CTV

 
Quý Yên thực hiện Thứ Năm | 31/01/2019 11:30

Tiến sĩ Tâm lý Phạm Thị Thúy: Đừng để phụ nữ “quay cuồng” trong Tết

"Cởi trói" cho chính bản thân đề Tết thực sự có ý nghĩa là điều phụ nữ hiện đại nên làm. Nhưng, cách "cởi", cũng phải hiện đại và hợp tình.

Nỗi ám ảnh về những ngày Tết với phụ nữ Việt Nam là có thật. Thay vì được nghỉ theo đúng nghĩa của từ “nghỉ Tết” sau một năm làm việc vất vả, chị em phải gồng mình để thực hiện thiên chức làm “vợ hiền dâu đảm” trong những ngày cả năm có 1 lần. Theo chuyên gia tâm lý, tiến sĩ Phạm Thị Thúy, vẫn có những cách giúp phụ nữ nhàn hơn trong Tết.

Ngày nay, phần lớn phụ nữ đã phải đi làm như nam giới, lại gánh thêm việc nhà thường nhật. Nghĩa là, dù sức khỏe yếu hơn, phụ nữ cũng đang làm rấtr nhiều việc  nếu không có được sự chia sẻ từ chồng. Chị nghĩ sao về điều này?

Đó đúng là câu chuyện thực tế buồn của rất nhiều gia đình. Đàn ông hay phụ nữ thì chúng ta làm việc giống nhau thôi. Nếu các ông chồng không cùng nhau chia sẻ việc nhà thì đó là thiệt thòi đối với phụ nữ. Nhưng, thiệt thòi ấy luôn với cả đàn ông. Các ông để vợ làm quá nhiều thì không còn thời gian lẫn sức khỏe để chăm chồng, yêu chồng. Cho nên sẽ thiệt thòi cho cả hai!

Theo chị thế nào là người đàn ông biết chia sẻ?

Có 2 khía cạnh làm nên hình ảnh một người đàn ông biết sẻ chia. Thứ nhất đó là những công việc cụ thể, từ việc nhà cho đến ngoài xã hội và cơ quan. Nhưng điều quan trọng hơn là đàn ông phải biết chia sẻ về mặt tâm lý đối với phụ nữ. Vì những chị em thích được nói ra, thích người khác lắng nghe, thích được chồng quan tâm đến những cảm xúc của mình. Đó mới chính là điều chia sẻ mà chị em cần nhất ở người đàn ông.

Ngày thường đã phải gánh nhiều việc, vừa công ty, vừa gia đình. Đến Tết, nhiều người, thay vì được nghỉ theo đúng nghĩa của từ “nghỉ Tết” thì chị em phải gồng mình để thực hiện thiên chức làm “vợ hiền dâu đảm”? Theo chị, Tết có nên mất quá nhiều công sức, chỉn chu để rồi không có cảm giác được vui Tết không?

Tôi cho rằng để phụ nữ “quay cuồng” trong Tết là rất không đúng. Ngày tết là ngày nghỉ ngơi, một năm mới có một lần để cho các chị em được nghỉ ngơi, thư giãn bên gia đình người thân và bạn bè với những trang phục xinh xắn. Để có tâm thái thật là thoải mái thì phụ nữ cần phải được giải phóng bớt công việc gia đình trong những ngày này hơn, thay vì quay cuồng, tất bật sắm sửa, trang hoàng... Tất nhiên, ngày Tết là ngày xum họp, trách nhiệm gia đình rất quan trọng. Chị em phụ nữ chúng ta phải biết tạo cơ hội cho mọi người bên nhau, cho mọi người có những bữa cơm sum họp và cùng vui vẻ bên nhau. Nhưng nếu chúng ta bầy ra quá nhiều việc để cho các mẹ, chị phải vất vả thì không nên chút nào.

Cụ thể, theo chị thì nên sắp xếp công việc thế nào trong ngày Tết?

Phụ nữ hiện đại cần phải dung hòa. Tôi cho rằng nghệ thuật sống hạnh phúc là cân bằng. Mình không thể để cái Tết chỉ chơi, không làm gì cả. Bởi, chúng ta là phụ nữ Việt, chúng ta có truyền thống văn hóa là cùng nhau đón một cái tết sum vầy, một cái Tết ấm với việc ngồi ăn chung với nhau, cùng nhau đến nhà họ hàng chúc Tết… Chúng ta không nên từ chối những trách nhiệm xã hội, những giá trị văn hóa đó. Mình vẫn làm, nhưng biết cân bằng. Tiêu chí phải đặt ra trong ngày Tết là không quá vất vả với bếp núc, không quá cầu toàn với nồi niêu, xoong chảo. Với đời sống mới, phụ nữ cũng phải biết tận dụng những tiện ích hiện đại của xã hội để giảm bớt áp lực cho mình. Nếu có nhiều việc thì chị em phải biết kéo mọi người vào cuộc, cùng bận rộn, để chia sẻ bớt công việc thay vì các chị phải làm tất cả. Đó mới là cái tết đầm ấm và hạnh phúc. Nếu chỉ phụ nữ vào bếp, dù là Tết hay ngày thường thì tôi cũng cật lực phản đối.

Tien si Tam ly Pham Thi Thuy: Dung de phu nu “quay cuong” trong Tet
Tiến sĩ Tâm lý Phạm Thị Thúy

Cụ thể thì chị đón Tết như thế nào?

Tết nào tôi cũng về Nam Định, vì 2 vợ chồng đều ở một quê. Thường tôi về rất sớm, 23 Tết là tôi đã có mặt ở nhà để lo cúng ông Công ông Táo cho gia đình nhà chồng. Tôi cố gắng hoàn thành trách nhiệm của một người con dâu, như những người khác vì ông xã tôi là con trai trưởng. Nhưng tôi may mắn vì không phải làm việc nhà một mình. Ngày trước, ông bà còn trẻ cũng giúp đỡ tôi nhiều. Nay ông bà có tuổi và con cái của tôi cũng đã lớn, nên mỗi lần đến dịp Tết là mấy mẹ con cùng nhau dọn dep, mua sắm những thứ cần thiết. Đặc biệt là gói bánh chưng. Tôi luôn luôn bày ra việc gói bánh để các con được làm và thấy có không khí ngày Tết.

Tôi cũng bàn với bố mẹ chồng là giảm tiện những lễ lạc ăn uống đi. Như việc cúng thì ba mùng, mỗi ngày chỉ cúng 1 lần vào buổi sáng. Sau đó, gia đình ăn uống cùng nhau rồi mọi người có kế hoạch riêng mình. Bố mẹ chồng tôi không quan trọng phải ở nhà để nấu từng bữa nên tôi rất khỏe về chuyện này. Đó là điều may mắn với tôi. Tôi nghĩ, ở quê bây giờ cũng phát triển rồi, các ông bà không còn quá nhiều định kiến đâu!

Với những cặp vợ chồng khác quê, chồng thích ở nhà nội, vợ  muốn được về ngoại. Làm sao giải quyết các mâu thuẫn đấy?

Thực ra, hai bên nội, ngoại đều quan trọng như nhau mà Tết thì chỉ có mấy ngày thôi, chúng ta phải biết phân chia. Tôi cho rằng một gia đình hạnh phúc, vợ chồng phỉa biết tôn trọng cả bên nội và bên ngoại như nhau. Nếu như khoảng cách quá xa, có thể Tết năm nay về nội, năm sau về ngoạ.. Còn ở gần có thể 3 ngày ở nhà nội, 3 ngày ở nhà ngoại hoặc ngược lại. Mình phải cân đối thời gian dành cho hai bên phù hợp.

Không cần quá máy móc là phải bằng nhau. Chúng ta có thể cân bằng theo điều kiện, đừng so đó quá, đừng so sánh giữa “nhà tôi, nhà anh” thì sẽ không mất đi hòa khí gia đình. Điều quan trọng hơn cả đó là tình yêu thương dành cho hai bên phải ngang nhau. Việc quan tâm cụ thể về tiền bạc, quà Tết, hay thời gian bên cạnh nhau… trong những ngày Tết chỉ nên mang tính tương đối thôi. Quá máy móc hay phải chia đôi, rạch ròi thì không phù hợp.

Nhưng, giữa mẹ chồng – nàng dâu vẫn thường có những rào cản khiến các cô sợ về nhà chồng?

Điều này rất phổ biến ở những nàng dâu mới vì giữa mẹ chồng và con dâu chưa hòa hợp với nhau, chưa hiểu nhau nên nhiều chuyện bất đồng. Tôi thường chia sẻ với những cô dâu mới một điều là, dù mẹ có khó bao nhiêu thì cũng nên nghĩ, mẹ khó chỉ vì mẹ yêu thương gia đình nhỏ bé của con trai mẹ. Mình cũng là vợ của con trai mẹ, mà con trai mẹ lại quan trọng với mẹ. Thấy con mình thương vợ, tự nhiên trong bà sẽ hẫng hụt vì rõ ràng mối quan tâm của con trai dành cho mình đã không còn như xưa. Bà sẽ có chút này kia không được vui. Hãy thông cảm cho người già.

Không quá khó để dung hòa chuyện mẹ chồng, nàng dâu. Các nàng dâu cần nhớ đó là hãy đặt mình vào địa vị của mẹ chồng, để cảm thông, để chín bỏ làm mười để cho những thái độ đôi khi là hơi vô lý. Nhất là các trường hợp dâu lại khác vùng miền, dễ xảy ra rất nhiều xung đột về văn hóa. Để giải quyết vấn đề này, các nàng dâu nên chủ động nói chuyện với mẹ chồng. Người lớn rất muốn được hỏi để họ chia sẻ kinh nghiệm. Vì vậy các nàng nên khôn khéo hỏi, chia sẻ để mẹ chồng chỉ bảo. Làm được điều này thì tình cảm của mẹ chồng và nàng dâu thêm gắn kết.

Tien si Tam ly Pham Thi Thuy: Dung de phu nu “quay cuong” trong Tet
Để có tâm thái thật là thoải mái thì phụ nữ cần phải được giải phóng bớt công việc gia đình trong những ngày Tết hơn, thay vì quay cuồng, tất bật sắm sửa, trang hoàng...

Hình như, với chị, Tết là một dịp rất đặc biệt?

Tôi rất trân trọng những dịp Tết vì tôi còn bố mẹ đẻ, còn bố mẹ chồng, còn quê hương, còn họ hàng, còn bạn bè, thầy cô ở quê để về. Nhiều người bạn của tôi không còn ba mẹ, họ muốn về quê dịp Tết cũng không biết để làm gì! Đây là những năm tháng mà tôi cho rằng mình đang vô cùng hạnh phúc. Vì tôi còn được trông ngóng Tết.

Riêng năm nay thì sao? Mong ước, động lực của chị trong năm mới?

Tôi chỉ mong một chữ “an” thôi. Mong được an hòa, muốn được bình an, muốn mọi người xung quanh an hòa với nhau, muốn sự an bình bên trong mình để có thể trao cho mọi người những an vui trong cuộc sống. Công việc hiện tại của tôi là tham vấn tâm lý và giảng dạy. Cả hai công việc đều giúp mọi người tích cực, và giúp cho người ta giải tỏa những tiêu cực. Nếu trong tôi không “an”, tôi đi dạy mà tôi cáu gắt thì học trò tôi học không tốt được. Phương pháp sư phạm của tôi là giúp mọi người cũng tham gia, cùng chia sẻ, cùng động não, cùng thực hành. Nếu giáo viên không có sự bình an nhất định, thì khi tiếp xúc với học sinh cũng không hiệu quả. Cho nên điều mong muốn nhất của tôi bây giờ đó là chữ “an”. “Tâm an trí sáng”. Khi có bình an, ai cũng sẽ làm được những điều mình mong muốn. Tôi tin vậy.

Xin cảm ơn chị về những chia sẻ này!