Phạm Thiên Ân tại Liên hoan phim Cannes 2023. Ảnh: TL
Tiếng gọi thiêng liêng của điện ảnh
Giải thưởng dành cho phim Bên Trong Vỏ Kén Vàng của Phạm Thiên Ân đặc biệt vì chỉ dành cho phim đầu tay xuất sắc của một đạo diễn. Việc xuất hiện một nhà làm phim trẻ, 34 tuổi tại sân chơi chuyên nghiệp và uy tín như Cannes chưa bao giờ là dễ dàng. Do đó, việc Phạm Thiên Ân, đến từ Việt Nam, đạt giải thực sự là một hiện tượng của Cannes 2023. Nhiều cây bút phê bình uy tín trên thế giới ca ngợi ngôn ngữ điện ảnh đặc biệt của Ân trong bộ phim này. Nó phá vỡ những định nghĩa, khái niệm thường thấy trong điện ảnh để kể một câu chuyện giản dị, đời thường và đẹp đẽ, cảm động.
Nhà sản xuất Trần Thị Bích Ngọc nhận định: “Chiến thắng của Ân là điều tuyệt vời cho điện ảnh Việt Nam. Nó không chỉ là niềm vui và tự hào cho giới làm phim, mà còn đại diện cho hình ảnh một thế hệ trẻ mới của Việt Nam đang vươn ra biển lớn một cách đàng hoàng, tự tin với toàn bộ sự trân trọng và đón chào của một liên hoan phim quan trọng bậc nhất trên thế giới”.
Đi tìm bên trong
Bên Trong Vỏ Kén Vàng (Inside The Yellow Cocoon Shell) xoay quanh Thiện - chàng trai làm nghề dựng phim đám cưới, bị ám ảnh bởi mối tình đã qua và có cuộc sống trôi vô định. Để giết thời gian, Thiện thích tụ tập bạn bè nhậu nhẹt, làm ảo thuật mua vui hay đi massage. Sự ra đi của chị dâu từ một tai nạn đột ngột đã đưa Thiện về Bảo Lộc - quê hương anh và buộc anh đi tìm câu trả lời cho những khoảng trống mà lâu nay anh luôn né tránh.
Hành trình của Thiện là hành trình đi tìm tiếng gọi bên trong của mỗi người mà đôi khi, chúng ta tìm cách lẩn tránh hoặc bỏ quên. “Vỏ kén vàng giống như vỏ bọc của con người trong xã hội, là những thứ lôi kéo họ vào một vòng tròn bất tận, cuộc chạy đua với tiền bạc, danh vọng. Con nhộng bên trong giống như linh hồn của một người”, Ân lý giải.
Thiện phần nào phản ánh hình ảnh của Ân trước kia. Nhưng anh không có ý định làm phim như một cuốn hồi ký. “Tôi làm phim xuất phát từ đam mê và hứng thú cá nhân, một thứ gì đó rất bản năng. Tôi trân trọng điện ảnh vì nó giúp tôi thể hiện góc nhìn của mình rõ nét nhất”.
Trong suốt 8 năm theo gia đình sang xứ sở cờ hoa, Ân có ít nhất 10 lần trở về Việt Nam. Về để gặp lại bạn bè, để làm phim, để kể câu chuyện mà Ân luôn khao khát sẻ chia. Ân thừa nhận, phim ảnh và những chuyến đi đã mang đến cho anh thêm nhiều góc nhìn cởi mở và khác biệt. Thay vì sống khép kín như trước đây, hiện tại Ân luôn sẵn sàng cho những chuyến đi và đón nhận tất cả những gì xảy đến. “Sự dịch chuyển là điều cần thiết cho người làm sáng tạo. Chỉ khi dịch chuyển, mình mới có thời gian suy ngẫm về những gì đã qua. Cũng như tôi khi đến Mỹ, chợt nhận ra những nét đẹp vô cùng bình dị ở Việt Nam mà trước đó chẳng hề thấy. Khi trở lại Mỹ, tôi cũng nhận ra điều tương tự”, Ân nói.
Thời gian đầu sang Mỹ, gia đình khuyên Ân theo học một cái nghề để ổn định cuộc sống. Đó cũng là lúc Ân băn khoăn và tự vấn: Mình sống vì cái gì? Đức tin có ý nghĩa ra sao? Điều gì trong cuộc đời này mới thật sự quan trọng?... Đây là nguồn cảm xúc đặc biệt quan trọng, giúp Bên Trong Vỏ Kén Vàng thành hình. Ân nói: “Mọi người sang đây đều theo một công thức, đi làm, gầy dựng sự nghiệp, dành dụm tiền mua nhà... nhưng tôi không như vậy. Dù ở Mỹ nhưng trái tim tôi luôn hướng về Việt Nam. Tâm hồn tôi đã để lại ở Việt Nam”.
Trên đất Mỹ, Ân tiếp tục công việc dựng phim đám cưới. Kiếm được bao nhiêu tiền, anh để dành làm phim. Và hiện tại, dù đã trở thành nhà làm phim nổi tiếng, Ân vẫn tiếp tục công việc này. Ân nói vui, giá dịch vụ vẫn như cũ. Chỉ khác là anh sắp xếp lịch chặt chẽ để có thời gian cho phim ảnh.
Bên Trong Vỏ Kén Vàng mang nhiều quan sát và chiêm nghiệm với những cú máy dài, phong cách tối giản và ít sắp đặt. Ảnh: TL. |
Tự do với phim ảnh
Mang đặc trưng của dòng “slow cinema” (phim có tiết tấu chậm rãi), Bên Trong Vỏ Kén Vàng mang nhiều quan sát và chiêm nghiệm với những cú máy dài, phong cách tối giản và ít sắp đặt. Mặc dù thể hiện rõ phong cách ngay từ phim đầu tay, Phạm Thiên Ân lại là một tay ngang rẽ lối vào điện ảnh. Không qua trường lớp, Ân làm phim bằng bản năng, kiến thức tự học và kinh nghiệm tích lũy từ các trải nghiệm trước đó.
Thuở còn học cấp 3, Ân đam mê mãnh liệt với ảo thuật. Sau đó, bị công nghệ máy tính với các trò chơi, giải code hấp dẫn, Ân chọn học công nghệ thông tin khi vào đại học. Thế nhưng, sự đơn điệu của máy móc không đủ sức giữ níu anh lại. Ân muốn làm một công việc có thể cân bằng giữa yếu tố kỹ thuật và sáng tạo. Vậy nên, sau khi tốt nghiệp, anh bắt đầu dựng phim đám cưới, sau đó học thêm cách quay phim. “Công việc này dù sáng tạo nhưng vẫn có hạn chế là phải làm theo ý của khách hàng”. Đó cũng là lúc Ân tìm thấy điện ảnh và đi theo tiếng gọi bên trong.
Năm 2014, Ân đạt giải nhì cuộc thi Phim ngắn 48 giờ năm 2014. Bốn năm sau đó, phim ngắn Câm Lặng (The Mute) của anh chiếu tại Liên hoan phim ngắn Quốc tế Palm Spring, được chọn tranh giải ở gần 15 liên hoan phim quốc tế. Phim ngắn Stay Awake, Be Ready (Hãy Tỉnh Thức Và Sẵn Sàng) - tiền đề của Bên Trong Vỏ Kén Vàng, dài 7 phút, được quay chỉ với một cú máy, đạt giải Illy ở Tuần lễ đạo diễn, hạng mục Director’s Fortnight Liên hoan phim Cannes 2019. Sau Cannes, tác phẩm được chiếu tại hơn 40 liên hoan phim quốc tế như Busan (Hàn Quốc), Locarno (Thụy Sĩ), Singapore, Stockholm (Thụy Điển), Milano (Ý), Vancouver (Canada).
“Nhờ phim ảnh, tôi có thể tạo dựng ra thế giới riêng của mình, chơi đùa với thời gian, không gian, nhân vật... Mọi thứ không có giới hạn, không có quy tắc hay công thức. Phim ảnh cho phép tôi sáng tạo ra thế giới từ những điều tôi học được trong cuộc sống, góc nhìn, quan điểm của tôi”, Ân nói
Có thể bạn quan tâm
Nghệ sĩ Opera Minh Minh: Âm nhạc là hành trình khám phá bản thân