Đường sách tại TP.HCM. Ảnh: Quý Hòa.

 
Cẩm Tú Thứ Tư | 08/12/2021 08:00

Thêm đất sống cho sách bằng số hoá

Nhiều hình thức sách điện tử mang lại sự sôi động cho thị trường này.

Giãn cách xã hội kéo dài khiến thị trường sách in gặp nhiều khó khăn, nhưng lại tạo cơ hội cho một số mô hình kinh doanh sách mới.

Mới đây, chuyên gia công nghệ Nguyễn Huy Du, đồng tác giả bộ truyện thiếu nhi Nước Cờ Hòa (Nhà xuất bản Kim Đồng) gây chú ý khi phát hành hết 5.000 bản của bộ truyện này trên ứng dụng nền tảng số chỉ sau một tuần ra mắt. Theo chia sẻ của ông Nguyễn Huy Du, bộ truyện cũng chính là sản phẩm mà tác giả này áp dụng chuyển đổi từ sách truyền thống sang sách số ở nền tảng mang tên uBASE.

Ở đó, mỗi người dùng sau khi trả phí sẽ sử dụng nền tảng số như một thư viện cá nhân, mỗi cuốn sách họ sở hữu có một mã kích hoạt để sử dụng được cả 3 phần: đọc, nghe hoặc đặt mua sách in. Ngoài tính năng cơ bản, người sáng lập uBASE cũng tạo các tương tác như đánh dấu số thứ tự độc giả, có chương trình bốc thăm may mắn. Nhờ mức độ tương tác cao với độc giả mà uBASE dự tính sẽ lựa chọn ra những phản hồi giá trị nhất để áp dụng ở lần xuất bản tiếp theo.

“Chuyển đổi số là xu thế tất yếu trong thời điểm hiện nay. Tại Thư viện Khoa học Tổng hợp TP.HCM, chúng tôi đang số hóa các tài liệu quý hiếm, độc đáo, những tài liệu không còn thời gian bảo hộ bản quyền để phục vụ cho người sử dụng theo từng mức độ khác nhau. Số lượng xuất bản phẩm đã số hóa vào khoảng 10.000 bản, chưa kể các báo, tạp chí. Chúng tôi đã cập nhật lên website của thư viện để bạn đọc có thể đọc sách ở nhà”, ông Bùi Xuân Đức, Giám đốc Thư viện Khoa học Tổng hợp TP.HCM, cho biết.

Cũng trong bối cảnh phần lớn thư viện buộc phải dừng phục vụ tại chỗ, tổ chức giáo dục phi chính phủ RtR tại Việt Nam đã giới thiệu mô hình và cách sử dụng Thư viện Mây (Literacy Cloud) nhằm đưa thư viện đến gần hơn với thầy cô và phụ huynh. Tại địa chỉ https://literacycloud.org, Thư viện Mây được thiết lập với nhiều tiện lợi dành cho người dùng. Sách có thể lưu ngoại tuyến và chiếu lên màn hình. Thư viện còn có kho tài liệu/video giới thiệu các phương pháp đọc sách cho trẻ một cách khoa học và hấp dẫn. Đặc biệt, khi đăng ký tài khoản, người dùng có thể sử dụng tối đa các tính năng của thư viện như xem video, tải sách về dùng offline...

Song song với hoạt động số hóa sách chữ được mở rộng, đợt bùng dịch lần thứ 4 kéo dài đã khiến lượng người dùng của Fonos và Voiz FM - 2 ứng dụng sách nói được làm bài bản đầu tiên của Việt Nam - tăng nhanh. Mới đây, Fonos đã huy động được 1,1 triệu USD qua 2 vòng tài trợ hạt giống do AngelCentral Syndicate có trụ sở tại Singapore dẫn đầu.

Bà Xuân Nguyễn, đồng sáng lập Fonos, cho biết sẽ sử dụng nguồn vốn mới để mở rộng thư viện nội dung với các sản phẩm và dịch vụ như sách nói, tóm tắt sách, thiền có hướng dẫn và tham gia vào các loại nội dung âm thanh cũng như kiểu văn bản mới. Các nội dung được cung cấp theo dạng thu phí theo nhu cầu của người nghe. Fonos hiện đã có sẵn trên các kho ứng dụng phổ biến như Google Play (hệ điều hành Android) và App Store (iOS).

Ảnh: Quý Hòa.
Ảnh: Quý Hòa.

Hiện nay, Fonos độc quyền giới thiệu hàng trăm cuốn sách bán chạy nhất của các tác giả quốc tế và địa phương, hình thành quan hệ đối tác với nhiều nhà xuất bản sách hàng đầu trong nước như Nhà xuất bản Trẻ, Alpha Books, Thái Hà Books, Nhã Nam, Đông A. Từ đầu năm đến nay, Fonos đã chứng kiến mức tăng trưởng 5 lần trong doanh thu hằng tháng. Số lượng người dùng hằng tháng tăng vọt lên hơn 80.000 lượt chỉ trong tháng 8 vừa qua.

Còn Voiz FM, ra mắt thị trường từ tháng 9/2019, hiện có 300.000 người sử dụng (tính đến tháng 5/2021) với gần 20 triệu phút sách nói được người dùng trả phí. Voiz FM đã có mặt ở App Store và Google Play với gói dùng thử miễn phí (trong 10 ngày) cùng gói có phí, với 2 mức giá 199.000 đồng/3 tháng và 499.000 đồng/năm.

 

Ông Lê Hoàng Thạch, đồng sáng lập Voiz FM, cho biết doanh thu GMV (tổng giá trị giao dịch) năm 2020 gấp 20 lần năm 2019, năm 2021 dự kiến gấp 10 lần so với năm 2020. Cụ thể, doanh thu GMV năm 2020 của Voiz FM đạt 42.000 USD, dự kiến con số này sẽ là hơn 400.000 USD vào năm 2021. Tiền thu từ Apple và Google, 15% trả phí cho các nền tảng thu tiền, 25% cho phí bản quyền, 15% để tuyển người dùng, doanh thu GMV còn lại khoảng 40-50%.

 

Ông Hoàng Thạch chia sẻ, chi phí cố định của start up này trung bình mỗi tháng hơn 300 triệu đồng. Trung bình một cuốn sách trong vòng một năm có thể tạo ra khoảng 1.500 USD doanh thu, trong đó chi phí ứng trước bản quyền và chi phí sản xuất khoảng 500 USD.

Mỗi hợp đồng khai thác bản quyền có thời hạn từ 3-5 năm. Startup này cho biết, tổng lỗ hiện nay là hơn 3 tỉ đồng, trong đó bao gồm chi phí cố định và một số khoản đầu tư khác.

Về lịch sử gọi vốn, Voiz FM cho biết đã được đầu tư 4 tỉ đồng và đã chốt vòng Seed gọi vốn vào tháng 7/2020 với số tiền 625.000 USD, post-money (giá trị Công ty sau khi gọi vốn) là 3,1 triệu USD.

Để mở rộng kho nội dung, Voiz FM phát triển giọng nói trí tuệ nhân tạo hoàn toàn tự nhiên, giống người thật. Công nghệ này dùng sóng âm để tạo ra giọng đọc số từ giọng đọc thật và đã giúp giảm giá thành, tốc độ sản xuất sách nói trở nên nhanh hơn rất nhiều.

Dựa trên dữ liệu eMarketer năm 2019 về lượng người nghe âm thanh kỹ thuật số và sử dụng trợ lý giọng nói, cơ sở người nghe âm thanh kỹ thuật số vượt quá 300 triệu trên khắp các quốc gia, bao gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan, Việt Nam.

Việt Nam là thị trường tiềm năng cho thị trường sách điện tử, sách nói... với dân số hơn 90 triệu người, trong đó số người sử dụng thiết bị điện tử thông minh rất lớn. Sự phát triển của các hình thức sách mới khiến nhiều chuyên gia trong ngành đánh giá, trong thời gian tới, thị trường sẽ xuất hiện những cuốn sách bán chạy nhưng chỉ có bản điện tử (eBook) và sách nói thay vì có bản sách giấy được in trước.