Thung lũng Silicon nói về 3 loại thất bại trong cuộc sống
Cảm giác thất bại rất tồi tệ, cho dù là làm hỏng một buổi thuyết trình, tính sai một bài toán hay thất bại trong một cuộc phỏng vấn. Dù nhiều chuyên gia ở Thung lũng Silicon luôn thuyết giảng về tầm quan trọng của thất bại (thất bại là mẹ thành công), ta vẫn thường tự trách bản thân về các thất bại trong cuộc sống hàng ngày. Khi chúng ta làm hư việc gì đó, đa số chúng ta thường đổ lỗi cho bản thân, cảm thấy tồi tệ, sau đó lại tự biện minh “Không phải tại mình, tại họ”.
Nhưng thực sự, thất bại cho ta cơ hội vô giá để học tập và phát triển. Nhưng để rút ra được bài học nào đó, chúng ta không chỉ phân tích kết quả thất bại mà còn tìm hiểu bản thân của thất bại lần này.
Đây là bước mà đa phần mọi người bỏ qua, theo Amy Edmondson, giáo sư về lãnh đạo và quản lý tại Đại học Harvard. Chìa khóa của việc phân tích thất bại một cách có hiệu quả chính là nhận ra không phải mọi thất bại đều giống nhau. Theo nghiên cứu của bà Edmondson, có 3 loại thất bại riêng biệt, trong đó có cái có thể làm bạn tự vấn chính mình hoặc xấu hổ, nhưng có cái lại không.
Thất bại có thể ngăn ngừa
Loại đầu tiên chính là “Thất bại có thể ngăn ngừa”, và đúng như tên gọi của nó, đây là loại thất bại mà bạn có kiến thức và kỹ năng để ngăn ngừa từ trước.
Trong công việc, “Thất bại có thể ngừa trước” thường liên quan tới việc làm chệch khỏi các hướng dẫn chặt chẽ của môi trường làm việc có khối lượng cao hoặc các hoạt động theo quy trình trong công nghiệp sản xuất hoặc dịch vụ. Với sự đào tạo và hỗ trợ phù hợp, nhân viên có thể tuân thủ các quy trình đó một cách nhất quán. Khi có lỗi xảy ra, lý do thường là làm lệch khỏi quy trình, thiếu chú ý, hoặc thiếu khả năng. Nhưng trong những trường hợp như vậy, nguyên nhân có thể dễ dàng được xác định và đề ra biện pháp giải quyết.
Đa phần các thất bại thuộc loại này được xem như thuộc loại “xấu”. Ngoài lĩnh vực công việc, “thất bại có thể ngăn ngừa” có thể là bị điểm kém trong một bài kiểm tra mà bạn chưa học bài, mặc dù bạn hiểu được môn học đó. Cảm thấy bản thân mình tồi tệ sau khi mắc phải những sai lầm này là hợp lý và cần thiết, vì các lỗi này thường là do lười biếng, tự cao hay không chịu làm theo hướng dẫn.
Để giảm thiểu thất bại có thể ngăn ngừa, đặc biệt là trong công việc, bà Edmonson đề nghị dùng các danh sách việc cần làm theo quy trình. Một biện pháp khác là áp dụng hệ thống Toyota Production System, hệ thống kiểm soát chất lượng của nổi danh của Toyota, cho phép việc liên tục học hỏi từ các thất bại nhỏ.
Thất bại phức tạp
“Thất bại phức tạp” là người anh em họ xa phức tạp hơn của “thất bại có thể ngăn ngừa”. Các thất bại loại này có nhiều tiềm năng thúc đẩy việc học tập từ sai lầm hơn tại nơi làm việc:
“Thất bại phức tạp” xảy ra khi chúng ta có đủ kiến thức về những gì cần làm. Chúng ta có các quy trình và giao thức, nhưng những yếu tố khách quan và chủ quan kết hợp với nhau đã tạo nên thất bại. Các thất bại này thường xuyên xảy ra trong lĩnh vực y tế, nơi có thường có sự biến động và phức tạp trong môi trường khiến mọi chuyện đều có thể xảy ra.
Theo bà Edmondson, thất bại phức tạp có thể xem như là không thể tránh khỏi, khiến khó có thể xác định ai là người có lỗi. Chúng có thể xảy ra khi có sự kết hợp cụ thể giữa nhu cầu, con người và các vấn đề đồng thời xảy ra khi trước đó chưa xảy ra bao giờ. Giống như xử lý phòng cấp cứu trong bệnh viện, điều hành một doanh nghiệp khởi nghiệp đang phát triển nhanh có thể gặp phải nhiều tình huống không lường trước được.
Bà Edmondson cho biết sẽ phản tác dụng nếu cho rằng các thất bại này là “xấu”, vì chú ý các thất bại nhỏ thuộc kiểu này có thể giúp ngăn ngừa các lỗi lầm khác trong tương lai.
Thất bại về tri thức
Đây là kiểu thất bại thú vị nhất, nếu xét về khả năng học hỏi sau thất bại. Đây là loại thất bại mà các nhà khởi nghiệp ở Thung lũng Silicon nhắc đến tán dương “thất bại nhanh chóng” hay “thất bại nhưng tiến về phía trước”. “Thất bại tri thức” xảy ra khi cần thiết phải có thử nghiệm, khi câu trả lời chưa được biết trước vì tình huống này chưa bao giờ xảy ra trước đây hoặc sẽ không bao giờ xảy ra một lần nữa. Thông thường, các thất bại kiểu này thường xảy ra khi chúng ta làm việc trong một môi trường không quen thuộc, hoặc một lĩnh vực còn mới mẻ chưa được khám phá trong cả ngành công nghiệp nói chung.
Ví dụ, một “thất bại tri thức” xảy ra khi bạn tung ra một sản phẩm chưa hề có trước đây, và thất bại. Hoặc bạn phát hiện ra một loại thuốc mới, tạo ra một mô hình kinh doanh hoàn toàn mới hoặc thử nghiệm phản ứng của khách hàng với sản phẩm mới, và các thử nghiệm này không thành công. Trong tình huống này, theo bà Edmondson, bạn nên cho tất cả mọi người biết về thất bại của mình. Nếu chúng ta không nói về “thất bại tri thức”, rất có khả năng người khác sẽ lập lại chính xác thất bại đó, điều này sẽ khiến các tổ chức, cũng như cá nhân trở nên thiếu hiệu quả dần qua thời gian.
“Thất bại thuộc loại này nên được coi là ‘tốt’, vì nó cung cấp các kiến thức mới có giá trị giúp một tổ chức có thể nhảy vọt so với các đối thủ và bảo đảm phát triển trong tương lai. ‘Thử và sai’ là một cách nói thông dụng khi nói về các loại thử nghiệm cần thiết cho các tình huống có thể gây ra thất bại trí tuệ, nhưng đây là một cách nói sai lầm, vì chữ ‘sai’ ám chỉ rằng có một kết quả ‘đúng’ngay từ ban đầu. Khi nghiên cứu các giới hạn mới của một ngành, các loại thử nghiệm hợp lý có thể nhanh chóng đưa ra các thất bại ‘tốt’. Các nhà quản lý có thể dùng các thử nghiệm này để tránh việc thực hiện các thử nghiệm có quy mô lớn quá mức cần thiết.
Tóm lại, mọi thất bại đều cần phải được xem xét lại chứ không phải bỏ qua. Và đôi khi cũng cần phải cảm thấy tồi tệ khi thất bại, nhưng chỉ nên thoáng qua chứ không phải là mãi mãi. Đa phần trong các trường hợp, thất bại là cách để bạn học được kiến thức mà bạn chưa từng có trước đây, và kiến thức chính là sức mạnh.
Nguồn Quartz