Tìm lại di sản
Rêu phong cổ kính” là cách mà người Việt thường nghĩ về những di sản. Thế nhưng, chúng ta có thể sẽ phải thay đổi cách nhìn này, khi mà Ngọ Môn, biểu tượng của Kinh thành Huế xưa, sắp sửa rũ bỏ lớp rêu phong hàng chục năm trời để trở về lớp áo nguyên thủy màu đỏ gạch của mình.
Tọa lạc tại Cố đô Huế với mùa mưa đặc trưng kéo dài ròng rã nhiều tuần, Ngọ Môn trở thành nơi hoàn hảo để phát triển các loại tảo, rêu, vi khuẩn, địa y trên bề mặt, phá hủy các lớp vữa và đá gốc. Trên những vết nứt, kẽ đá của công trình được xây dựng từ năm 1833, vài cây con thuộc cả giống cỏ và cổ thụ đã bén rễ đang xanh lá.
“Các công trình lịch sử phủ lên mình một lớp địa y, tảo và nấm thì trông có vẻ thú vị và cổ kính nhưng điều này lại thúc đẩy quá trình hư hại của công trình”, bà Andrea Teufel, chuyên gia bảo tồn có 17 năm gắn bó với Việt Nam, người xem Huế như quê hương thứ 2, giải thích về lý do cần làm sạch bề mặt di tích cho mục đích bảo quản. “Gọi là hoàng thành vì tường thành được tô bằng màu vàng, nhưng giờ đây chúng bị che giấu dưới lớp màu xám xịt của rêu phong”, bà Teufel nói.
Theo bà Teufel, việc vệ sinh di tích không phải được thực hiện vì các hiệu ứng trực quan mà là để bảo quản các phần gốc còn sót lại và ngăn không cho quá trình phá hoại phát triển. Đồng thời, việc loại bỏ rêu, địa y và các loại thực vật nhỏ còn là tiền đề để phục hồi di tích trong lúc vẫn giữ lại các phần gốc của công trình theo phương pháp bảo tồn.
Trong bộ quần áo bảo hộ, nhân viên Karcher đội mũ bảo hiểm, đeo kính và tai nghe đang làm việc trong làn khói tỏa ra từ những tia nước nóng 1000C từ máy phun rửa áp lực cao đang gột rửa bức tường màu xám đen. Như cú lướt chuột trong photoshop, một mảng gạch màu nâu đỏ hiện ra vuông vức dưới làn nước. “Cũ nhưng không dơ”, Marco Mowes, chuyên gia có 25 năm kinh nghiệm trong việc thi công làm sạch của Karcher, nói về việc màu sắc nguyên thủy của công trình cổ sẽ hiển lộ sau khi gột rửa lớp “vỏ bọc” ảnh hưởng đến thẩm mỹ.
Là 1 trong hơn 140 dự án tài trợ về văn hóa của Karcher, dự án làm sạch cổng Ngọ Môn là bước khởi đầu cho một cách mới để bảo tồn và phục hồi di tích tại Cố đô Huế. “Bắt đầu bằng công trình mang tính biểu tượng này, sẽ có 15 dự án tiếp sau đó được tiến hành”, ông Phan Thanh Hải, cựu Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế (HMCC), cho biết. Không có một giải pháp đáp ứng tất cả nhu cầu, khi việc xử lý hơi nước áp lực cao phù hợp với vật liệu gạch, đá, bê tông, thì những chất liệu khác sẽ đòi hỏi những giải pháp xử lý khác.
Ngành công nghiệp làm sạch không mới trên thế giới, trong khi mới chỉ xuất hiện ở Việt Nam trong những năm gần đây. Báo cáo vào năm 2015 cho thấy chỉ tại Mỹ, có 875.000 doanh nghiệp thu hút 3,5 triệu lao động tạo ra doanh số 50 triệu USD. Sự phát triển của ngành dự báo sẽ mang đến tốc độ tăng trưởng việc làm đều đặn 6% cho đến năm 2020.
Việc làm sạch di tích và tượng đài cũng có tuổi thọ lâu như ngành. Chỉ riêng tại Karcher, thì việc tài trợ văn hóa với các chương trình làm sạch di tích đã bắt đầu từ 4 thập niên trước. Gương mặt các vị Tổng thống Mỹ trên núi Rushmore, tượng Nữ Thần Tự Do tại New York, Cầu Princes tại Melbourne hay đại tượng Phật ở Linh Sơn tại Trung Quốc đều đã trải qua những lần lau rửa như vậy.
Không có con số tài chính cho dự án này, nhưng ông Hùng tiết lộ một khoản ngân sách 80 tỉ đồng dự kiến được dành cho quá trình trùng tu Hoàng thành kéo dài đến năm 2020. Với 80% du khách đến Huế sẽ ghé thăm hoàng cung và lượng du khách đến thành phố cổ kính ước tính sẽ lên đến 5 triệu lượt vào năm 2020.
Trong khi phương thức chà rửa truyền thống vừa tốn nhân lực vừa có khả năng gây hư hỏng cho bề mặt công trình, thì phương pháp đang được thử nghiệm tại Ngọ Môn khắc phục cả 2 hạn chế trên. Đội ngũ 14 người sẽ làm việc trong 15 ngày để hoàn thành việc làm sạch thí điểm này. Cho phần chu vi 2,4km còn lại của Hoàng thành, những nhân lực địa phương được tập huấn sẽ đảm trách. Thử thách đặt ra là thời gian 3-5 năm cho đến lần làm sạch tiếp theo.
Đầu mùa hè tới đây, du khách đến thăm Cố đô Huế có lẽ sẽ ngạc nhiên trước vẻ tươi mới rực rỡ của cánh cổng nơi vua quan ra vào ngày xưa, một sự đối lập lớn với toàn bộ quần thể. Nhưng không lâu sau đó, cả Hoàng thành sẽ đồng loạt gột bỏ vẻ cũ kỹ ẩm mốc, mang lại sự tươi sạch cho hoàng cung.