Với sự phát triển cơ sở hạ tầng tại các địa phương như những năm qua, Việt Nam có nhiều thuận lợi phát triển glamping. Ảnh: inspiredcamping.com

 
Tú Cẩm Thứ Bảy | 04/12/2021 08:00

Thời của cắm trại hạng sang

Đầu tư dễ dàng và bắt đúng xu hướng, mô hình Glamping có cơ hội nở rộ tại Việt Nam.

Không cần sở hữu bất động sản, không đòi vốn đầu tư quá lớn, lại bắt đúng xu hướng nghỉ dưỡng thời dịch bệnh... Đây là những lý do khiến mô hình kinh doanh glamping trên thế giới cũng như tại Việt Nam đang nở rộ.

Được ghép bởi 2 từ “glamorous” (hào nhoáng) và “camping” (cắm trại), glamping là loại hình du lịch dã ngoại mà du khách nghỉ dưỡng trong chiếc lều lớn, đầy đủ tiện nghi không kém gì khách sạn. Lều glamping thông thường có diện tích từ 16 m2 trở lên, đủ để chứa cả giường và một số kệ tủ cơ bản; lều lớn có thể lên tới 50 m2, bao gồm bếp và nhà tắm. Dịch vụ này đem lại trải nghiệm kết hợp giữa khách sạn cao cấp và sự gần gũi với thiên nhiên, nên đặc biệt được ưa chuộng trong bối cảnh du khách không có nhiều lựa chọn về điểm đến và dịch vụ như trước khi dịch COVID-19 xuất hiện.

Với giá một chiếc lều từ dưới 10-40 triệu đồng và giá lưu trú từ 1-2 triệu đồng/người/đêm, nhà đầu tư cần có vốn khoảng 500 triệu đồng cho một khu glamping dưới 10 lều và 800 triệu đồng đến 1 tỉ đồng cho khu 20 lều. Địa điểm “hạ trại” thường thuê theo năm. Phần lớn chi phí nằm ở xây dựng công trình phụ, trang trí khu glamping, làm nhà hàng, quầy bar... Trước thực tế giá bất động sản và giá vật liệu tăng cao như hiện nay, việc đầu tư glamping dễ và nhanh hơn xây dựng homestay.

 

Vì vậy, chỉ trong khoảng 1 năm qua, hàng chục khu glamping đã đi vào hoạt động và được giới trẻ Việt Nam yêu thích như Tanyoli, Lalaland (Ninh Thuận), Twin Beans Farm (Lâm Đồng), Happy Ride (Mũi Né), Lak Tented Camp (Đắk Lắk), Zen Valley Đà Lạt, Là Nhà (Hà Nội), Glamping Nhà Bè (TP.HCM), Tropical (Đồng Nai)... Hình ảnh nhật ký của hàng loạt sao ca nhạc, phim ảnh nô nức trải nghiệm ngủ rừng, tắm suối... khiến thú vui cắm trại glamping thu hút giới trẻ Việt Nam hơn.

Theo anh Nghĩa Nguyễn, sáng lập khu cắm trại CampArt by #MợJen, CampArt là mô hình lạ và còn mới ở Việt Nam nói chung và Đà Lạt nói riêng, cộng với tình hình dịch năm ngoái khiến người dân không được đi du lịch nước ngoài nên trào lưu cắm trại mới dễ dàng bùng lên. Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng, thì cho biết, bên cạnh các sản phẩm du lịch truyền thống của tỉnh như du lịch sinh thái, tham quan, nghỉ dưỡng..., loại hình du lịch cắm trại dã ngoại đang được du khách, đặc biệt là giới trẻ ưa chuộng.

Sự phát triển của dịch vụ lưu trú mới đã kéo theo một số dịch vụ như sản xuất lều, các khóa học (online) để vận hành và kinh doanh glamping hiệu quả, dịch vụ set up glamping chuyên nghiệp từ ban đầu để chuẩn hóa dịch vụ. Hầu hết người kinh doanh và khách hàng của mô hình glamping đều trẻ nên việc bán dịch vụ trên OTA (đại lý du lịch trực tuyến), quảng cáo trên các mạng xã hội được thực hiện khá sôi động.

Ảnh: Facebook Twin Beans Farm
Từ năm 2019 trở về trước, đối tượng tham gia loại hình cắm trại này phần lớn là các cặp vợ chồng 1 con (45%); kể từ khi dịch bệnh hoành hành, xu hướng này trở nên thịnh hành hơn ở mọi độ tuổi. Ảnh: Facebook Twin Beans Farm

Theo báo cáo của North American Glamping, từ năm 2019 trở về trước, đối tượng tham gia loại hình cắm trại này phần lớn là các cặp vợ chồng 1 con (45%); kể từ khi dịch bệnh hoành hành, xu hướng này trở nên thịnh hành hơn ở mọi độ tuổi. Khi sang đến Việt Nam, glamping ban đầu có sức hút mạnh mẽ với giới trẻ và đang lan tỏa đến các độ tuổi khác.

Vì mô hình cắm trại glamping thường nằm ở các khu cách xa trung tâm và dân cư, nên chủ nhân phải phục vụ toàn bộ phần ăn uống, giải trí, dẫn đến việc quản lý sẽ phức tạp hơn so với quản lý homestay thông thường. Nói cách khác, trong mô hình kinh doanh này, con người đóng vai trò quan trọng hơn cả vốn đầu tư ban đầu. Đặc biệt, chủ đầu tư cũng phải nên tạo nhiều hoạt động vui chơi, tương tác như trekking, yoga, tiệc nướng, lặn ngắm san hô, xem phim ban đêm... để khách không bị chán khi ở nơi xa trung tâm và cũng để tăng doanh thu với một số hoạt động cộng thêm.

 

Tại các nước, glamping được khuyến khích phát triển do xây dựng theo hướng nương vào tự nhiên và sử dụng hiệu quả các nguồn lực tại chỗ. Mô hình này cũng là xu hướng của nhiều du khách yêu thiên nhiên. Ở Trung Quốc, nền tảng dữ liệu kinh doanh Tianyancha ghi nhận hơn 19.000 doanh nghiệp có liên quan đến cắm trại, ví dụ như cho thuê khu trại hay cung cấp thiết bị dã ngoại được thành lập trong một năm qua. 

Với sự phát triển cơ sở hạ tầng tại các địa phương như những năm qua, Việt Nam có nhiều thuận lợi phát triển glamping. Bên cạnh đó, sự đa dạng về phong cảnh: bãi biển, hướng núi, rừng thông, sông, thảo nguyên... cùng với số ngày nắng trong năm nhiều đều thích hợp cho việc tổ chức cắm trại hạng sang. Đặc biệt ở gần các điểm du lịch, cung trekking đi bộ đường dài, cung đạp xe... nếu có thể cung cấp dịch vụ glamping cho du khách thì sẽ tăng thêm giá trị cho điểm đến và cung đường.