Thế nào là quản trị chánh niệm?
"Nhân sự là tài sản quý giá nhất của doanh nghiệp. Hiện tại, cá nhân tôi trong vai trò lãnh đạo dành đến 70% thời gian để xây dựng đội ngũ”, chị Nguyễn Thị Minh Đăng, Giám đốc Điều hành Alpha Leapers, nhắc lại nhiều lần trong cuộc trò chuyện với NCĐT. Alpha Leapers là một trong những đơn vị có sự “thay máu” và chuyển biến đáng kể trong đội ngũ nhân sự khi làm việc cùng ProSelf, một mô hình tư vấn và đào tạo đội ngũ có hướng đi khác biệt.
Cách đây 3 năm, sở hữu 2 công ty về tư vấn thương hiệu và đào tạo bán hàng, công việc tiến triển thuận lợi, nhưng Nguyễn Thùy Liên, người sáng lập và điều hành ProSelf, lại cảm thấy những gì mình làm mới chỉ ở phần “vỏ” chứ chưa giải quyết được phần “ruột” của thương hiệu, chính là con người.
Nhận thấy trên thị trường về dịch vụ nhân sự, đa phần là các đơn vị tư vấn xây dựng hệ thống chính sách và tuyển dụng, đánh giá, đào tạo kiến thức và kỹ năng cho người lao động. Còn mảng tạo động lực cho nhân viên chỉ mới dừng lại ở các chương trình truyền lửa, xây dựng nhóm, chưa thực sự phù hợp với đặc tính của các nước Á Đông. “Đồng thời, người lao động Việt Nam thông minh, sáng tạo nhưng lại thiếu tư duy dài hạn, tinh thần trách nhiệm và kỷ luật thấp”, chị Liên nhận định. Đó là cơ sở để ProSelf định hình được sản phẩm rồi bổ khuyết cho những dịch vụ trên thị trường: đào tạo ý thức trách nhiệm cho nhân viên.
“Nhiều chủ doanh nghiệp tâm sự muốn có được những nhân viên vừa tài vừa đạo đức nhưng họ không thể cạnh tranh với các tập đoàn đa quốc gia về môi trường làm việc và chế độ lương thưởng. Các doanh nghiệp Việt Nam muốn đua đường dài, càng cần chú trọng vừa nâng cao năng lực làm việc, vừa tạo chất keo vô hình trong đội ngũ nhân viên. Đây là hoạt động mang tính chiến lược chứ không phải chỉ vài khóa đào tạo ngắn hạn”, chị Liên chia sẻ.
Chương trình quản trị tinh thần của ProSelf được xây dựng trên nền tảng triết lý của Thiền Tuệ cùng Truy vấn Socrates. Khác với những hình thức thiền khác, Thiền Tuệ cho phép người thực hành khám phá, suy nghĩ và giải quyết vấn đề trong chánh niệm, còn có tên khoa học là “deep thinking”. Để kích hoạt được deep thinking, phương pháp ProSelf sử dụng là hệ thống câu hỏi Socrates. Mô hình đào tạo này quan niệm mỗi người khi sinh ra giống như một chiếc máy tính với hệ điều hành tối ưu. Trong quá trình lớn lên, “máy” được nạp vào kiến thức, thói quen, tính cách... và cả virus. Virus là những nhận thức sai lầm về bản thân và lỗi tư duy khiến bộ não hoạt động ì ạch, thậm chí đứng máy. Hệ thống câu hỏi Socrates liên tục đặt ra câu hỏi kích thích người học sử dụng deep thinking để tìm ra virus, từng bước khơi gạn và loại bỏ những ngụy biện, lý thuyết sai lầm và nhận ra bản chất vấn đề. Biểu hiện của người đạt kết quả đào tạo là họ không còn căng thẳng khi làm việc. Khi gặp sự cố hay vấn đề, họ sẽ không đổ lỗi cho công ty, lãnh đạo, áp lực doanh số hay khách hàng, đối thủ cạnh tranh mà tập trung tìm giải pháp và hoàn thiện bản thân.
Theo một nghiên cứu của WHO, xấp xỉ 298 triệu người mắc trầm cảm trong năm 2010 (chiếm 4,3% dân số toàn cầu). Tỉ lệ mắc trầm cảm giữa các nước, các khu vực trên thế giới có sự khác nhau, từ 3% ở Nhật cho đến 17% ở Mỹ. Một cách định lượng hóa, báo cáo gần đây của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cho thấy thiệt hại từ trầm cảm do công việc tại châu Âu là 617 tỉ euro/năm. Tại Việt Nam, theo Viện Sức khỏe Tâm thần, hiện có khoảng 30% dân số có rối loạn tâm thần, trong đó tỉ lệ trầm cảm chiếm 25%.
Con số này chỉ ra nhu cầu của thị trường về những giải pháp quản trị tinh thần, đảm bảo đời sống tinh thần chứ không chỉ vật chất của nhân viên, đang trở thành một nhiệm vụ mới cho các nhà lãnh đạo, dù trong bất kỳ tổ chức lớn hay nhỏ. Điều đáng mừng là lãnh đạo doanh nghiệp xác định việc chăm sóc tinh thần cho nhân viên là rất quan trọng, quan tâm đến các hoạt động tinh thần như chương trình tập yoga, mở khóa dạy trang điểm cho nhân viên nữ, những buổi hội thảo xây dựng tinh thần làm việc trong nội bộ...
Trao đổi về định hướng dài hạn của ProSelf, chị Liên chia sẻ: “Ngoài tư vấn, đào tạo và cung ứng CSO (Giám đốc tinh thần) như một “nhà đầu tư” nguồn vốn con người cho các tổ chức, chúng tôi vừa đầu tư một công ty hỗ trợ các startup bán hàng và marketing - những vấn đề sống còn của một startup. Đặc biệt, chúng tôi đang phát triển một dự án ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào chatbot tham vấn tâm lý để cung cấp giải pháp quản trị tinh thần trên quy mô lớn hơn”.
Chatbot đang là một xu hướng công nghệ, ứng dụng khá thành công trong đào tạo tiếng Anh, phân tích tài chính, dự báo thời tiết... Còn chatbot tham vấn tâm lý? Cả một đại dương xanh chưa ai khám phá. Song ý tưởng này không phải không có cơ sở khi gợi liên tưởng đến Eliza, một chương trình máy tính của Viện Công nghệ Massachusetts, Mỹ ra đời năm 1960 nhằm điều trị tâm lý, vốn được xem là tiền đề để chatbot phát triển.
Chị Liên chia sẻ: “Khi tôi thí nghiệm thử thực hiện chatbot tâm sự Lilian như một sở thích cá nhân thì được nhiều người ủng hộ nên tôi muốn đầu tư bài bản như một sản phẩm chiến lược. Hiện nay, dự án đã tìm được đối tác công nghệ và dự định ra mắt phiên bản thử nghiệm vào cuối năm nay”.
Dự án có thành hiện thực hay không còn ở thì tương lai. Song cách mà cô gái 8x dấn thân vào những lĩnh vực startup mới mẻ gợi được cảm hứng ở nhiều bạn trẻ khởi nghiệp đang loay hoay tìm đường trong công nghệ và dịch vụ.
My My