Hoàng Linh Lan Thứ Bảy | 20/01/2018 09:00

Thời trang hợp thời để được hợp... đồng

Cách ăn mặc không nói lên chính xác năng lực và độ tin cậy của một người, nhưng nó lại tác động đến cảm nhận trực giác của những người xung quanh.

Gắn với hình ảnh thương hiệu

Người xưa có câu “Ăn cho mình, mặc cho người”. Cách ăn mặc không nói lên chính xác năng lực và độ tin cậy của một người, nhưng nó lại tác động đến cảm nhận trực giác của những người xung quanh.

Một nữ doanh nhân ngành hàng không luôn được khen ăn mặc chỉn chu, hợp thời, trong khi một nam doanh nhân ngành đồ uống lại bị chê là “thêu rồng vẽ phượng” không giống ai. Không biết có phải do ăn mặc hay không mà hai thương hiệu của hai doanh nhân này cũng đi theo hai hướng khác nhau: hàng không thì đi lên tích cực, còn nước uống thì vẫn bị nhiều người tiêu dùng tẩy chay.

Không hẳn là do “ghét nhau ghét cả đường đi lối về” mà thực tế trang phục phản ánh nhiều về bản thân người mặc hơn bạn nghĩ. Từ việc giới thiệu bạn là ai, đến từ đâu, cho đến cung cấp thông tin: làm công việc gì, tính cách, phông văn hóa, gu thẩm mỹ, sở thích, thói quen, tâm trạng, thậm chí mức thu nhập...

Nó ảnh hưởng không nhỏ đến sự nghiệp cũng như ấn tượng đầu tiên của người khác về bạn. Với công chức, chính trị gia, doanh nhân... trang phục tuân theo quy tắc trang nhã, kín đáo và lịch lãm theo bộ quy ước nhất định. Nó toát lên sự chuyên nghiệp, trách nhiệm, uy tín, chuẩn xác và đáng tin cậy.

Darlene Price, với vai trò nhà tư vấn cho các giám đốc, đã dành hơn 20 năm quan sát và nhận ra một trong số những trở ngại thường gặp nhất trên con đường sự nghiệp là cách ăn mặc không phù hợp tại nơi làm việc và trong phòng họp. Bà phát biểu: “Nhiều người thông minh, tài giỏi và có năng lực nhưng không được xem trọng vì những gì họ thể hiện ra ngoài chưa đúng với giá trị của mình.

Thoi trang hop thoi de duoc hop... dong
 

Vẻ ngoài thiếu chuyên nghiệp là thứ kìm chân họ lại. Cách ăn mặc không nói lên chính xác năng lực và độ tin cậy của một người, nhưng nó lại tác động đến cảm nhận trực giác của những người xung quanh về người đó”. Đối với giới doanh nhân, là người đại diện cho doanh nghiệp, thương hiệu sản phẩm, sự lịch lãm và phù hợp thể hiện ở ngoại hình cũng quan trọng như việc giữ gìn thương hiệu doanh nghiệp.

Tuy nhiên, có thể thấy không ít doanh nhân Việt phớt lờ quy ước này. Lý giải điều này, nhà thiết kế Sĩ Hoàng cho rằng, đa phần doanh nhân Việt hiện nay ở độ tuổi 45-50 trở lên. Đó là thế hệ sinh ra và trưởng thành trong chiến tranh nên khi hội nhập làm ăn, chưa chú trọng nhiều đến việc ăn mặc.

Dễ bắt gặp hình ảnh doanh nhân chọn trang phục theo sở thích, cái tôi cá nhân hơn là chú trọng đến không gian, tính chất sự kiện họ xuất hiện, từ đó dẫn đến những tình huống dở khóc dở cười: dự hội nghị, gặp gỡ đối tác, nhiều doanh nhân ăn vận như đi dạ hội, tiệc cưới. Kể cả những doanh nhân ăn nên làm ra, có người tư vấn trang phục riêng vẫn mắc phải những khuyết điểm vừa nêu do thuê nhầm người tạo phong cách (stylist) đậm chất nghệ sĩ hoặc vì cái tôi của người mặc quá cao, stylist đành buông xuôi chiều theo ý họ.

Có cần stylist chuyên nghiệp?

Nhà thiết kế Sĩ Hoàng chỉ ra 3 sai lầm trong ăn mặc mà người làm kinh doanh không bao giờ được mắc phải: chạy theo thời trang một cách nhiệt tình, tự đề cao sự hấp dẫn của bản thân và cho phép nguồn gốc xuất thân ảnh hưởng đến phong cách ăn mặc. Đấy chính là những lực đẩy gián tiếp gây thất bại trong việc tạo lập mối quan hệ kinh doanh. “Làm sao đối tác có thể ký hợp đồng với bạn nếu đứng trước mặt họ là một người lôi thôi, luộm thuộm hoặc một người ăn mặc khoe da thịt? Họ có quyền nghi ngờ tài năng, thậm chí là nhân cách của bạn”.

Nhà thiết kế Sĩ Hoàng chia sẻ một kỷ niệm vui. Trong lần anh tư vấn phong cách ăn mặc cho khách hàng, một nam doanh nhân đứng lên: “Nhưng không phải năng lực mới là quan trọng ư?”. Sau đó vị này nêu ví dụ một vị tỉ phú Hồng Kông suốt ngày chỉ mặc áo thun, quần cộc. Sĩ Hoàng phản biện: “Chỉ khi nào bạn trở thành tỉ phú và có ảnh hưởng đã. Nhưng, ngay cả như vậy cũng không có nghĩa là vị tỉ phú đó bất chấp mọi nguyên tắc trong những môi trường đòi hỏi tính trang trọng”.

Theo nhà thiết kế Sĩ Hoàng, không có nhiều sự khác biệt giữa trang phục dành cho giới chính khách và trang phục của doanh nhân. Bởi lẽ, nếu chính khách có những quyết định trọng yếu ảnh hưởng đến vấn đề cốt lõi của một quốc gia trong một môi trường giao tiếp đặc trưng thì người làm kinh doanh có những quyết định ảnh hưởng đến kinh tế, công ty mà họ đại diện trong không gian tương tự. Hình ảnh của doanh nhân chính là hình ảnh của doanh nghiệp. “Do đó, nếu không có tiền thuê một stylist riêng, hãy chịu khó quan sát và học hỏi. Chỉ cần mở tivi lên hoặc Google”, nhà thiết kế Sĩ Hoàng tư vấn.

Để không rập khuôn, nhàm chán và cũng tránh quyến rũ, gây chú ý không đúng chỗ, cần lưu ý thêm một số quy tắc được chuyên gia tạo phong cách Bùi Việt Hà gợi ý khái quát. Chẳng hạn, tuân theo quy tắc ăn mặc chung, nghĩa là hiểu rõ tính chất sự kiện bạn tham dự và tuân theo quy chuẩn chung, đừng tách rời khỏi phong cách được chấp nhận. Với nữ doanh nhân, hãy luôn nằm lòng: kiểu lãng mạn, công chúa, đồng quê, thể thao... đều không phù hợp khi bạn giao dịch, gặp gỡ đối tác.

Thoi trang hop thoi de duoc hop... dong
Doanh nhân Việt Nam ngày càng chú trọng tới phong cách chuyên nghiệp- Ảnh: Bazaar

Bên cạnh đó, đừng lạm dụng đồ trang sức, hãy tránh các trang sức hào nhoáng, sặc sỡ như nhẫn, xâu khuyên cơ thể, phụ kiện rườm rà, rối mắt. Vài món trang sức được chấp nhận trong môi trường kinh doanh là nhẫn cưới, hoa tai, đồng hồ đeo tay. Màu sắc thì hướng đến những màu nhã nhặn, đơn sắc như trắng, xám, xanh, đen... khi mặc vest, đeo cravat. Hoa văn với áo sơ-mi hãy bảo đảm chúng không quá to hoặc kỳ quái.

Với nữ doanh nhân, các gam màu nhạt, màu trung gian, màu gợi sắc thiên nhiên (cát, đá, nước, cỏ cây...) sẽ làm tăng thêm tính đa dạng cho trang phục. Tuy nhiên, hãy lưu ý rằng, không nên kết hợp quá 3 màu nếu không muốn những người xung quanh hoa mắt. Về thời trang thì chú ý đến cả những đường cắt may: vừa vặn, không quá rộng cũng không quá chật, không quá dài cũng không quá ngắn. Đường cắt nhấn mạnh các góc thay vì làm nổi bật đường cong. Tất cả phải tôn hình dáng cơ thể và giúp người mặc tự tin. Với nữ, váy không cao quá gối; đầm không để lộ nhiều phần vai, cổ và cánh tay.

Tất nhiên, phải chăm sóc bản thân: tóc sạch sẽ, chải gọn gàng, cắt tỉa móng tay. Chú ý sau khi ăn, răng có còn dính thực phẩm. Nếu có mùi cơ thể thì hãy luôn giữ cơ thể sạch sẽ, dùng kèm nước hoa hoặc lăn khử mùi để giảm thiểu. “Đừng bỏ sót các chi tiết nhỏ: luôn nhớ rằng vớ, giày, túi, phụ kiện phải có màu sắc và kiểu dáng phù hợp với trang phục. Áo dài dự hội nghị thì không cần thêu kim tuyến, đính hạt lấp lánh, hoa văn lòe loẹt. Giày cao vừa phải, dễ di chuyển”, Bùi Việt Hà đúc kết.