Thư viện sách sống
Thư viện mà ở đó không có sách, không có quầy kệ, chỉ có người, nhưng bạn vẫn có thể học được nhiều điều thú vị.
Thư viện sách sống (Human Library) lần đầu tiên xuất hiện trên thế giới vào năm 2000, tại Copenhagen (Đan Mạch). Lúc bấy giờ, Ronni Abergel, nhà sáng lập ra Human Library chỉ đơn giản là muốn tranh thủ một lễ hội ở địa phương để kết nối mọi người lại với nhau, bất kể thuộc thành phần nào, để cùng ngồi xuống và đọc lấy câu chuyện của nhau.
Mỗi người là một câu chuyện
Theo quan điểm của người sáng lập, đời mỗi người là một câu chuyện đặc sắc. Nhưng Ronni Abergel có những ưu tư hơn đến những đối tượng đặc biệt, chịu những thiệt thòi, kỳ thị trong xã hội. Đó có thể là người mắc chứng rối loạn căng thẳng, bị chấn thương tâm lý, mắc bệnh tự kỷ.
Đó có thể là một người tị nạn, người vô gia cư, một người từng trong băng đảng, một người đa ái, người chuyển giới hay thậm chí là người bán dâm... Theo Ronni Abergel, tất cả họ đều bị cho là khác người và thường bị cô lập. Cái nhìn của xã hội về họ đa phần đều không chính xác. Trong khi tất cả họ đều có quyền tỏ bày, để giúp cộng đồng nhìn nhận đúng đắn hơn về họ. Nơi nào an toàn, tin cậy để giúp họ can đảm lên tiếng? Human Library đã ra đời vì mục đích đó.
Sau 4 ngày thử nghiệm, cả Ronni Abergel, các nhà tổ chức đều kinh ngạc trước những ảnh hưởng tích cực của Human Library. “Bạn sẽ khó mà diễn tả được hết cảm xúc nếu bỗng nhiên thấy một sĩ quan cảnh sát ngồi đàm đạo với một nghệ sĩ vẽ tranh đường phố, hay một cổ đông viên bóng đá nói chuyện với một người ủng hộ nữ quyền… Từ trước đến nay, những cuộc trò chuyện như thế hiếm khi có cơ hội xảy ra”.
Người đọc cũng cảm thấy bất ngờ khi tiếp cận các đầu sách sống. Họ không ngờ những hiểu biết của mình với thực tế bên ngoài lại có nhiều khác biệt đến thế. Họ nhận ra, những gì tưởng đã tận tường hóa ra vẫn là chẳng hiểu gì. Họ thấy, chính họ, trong tiềm thức nào đó, vẫn giữ trong lòng những tư tưởng phân biệt, thậm chí ghét bỏ. Rời khỏi thư viện sách sống, người ta ý thức bản thân phải thận trọng hơn trong việc đánh giá, học cách tôn trọng sự đa dạng, khác biệt trong một thế giới rộng lớn, bao la.
Sau lần ra mắt thành công, hoạt động Human Library nhanh chóng được nhân rộng, lan sang nhiều nước như Mỹ, Nam Phi, Sudan, Chile, Israel… Vào năm 2016, lần đầu tiên, Việt Nam cũng đã tổ chức dự án Human Library tại Hà Nội. Người mang Human Library về Việt Nam là Lê Anh Thư, du học sinh Đại học Oberlin, Mỹ.
Khi Lê Anh Thư chỉ 17 tuổi và đang học lớp 11 ở Mỹ, cô lần đầu đến với thư viện sách sống. Kết thúc giờ tham gia thư viện ấy, trong cô là những xúc động dạt dào. Lê Anh Thư kể, cuốn sách đầu tiên cô đọc là “người phụ nữ béo”. Mà người ấy béo thật, nặng nề, di chuyển đầy khó khăn. Nhưng lạ lùng thay, cô ấy béo nhưng sống rất khỏe mạnh, vui vẻ, năng động và hạnh phúc. Xưa nay, Lê Anh Thư luôn bị ám ảnh về cân nặng nên khi trò chuyện với người phụ nữ ấy, cô ngỡ ngàng không ít.
Cuộc trò chuyện chỉ khoảng 20 phút, không nói gì to tát, sâu sắc nhưng vẫn đủ khiến Lê Anh Thư thay đổi hoàn toàn cách nhìn về ngoại hình một người. Cô đã học được một bài học rằng, không có gì là sai khi bạn chấp nhận, yêu thương từng phần, từng mảng chưa hoàn hảo của bản thân. Đó chính là bước đầu tiên để có thể sống có ích, sống tích cực, sống hạnh phúc, bất kể những người xung quanh bạn nghĩ gì, nói gì.
Cuốn sách thứ hai Lê Anh Thư tìm đến là một cựu chiến binh sau chiến tranh Việt Nam. Cô muốn tìm hiểu thêm về những mất mát từ cuộc chiến, với một tâm trạng có phần định kiến và hậm hực. Nhưng khi ngồi đối diện với người đàn ông trung niên có đôi mắt xanh mờ như bầu trời u ám, khi nhìn thấy một con người đã bị mất đi một phần thân thể, Lê Anh Thư không còn muốn giữ sự thù địch nữa.
Cô và ông đã nghe, đã kể và đã khóc. Một cô gái Việt Nam và một người đàn ông Mỹ, vô tình gặp mặt ở một trường đại học xa lạ, trong một ngày mùa đông lạnh lẽo. Họ trò chuyện và đồng cảm với nhau hơn. Họ nhận ra rằng, những gì đã qua, bất kể đúng sai đều nên khép lại, để sống thanh thản và nhẹ nhàng.
Ngoài hai đầu sách đó, Lê Anh Thư còn có duyên đọc được những cuốn sách sống ý nghĩa khác, từ người từng chết hụt, người có ông bà từng sở hữu nô lệ, người con của kẻ nghiện rượu, hay người đang đấu tranh với chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế. Cảm nhận của Lê Anh Thư là các sách ấy quá thật, đều là những trải nghiệm thật sự, những hạnh phúc, đau khổ thật, rất ý nghĩa và có ích cho người đọc. Lê Anh Thư bị ấn tượng với những cuốn sách sống ấy và quyết định đem dự án về Việt Nam. Cô đã liên lạc với tổ chức Human Library ở Đan Mạch và được cấp bản quyền.
Human Library đã lan tỏa
Từ năm 2016 đến nay, Lê Anh Thư và các cộng sự đã tổ chức được 3 lần Human Library ở Hà Nội và TP.HCM. Lần gần nhất trúng vào ngày U23 Việt Nam đá chung kết giải Cup Châu Á (27.1-28.1.2018). Mặc dù vậy, những đợt mở cửa thư viện của Human Library đều đông, thu hút hàng ngàn người tới.
Ở mỗi đợt như vậy, trung bình có 20-25 đầu sách tham gia, với nhiều chủ đề liên quan đến giới tính (vô tính, BDSM, giáo dục giới tính, quấy rối tình dục...), tâm lý (trầm cảm, bệnh tâm lý, tự kỷ..), nghề nghiệp (doanh nhân, nhà báo, nghiên cứu lịch sử, thợ xăm, làm nông nghiệp...) hoặc các vấn đề khác (ăn chay...). Mỗi nhóm từ 3-5 người chỉ có khoảng 20 phút để đọc một đầu sách. Theo Lê Anh Thư, đó là khoảng thời gian vừa đủ để tìm hiểu, giải đáp một số thắc mắc. Ban tổ chức không thể kéo dài thêm thời gian vì còn phải tính toán sao cho sách đến được với nhiều người khác.
Hoạt động của Human Library Việt Nam được Viettel tài trợ toàn bộ nên Lê Anh Thư không phải lo lắng về vấn đề kinh phí tổ chức. Human Library cũng tổ chức được đội ngũ hàng trăm cộng tác viên cùng tham gia dự án. Nhưng cái khó cho Lê Anh Thư là không dễ tìm những địa điểm đọc sách rộng rãi. Khó hơn nữa là thuyết phục các cá nhân nhận làm đầu sách. Theo Lê Anh Thư, khác với các nước, ở Việt Nam vẫn chưa thật cởi mở về nhiều vấn đề mà xã hội cho là nhạy cảm. Vì thế, sự e ngại là có, từ phía đầu sách lẫn người đọc. Ví dụ như Lê Anh Thư muốn trực tiếp đọc sách sống từ một người nhiễm HIV và muốn thuyết phục họ tham gia vào dự án nhưng đến nay cô vẫn chưa thể làm được.
Mặc dù vậy, với 3 lần tổ chức, hiệu ứng từ Human Library đã lan tỏa tại những nơi thư viện sách sống này xuất hiện. Sắp tới, Human Library Việt Nam dự định sẽ mở rộng hoạt động ra Đà Nẵng. Dù mở rộng như thế nào, Lê Anh Thư khẳng định, Human Library sẽ là nơi bênh vực và đại diện cho những người yếu thế trong xã hội. Tham vọng của Human Library Việt Nam là dần dần tạo chuyển biến thay đổi trong cách nhìn nhận và tiến tới xóa bỏ các định kiến xã hội. Bên cạnh tổ chức thư viện sách sống, Human Library còn có những hoạt động bên lề như lập diễn đàn trao đổi, làm các video theo chủ đề, tổ chức triển lãm tranh.
Cá nhân Lê Anh Thư vẫn sắp xếp giữa lịch học và tổ chức dự án. Cô phải tranh thủ các kỳ nghỉ học (nghỉ hè, nghỉ đông...) để về Việt Nam cùng đội ngũ tổ chức thư viện. Nhưng là một sinh viên theo học chuyên ngành nữ quyền, giới tính và tình dục, Lê Anh Thư thấy vui với dự án Human Library.