Thị trường second hand lan rộng ở châu Á
Khi Stéphanie Crespin ra mắt StyleTribute, một website bán hàng xa xỉ đã qua sử dụng, vào năm 2013, người tiêu dùng vẫn còn tâm lý ái ngại về việc mua hàng đã dùng rồi. Đồ second-hand thường được cho là “có năng lượng xấu hoặc cảm xúc tiêu cực bám vào”, cô cho biết. Và họ cũng có cảm giác “xấu hổ” khi mua lại một món đồ cũ, vốn được cho là kém chất lượng.
Nhưng nay, sự hứng thú ngày càng gia tăng đối với những món đồ cũ, đi kèm với những thay đổi văn hóa trong cách cảm nhận về hàng đã qua sử dụng như trang sức cũ chẳng hạn. Chính điều này đang thúc đẩy sự bành trướng nhanh chóng của thị trường second-hand. Thị trường hàng xa xỉ second-hand toàn cầu hiện trị giá hơn 20 tỉ USD, chiếm xấp xỉ 10% mức tiêu thụ hàng xa xỉ trên toàn thế giới, theo một báo cáo của Berenberg Bank vào tháng 2.2018.
Đáng chú ý, cũng theo Berenberg, tốc độ tăng trưởng của thị trường xa xỉ second-hand sẽ qua mặt cả thị trường hàng xa xỉ nói chung vào năm 2020, ở mức 7-10% so với 3-4%. Trong khi thị trường hàng second-hand tương đối trưởng thành ở Nhật, chiếm 10% tổng mức chi tiêu hàng xa xỉ, nhưng tại Trung Quốc, ngành kinh doanh hàng second-hand vẫn còn sơ khai, chỉ chiếm 3%. Các nền tảng kỹ thuật số như Miao Hui Shou và Secoo đang giúp cải thiện niềm tin của người tiêu dùng vào việc mua hàng xa xỉ second-hand qua mạng và cũng thu hút các công ty danh tiếng của phương Tây đặt chân đến thị trường Trung Quốc.
“Chúng tôi chứng kiến tốc độ tăng trưởng đến 2, 3 con số ở thị trường châu Á dù không có bất kỳ hoạt động marketing nào ở khu vực này”, Fanny Moizant, đồng sáng lập kiêm Phó Chủ tịch châu Á - Thái Bình Dương của website bán hàng xa xỉ second-hand Vestiaire Collective (Pháp), nhận định. Trước nhu cầu tăng mạnh đối với hàng xa xỉ đã qua sử dụng tại châu Á, Vestiaire Collective đã quyết định mở một trung tâm ở Hồng Kông vào tháng 5.2017.
Trước đó, năm 2016, Collector Square, một website trực tuyến khác của Pháp chuyên về túi xách, đồng hồ và trang sức second-hand, đã bắt tay với nhà phân phối Trung Quốc Bluebell để mở một cửa hàng ở Hồng Kông chuyên phục vụ khách hàng châu Á, hiện chiếm khoảng 15% khách hàng của Hãng.
Động lực cho sự tăng trưởng của thị trường hàng xa xỉ second-hand ở châu Á chính là sự thay đổi về quan niệm của thế hệ millennial - nhóm khách hàng nhanh chóng vứt bỏ những định kiến của các thế hệ đi trước họ.
Thông điệp về tính bền vững và sự ca ngợi di sản lâu đời của các thương hiệu đang được chuyển tải đến thế hệ trẻ tuổi hơn, theo Nadya Wang, giảng viên về thời trang tại Đại học Nghệ thuật LaSalle ở Singapore.
“Các thương hiệu ngày càng nhắm đến đối tượng millennial, trong đó nhấn mạnh vào di sản lâu đời của các thương hiệu xa xỉ và dòng chảy tiếp nối của chúng”. Điều này đã giúp đẩy mạnh nhu cầu đối với các món hàng cổ điển trên thị trường thứ cấp hoặc các phiên bản gốc của những mẫu mới tái bản.
Một điểm đáng chú ý khác là mặc dù thông thường, túi xách của các nhãn hàng thời trang như Hermès và Chanel mới thu hút khách hàng vào các website hàng xa xỉ second-hand, nhưng Moizant cũng nhận thấy sự hứng thú đang lan sang các phân khúc khác như trang sức. “Thời đại của các túi xách hạng sang đã qua, nhu cầu đối với các mẫu trang sức xa xỉ đang gia tăng”, bà nói.
Trang sức xưa nay được khao khát bởi người mua châu Á vì giá trị đầu tư của chúng, nhưng Siegelson, chuyên kinh doanh trang sức cổ, cho biết Công ty chứng kiến sự tham gia ngày càng nhiều của các khách hàng châu Á tại các hội chợ mỹ thuật như Tefaf ở New York hay PAD ở London.
Bộ sưu tập đồng hồ và trang sức Alhambra của Van Cleef & Arpels và đồng hồ Chanel Première nằm trong số những món hàng được săn đón quyết liệt nhất, Moizant cho biết. Hoa tai bằng vàng và mặt dây chuyền bảng chữ cái của Céline được tranh mua chỉ trong vài giờ đồng hồ ngay khi chúng xuất hiện trên website của Moizant. “Trên website của chúng tôi, mỗi một món đồ đều là độc nhất vô nhị và việc săn tìm nó giống như tham gia vào một cuộc săn tìm kho báu vậy. Điều đó khiến cho việc mua hàng mang theo sắc thái cảm xúc”, bà nói.
Cơn sốt săn lùng hàng xa xỉ second-hand trên mạng theo chân cuộc đổ bộ vào Trung Quốc của các cửa hàng bán hàng cũ. Milan Station, một chuỗi cửa hàng bán thời trang xa xỉ second-hand đặt tại Hồng Kông, đã bành trướng vào đại lục Trung Quốc, cùng với Komehyo của Nhật, chuỗi cửa hàng về hàng second-hand lớn nhất nước.
Tuy nhiên, mối đau đầu xưa nay là vấn nạn hàng giả. Một số công ty đã bắt tay hành động để đảm bảo khách hàng về nguồn gốc xuất xứ của món hàng. Vestiaire Collective, chẳng hạn, đã ký cam kết vào năm 2009 với Tập đoàn LVMH và Chanel cũng như các thương hiệu xa xỉ khác trong việc chống nạn hàng giả qua mạng bằng cách chia sẻ thông tin về các hoạt động đáng ngờ.
Moizant đã đi một bước xa hơn, thuê các nhân viên chuyên phụ trách thẩm định món hàng. Những nhân viên này được đào tạo bởi các nhà đấu giá và một trường đào tạo đặc biệt trong nội bộ.
Collector Square thì dựa vào chuyên môn của công ty mẹ - nhà đấu giá Pháp Artcurial - để thẩm định món hàng và phân biệt hàng giả.
Kết quả của cơn sốt tiêu dùng trên thị trường hàng xa xỉ second-hand là làn sóng M&A cũng ngày càng nóng lên.
Tháng 7, Secoo đã nhận được trợ lực từ hãng đầu tư tư nhân L Catteron Asia và JP.com, một nhà bán lẻ trực tuyến lớn của Trung Quốc khi họ tuyên bố đầu tư 175 triệu USD vào website thời trang này.
Nguồn Theo FT