Ảnh: zing.vn
Tiền nhiều để làm gì?
Có thể là tiền mua được hạnh phúc. Nhưng có nhiều tiền hơn không có nghĩa là bạn sẽ cảm thấy hạnh phúc hơn mỗi ngày. Nó sẽ không khiến bạn yêu thích công việc của mình hơn hay gần gũi với bạn bè và gia đình hơn...
Động lực của đồng tiền
HappyK, một đầu bếp gốc Sri Lanka, chuyên gia tư vấn và sáng tạo thực đơn ẩm thực cho các hãng hàng không quốc tế, không bao giờ quên cái ngày ông nhận được thông tin hãng hàng không nổi tiếng ở Úc, nơi ông cùng rất nhiều đồng nghiệp gắn bó và cống hiến thông báo việc họ phá sản.
Từ vị trí quản lý cấp cao, đột nhiên mất việc, HappyK bắt đầu suy nghĩ lại về mục đích sống của mình. Đi làm, kiếm tiền, tiêu tiền, tiết kiệm được nhiều tiền rồi sao nữa? Câu hỏi ấy trở thành nỗi day dứt, tận cho đến khi ông tìm được câu trả lời: Kiếm nhiều tiền để vui sống.Với kim chỉ nam này, HappyK bắt đầu khởi nghiệp. Đến 16 năm sau, ông sở hữu 4 công ty ở Úc. “Nhiều tiền để sống thoải mái hơn, đó là điều chắc chắn. Nhưng nhiều tiền không hẳn sẽ mang lại hạnh phúc hay niềm vui. Nếu bạn kỳ vọng và lấy điều đó làm động lực để lao vào công cuộc kiếm sống thì tôi chắc chắn, bạn sẽ vỡ mộng”, CEO HappyK Solutions khẳng định.
Gầy dựng thành công “đế chế” của mình ở Colombo, sau đó là Thụy Sĩ và Úc, ít ai biết, HappyK cũng đã có hơn 10 năm đi, về Việt Nam để tham gia các dự án ẩm thực, đặc biệt ở Hội An. Nguyên nhân là mảnh đất miền Trung khiến ông cảm thấy có nhiều năng lượng, nhiều niềm vui. “Khi lao động hay kinh doanh mà cảm nhận được những điều tích cực, chúng ta cũng sẽ hăng say hơn, thăng hoa hơn. Vậy là sẽ kiếm được nhiều tiền hơn!”, HappyK nói và cười.
Trong tính toán của HappyK, tất nhiên, không thiếu những con số về lợi nhuận. Bởi vì, bất cứ một doanh nhân nào khi tham gia thương trường đều sẽ hướng đến mục tiêu kiếm tiền. “Bản chất kinh doanh là lợi nhuận - tức là tiền. Và chỉ khi kiếm được tiền, thì các mục tiêu khác của doanh nghiệp mới có thể thực hiện được”, ông Nguyễn Tuấn Quỳnh, CEO Saigonbooks, nhận xét. Tất nhiên, nhiều doanh nghiệp vẫn hướng tới những mục tiêu khác nhưng tiền vẫn phải là câu chuyện đầu tiên.
Khởi nghiệp sau một quá trình điều hành các doanh nghiệp lớn, ông Quỳnh quyết định kinh doanh sách và nghĩ nhiều về giá trị xã hội do sách mang lại. Khi bắt tay vào khởi nghiệp, tiền không phải là động lực kinh doanh chính của ông. Và đây chính là sai lầm.
“Kinh doanh mà không có động lực mạnh mẽ về kiếm tiền, dễ dẫn đến những quyết định gây lãng phí hoặc không hiệu quả”, ông Quỳnh nói. Sau những va vấp ban đầu, việc kinh doanh của Saigonbooks đã phải điều chỉnh lại. Bây giờ, động lực lớn nhất của Saigonbooks là kinh doanh hiệu quả, nghĩa là, phải kiếm được tiền, Công ty phát triển bền vững, đời sống vật chất, tinh thần của thành viên trong Công ty được nâng cao, sản phẩm, dịch vụ đáp ứng được yêu cầu của xã hội.
Cán cân tiền - hạnh phúc
Phiên tòa ly hôn của gia đình ông bà chủ Trung Nguyên khiến dư luận dậy sóng. Ngoài yếu tố tình, lý hay khối tài sản khổng lồ của những người nắm giữ thị phần cà phê lớn nhất Việt Nam, dư luận còn “ám ảnh” bởi câu hỏi của ông chủ Trung Nguyên: “Tiền nhiều để làm gì?”.
Rất nhiều người trích dẫn lại câu nói ấy và tách rời ngữ cảnh của nó. Ai cũng hiểu, không phải ông Vũ hỏi cách xài tiền khi có nhiều mà thể hiện nỗi đau, khi tiền và hạnh phúc gia đình trong trường hợp này không đi cùng với nhau. Nhưng, nếu chỉ đặt riêng câu hỏi, tiền nhiều để làm gì? “Tiền nhiều để làm được nhiều điều tốt đẹp cho mình và cho đời. Những tỉ phú thế giới, những người thành công trong xã hội biết nghĩ cho cộng đồng, đều có những cách sử dụng tiền hợp lý”, ông chủ Saigonboks nhấn mạnh.
Một khảo sát ở Mỹ công bố trên CNBC cho biết, tác dụng xoa dịu tinh thần, giảm cảm xúc tiêu cực được tiền bạc “xoa dịu” dần, thấp từ mốc thu nhập bình quân 70.000 USD/năm, rất thấp ở mức 160.000USD và gần như bằng 0 ở mức 200.000USD. Nếu là ở Việt Nam, con số này chắc chắn sẽ thấp hơn. Và sẽ thấp hơn nữa ở các quốc gia khó khăn khác. “Hạnh phúc không hoàn toàn tỉ lệ thuận với thu nhập bởi nó không chỉ đến từ việc kiếm tiền mà còn từ việc xài tiền”, ông Quỳnh chia sẻ.
Vợ chồng tỉ phú Bill Gates, một trong số ít những gia đình giàu có nhất trong lịch sử loài người, quyết định chỉ để 0,05% tài sản thừa kế cho con. Trên đống tài sản hiện có, họ vẫn cần nhận thêm nhiều tiền đóng góp của người khác đặc biệt từ tỉ phú Warren Buffett để thực hiện mục tiêu của cuộc đời mình: các dự án vì cộng đồng.
Trên trang cá nhân của mình, ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Chứng khoán Sài Gòn (SSI) nhận xét: “Như vậy, rõ ràng người giàu nhất thế giới cũng cần thêm tiền. Chỉ những người coi tiền là mục tiêu, họ bất chấp để kiếm tiền, họ thấy vui khi con số ngày càng lớn, họ hạnh phúc khi thấy của cải ngày càng nhiều thì đến một lúc sẽ không trả lời được nhiều tiền để làm gì? Với những người có mục tiêu, có giấc mơ thì càng nhiều tiền càng tốt, tốt cả cho giấc mơ của họ và tốt cả cho mọi người”.
Dĩ nhiên một mục tiêu lương thiện, một giấc mơ lương thiện thì phải dùng nguồn tiền lương thiện. Vậy thì tốt nhất, giống như Bill Gates, biến mục đích của mình thành giấc mơ chung của mọi người để kêu gọi những người đồng chí hướng đóng góp thực hiện.
“Có nhiều tiền thì làm được rất nhiều, chứ không phải tiền nhiều để làm gì! Tất cả phụ thuộc vào mục tiêu của cá nhân”, ông Hưng khẳng định.