phương Thảo bối rối khi dẫn phụ huynh tham quan trường. Trong căn biệt thự 4 tầng được dùng làm trường học, những dự án nghệ thuật của mỗi lớp được trưng bày dọc theo lối lên cầu thang.
Ít phổ biến hơn 2 phương pháp trên, Waldorf Steiner (Steiner) được áp dụng ở một số trường mầm non, phần lớn ở quận 2, TP.HCM. Trong khi Montessori chú trọng đến phát triển tính kỷ luật và làm việc của trẻ nhỏ, Steiner và Reggio cùng hướng đến việc phát triển năng lực của trẻ thông qua nghệ thuật. “Những bạn nhỏ học từ Steiner ra sẽ có năng lực sinh tồn trong tự nhiên tốt hơn”, Khánh Linh, mẹ của bé trai 5 tuổi, cho biết. “Nhưng em không thể đáp ứng yêu cầu trong nhà không có tivi của trường”, Khánh Linh nói đó là một trong những lý do cô không thể cho con theo học ở trường Steiner.
Tuy nhiên, có những phụ huynh cảm thấy con mình phù hợp với phương pháp giáo dục gắn với thiên nhiên, nghệ thuật, nương theo sự phát triển của từng cá nhân và sẵn sàng đánh đổi những tiện nghi cá nhân của thời hiện đại như tivi để tạo môi trường thuận lợi cho con mình theo học ở trường Steiner. Chị Thúy Anh, người mẹ 40 tuổi của một cặp song sinh, chẳng hạn, sẵn sàng để các con đến học ở ngôi trường cách nhà đến 120 km.
Mô hình Montessori được áp dụng tại hơn 25.000 trường học khắp các châu lục, phương pháp Steiner là khoảng 2.000 trường. Tuy nhiên, không có thống kê chính thức về số trường Reggio trên toàn thế giới.
Khi chuyển vào miền Nam để sinh sống 10 năm trước, cô Thảo, một giáo viên mầm non, không thể tìm được trường học phù hợp với cách mình muốn dạy, nên đã tự lập trường. Trường mới của cô Thảo vẫn theo phương pháp Reggio của ngôi trường quốc tế mà cô đã gắn bó hơn 5 năm khi ở Hà Nội. Ở một điểm xuất phát khác, cô Hạnh mở trường sau khi tham dự những lớp học Montessori khi còn là phụ huynh có con theo học trường mầm non theo phương pháp này. “Nhiều phụ huynh đã bỏ việc để làm cô giáo, trong đó có mình”, cô Hạnh tâm sự về khởi điểm của mình.
Trong khi Montessori và Steiner có những chương trình đào tạo có chứng chỉ cho giáo viên, Reggio lại không có giáo trình dạy cụ thể và tiêu chí chọn lựa giáo viên chỉ cần “thích chơi với trẻ con là đủ”. “Reggio mua bản quyền chính thức tại TP.HCM chỉ có một, hầu hết là trường lấy cảm hứng từ phương pháp này”, cô Thảo cho biết. Neverland là một trường như thế và là trường thứ 2 trong chuỗi nhượng quyền mang tên Malaguzzi Creative House. Cái tên Montessori chưa bao giờ được đăng ký bản quyền, vì vậy mới có lời rỉ tai về trường này chuẩn Montessori và trường kia thì không.
Có thể thấy với lượng trẻ gia tăng bình quân gần 10.000 trẻ mỗi năm (theo Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM), sự ra đời của nhiều mô hình trường mầm non khác nhau là điều dễ hiểu. Đặc biệt, các mô hình này theo xu hướng đáp ứng các tiêu chuẩn cao từ cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên đến hiệu quả học tập của học sinh... TP.HCM cũng có Quyết định ban hành quy định về tiêu chí công nhận trường thực hiện chương trình chất lượng cao “Trường tiên tiến, hội nhập quốc tế” với các tiêu chí cụ thể.
Sự hấp dẫn của nhu cầu trường mầm non tại Việt Nam còn thu hút cả Global Embassy - thành viên thuộc tổ chức Embassy Education - đưa phương pháp giáo dục mầm non Reggio Emilia Approach của Ý về Việt Nam. Triết lý giáo dục của Reggio Emilia Approach là tất cả trẻ đều bình đẳng như nhau và giáo viên chọn cách để trẻ tự học từ trải nghiệm của bản thân trẻ hơn là giúp trẻ sửa sai… Ngoài ra, nhiều mô hình trường mầm non từ Nhật, Hàn Quốc, Na Uy… cũng có bước đi thăm dò tại Việt Nam.
Với Thanh Việt và Cẩm Nhung, cha mẹ của một cậu bé 3 tuổi chậm phát triển ngôn ngữ do tác động của việc xem tivi quá nhiều, tìm một môi trường gần nhà thoải mái để con có thể tương tác với các bạn đồng trang lứa quan trọng hơn chuyện học phí. “Chi phí của trường Reggio cao hơn trường Montessori trong khu vực, nhưng miễn là con thích và có tiến bộ, mình không phân biệt đó là trường theo phương pháp nào”, chị Cẩm Nhung cho biết.