Trước đó, các thiết kế của Nguyễn Hoàng Tú xuất hiện trên nhiều tạp chí thời trang uy tín ở châu Âu như Pháp, Đan Mạch... Ảnh: Lê Duy
Thế hệ thiết kế mới của thời trang Việt cao cấp
Trưởng thành từ bộ sưu tập đầu tiên - The New Asia, đại diện Việt Nam tham gia chung kết Audi Star Creation tại Singapore, nhà thiết kế Nguyễn Hoàng Tú từng bước ghi dấu ấn thương hiệu mang tên anh.
Năm 2019, sau thời gian tìm hiểu và tiếp cận thị trường châu Âu, thương hiệu Nguyen Hoang Tu chính thức phân phối số lượng lớn (wholesale) tại Paris mỗi mùa Fashion Week. Trước đó, các thiết kế của Nguyễn Hoàng Tú xuất hiện trên nhiều tạp chí thời trang uy tín ở châu Âu như Pháp, Đan Mạch... Trong suốt giai đoạn dịch COVID-19, mặc dù giãn cách nhưng Nguyễn Hoàng Tú và cộng sự vẫn miệt mài với các đơn hàng. Hiện tại, thiết kế của anh đã có mặt tại nhiều thị trường như châu Âu, Bắc Mỹ và Trung Đông, trong đó thị trường Mỹ chiếm 30%.
Thị trường thời trang Việt vẫn đang sơ khởi và chịu nhiều áp lực cạnh tranh từ các thương hiệu ngoại nhập. Thị phần của thời trang cao cấp dành cho thương hiệu Việt càng ít ỏi dù nhu cầu tiêu dùng là vô cùng lớn. Không có bất kỳ tấm gương hay case study điển hình nào thành công để các thế hệ nhà thiết kế học hỏi. Do đó, tâm thế của họ là vừa làm, vừa rút kinh nghiệm. Nếu Công Trí mở đường với thiết kế dành cho ngôi sao thì Nguyễn Hoàng Tú được xem là thế hệ thiết kế mới, chinh phục khách hàng bằng ngôn ngữ thời trang tinh giản vừa tiệm cận quốc tế vừa giữ được nét thuần Việt qua đường kim, mũi chỉ, kỹ thuật may (ráp nối, luồn chỉ như áo dài) đến chất liệu truyền thống như lụa, tơ tằm...
Cốt lõi của thời trang cao cấp là tính nguyên bản
Khá nhiều nhà thiết kế thường kết hợp cùng các ngôi sao trong ngành giải trí, những KOLs (Key Opinion Leaders - người dẫn dắt tư tưởng) để quảng bá và tăng độ phủ cho thương hiệu. Tú lại không như vậy. Vì sao?
Tôi từng suy nghĩ về việc hợp tác với các ngôi sao. Rồi tôi nhận ra, mỗi người có nhiệm vụ riêng, góc nhìn và giá trị riêng, cần đào sâu vào đó thay vì chạy theo những điều người khác đang làm dù họ rất thành công. Tôi thấy mình phù hợp với việc sáng tạo và đứng sang một bên chăm lo cho những thiết kế để khách hàng tiếp xúc với trang phục và tỏa sáng.
Với phân khúc cao cấp, việc bao phủ diện rộng có thể dễ dẫn đến sự pha loãng và thương hiệu mất dần bản sắc trong nhìn nhận của khách hàng. Khách hàng hiện tại của Nguyen Hoang Tu quan tâm đến tính sáng tạo của thiết kế, chất lượng của nguyên vật liệu, sự chỉn chu của đường kim mũi chỉ, độ đặc sắc của trải nghiệm cửa hàng và cách thức mình quan tâm đến họ...
Vì vậy, phần lớn thời gian chúng tôi tập trung vào phát triển về chiều sâu cho sản phẩm, trước khi quảng bá tăng độ phủ quá rộng. Đây mới là giá trị cốt lõi khiến khách hàng trở lại, giới thiệu thêm bạn bè, cũng như cảm thấy xứng đáng.
Từ một thương hiệu khá nhỏ và mới trong điểm chấm thời trang Việt, điều gì đã thôi thúc và thắp lên cho Tú ước mơ vươn ra thị trường quốc tế?
Tôi chỉ nghĩ đơn giản là ở đâu có khách hàng sẵn sàng mua và chi trả cho sáng tạo của mình, thì mình sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của họ. Tôi dõi theo thời trang quốc tế từ những ngày còn theo học thời trang và thích cách vận hành của họ. Mặc dù làm ra những sáng tạo có vẻ dị biệt nhưng họ vẫn tồn tại được lâu năm. Để làm được điều đó họ cần có những yếu tố gì? Đó là tập trung làm sáng tạo, thận trọng trong làm nghề, tích lũy kinh nghiệm cần thiết để đạt được mục tiêu đề ra.
Để có câu trả lời này, bên cạnh tự tìm hiểu, tôi còn được sự giúp đỡ của bạn bè. Việc nhìn thế giới là một thị trường lớn giúp giải phóng tư duy của tôi. Hơn nữa, trong thời đại hội nhập, việc tiếp cận thị trường quốc tế tương đối dễ hơn nhiều so với thế hệ trước và thời kỳ trước. Nhiều thương hiệu khác song song Nguyen Hoang Tu cũng đã và đang làm được.
Muốn gia nhập thị trường, ngoài việc được chỉ dẫn, giúp đỡ, bạn cần có sự kiên trì và lá gan, hay nói khác đi là khát khao tiếp cận thị trường một cách chủ động. Ảnh: TL |
So với thị trường Việt Nam, yêu cầu của thị trường thời trang quốc tế có những điểm nào khác biệt?
Điểm khác biệt lớn nhất, theo tôi, mấu chốt nằm ở việc cạnh tranh trong phạm vi rộng lớn. Thị trường quốc tế có đầy đủ các phân khúc: hàng giá rẻ, hàng trung cấp, hàng cao cấp... và cả vấn nạn hàng giả, hàng kém chất lượng. Điều đó đồng nghĩa với việc nếu chọn phân khúc từ trung cấp trở lên, để cạnh tranh thì việc tập trung chất xám, hàm lượng sáng tạo cao và bản sắc riêng biệt cực kỳ quan trọng. Nếu không, hoặc sẽ rất khó cạnh tranh về giá, hoặc sẽ bị mất hút trong một đại dương các thương hiệu trung và cao cấp, sáng tạo bởi những tài năng, đến từ tất cả các quốc gia mà ai cũng muôn màu, muôn vẻ.
Muốn gia nhập thị trường, ngoài việc được chỉ dẫn, giúp đỡ, bạn cần có sự kiên trì và lá gan, hay nói khác đi là khát khao tiếp cận thị trường một cách chủ động. Cứ gõ rồi cánh cửa sẽ mở. Và khi mở rồi thì phải tập trung để tiếp tục sáng tạo.
Không ít nhận định cho rằng, thời trang của Nguyễn Hoàng Tú chỉ hợp với thị trường nước ngoài thay vì ở Việt Nam. Tú nghĩ gì về nhận định này?
Tôi không suy nghĩ nhiều lắm vì nó không giúp ích nhiều cho việc sáng tạo ra các thiết kế nguyên bản. Thời trang cao cấp trước hết đòi hỏi sự nguyên bản trong sáng tạo, mà cái gì nguyên bản thì về bản chất là mới. Và cái gì mới cũng phải cần có thời gian để thuyết phục thị trường ở diện rộng. Thị trường Việt Nam vẫn tiêu thụ mạnh mẽ các thương hiệu cao cấp của châu Âu. Một phần vì nguồn cung của các thương hiệu thời trang cao cấp, thiết kế bởi người Việt, tại Việt Nam còn rất ít, chưa đủ về lượng để dễ dàng nhìn thấy sự thay đổi về chất.
Tôi tin rằng trong tương lai gần sẽ có thêm nhiều đơn vị và nhà thiết kế trong nước gia nhập nguồn cung, cộng với sự thay đổi thị hiếu mạnh mẽ đến từ thế hệ trẻ (Gen Z). Hai luồng phát triển này một khi gặp nhau sẽ tạo nên diện mạo sôi động và nhiều mới mẻ cho ngành thời trang Việt Nam.
Nếu một nhà thiết kế trẻ muốn tiếp cận thị trường thời trang thế giới, họ cần chuẩn bị những gì và nên bắt đầu từ đâu? Và ở góc nhìn toàn cảnh, ngành thời trang cao cấp Việt Nam cần chuẩn bị những gì để có thể cạnh tranh với các thương hiệu quốc tế?
Mấu chốt vẫn chính là sản phẩm phải có hàm lượng sáng tạo và bản sắc riêng. Cái này nói dễ nhưng làm rất khó. Vì khách hàng cao cấp không cảm thấy xứng đáng khi chi trả cho các sản phẩm bình thường hoặc có thể được tìm thấy tại bất cứ đâu. Định hướng của tôi là mang giá trị sáng tạo của Việt Nam kết hợp với những gì mình được học để giới thiệu văn hóa Việt ra thế giới.
Phân khúc cao cấp của thời trang là nhằm thỏa mãn nhu cầu cảm xúc, vốn muôn hình vạn trạng. Kinh tế Việt Nam ngày càng phát triển, nhu cầu của tầng lớp có tiền cũng không ngừng gia tăng. Vì vậy, dư địa thị trường là vô cùng lớn. Điều này đồng nghĩa để cạnh tranh hiệu quả thì các đơn vị nên thay đổi tư duy sản phẩm, tư duy vận hành, tư duy quảng cáo và thương hiệu... vốn đang dựa trên tư duy thâm niên sản xuất hàng loạt và giá rẻ. Có thể đây là thử thách không dễ để vượt qua một sớm một chiều.
Thế giới càng biến động, người ta càng tìm về giá trị thật
5 năm xây dựng thương hiệu và gặt hái được một số thành quả nhất định, điều gì khiến Tú quyết định bán lại thương hiệu mang tên mình?
Câu chuyện bắt đầu từ năm 2020, khi COVID-19 ập đến, tôi nhận ra một mình gồng gánh không nổi khi lo tất cả các khâu từ sáng tạo đến thương mại. Do đó, tôi quyết định về một nhà với Moxatic. Quyết định này cho tôi cái nhìn mới về làm nghề và làm thế nào để đứng vững trong ngành này. Đó là làm việc theo từng công đoạn khoa học, quy chuẩn hơn, đáp ứng đúng yêu cầu của đối tác, sáng tạo mạch lạc và hợp lý, không bị cảm tính. Chúng tôi đến với nhau bằng việc tôn trọng giá trị đã tạo ra. Nhờ làm việc khoa học, chín chắn, tôi được sáng tạo nhiều hơn. Việc có đội ngũ đồng hành chung giá trị, chung quan điểm sáng tạo, có thể hỗ trợ đắc lực trong việc đưa đứa con tinh thần của mình lên tầm mức mới.
Trở thành một người “làm công ăn lương”, sẽ có thời điểm, điều Tú muốn, công ty lại không muốn và ngược lại. Tú đã có chuẩn bị tâm lý cho những mâu thuẫn này?
Tôi nghĩ cuộc sống luôn có những khác biệt như vậy. Quan trọng là các bên tin tưởng nhau và dung hòa đến đâu để hướng đến hành trình lâu dài. Thực tế, trên thế giới vẫn có những giám đốc sáng tạo đi với công ty chủ quản đến cuối hành trình sáng tạo, nên khi nhìn vào những ví dụ thực tế và tích cực đó, tôi không có nhiều lăn tăn. Thay vào đó, tôi dành thời gian tập trung cho việc sáng tạo.
Việc tập trung vào sáng tạo, để các khâu còn lại như truyền thông, quảng bá, tổ chức show hay thương mại hóa cho một bên khác chuyên về lĩnh vực này (ở đây là công ty) phụ trách, theo Tú có phải là hướng phát triển tất yếu để ngành thời trang cao cấp Việt Nam tiệm cận chuyên nghiệp dù nhỏ?
Tôi nghĩ xu thế này là tất yếu. Nhưng quan trọng đôi khi không nằm ở làm gì, mà ai làm, chất lượng ra sao. Cùng một công thức nấu món phở nhưng vẫn có quán ngon, quán không.
Tú có chia sẻ tỉ lệ khách hàng trong và ngoài nước của thương hiệu Nguyen Hoang Tu hiện nay ở mức cân bằng. Điều này chứng tỏ nhu cầu của thị trường thời trang cao cấp không hề nhỏ. Vì sao Tú không tập trung để chỉ chinh phục khách hàng trong nước?
Như đã chia sẻ ở trên, khi nhìn bài toán cạnh tranh là toàn cầu, khách hàng đến từ đâu mà trân quý sáng tạo của Nguyen Hoang Tu thì chúng tôi đều đáp ứng.
Việc hợp tác cùng các thương hiệu xe hơi, đồ uống cao cấp... mang đến cho Tú những niềm vui cũng như thách thức nào trong sáng tạo?
Các dự án hợp tác đều là những thử thách thú vị để cộng hưởng được sáng tạo chung, tạo ra điều gì đó mới mẻ cho lần hợp tác này nhưng vẫn đảm bảo được thuộc tính riêng biệt của từng thương hiệu. Quan trọng hơn, trước khi tham gia đồng sáng tạo cùng các thương hiệu, chúng tôi cũng tìm hiểu rất kỹ để đảm bảo rằng, giữa chúng tôi có điểm chung và tầm nhìn trân trọng tính thủ công. Chẳng hạn, với thương hiệu xe là sự tinh giản nhưng uyển chuyển, với thương hiệu đồ uống, cốt lõi nằm ở tinh thần di sản và nghệ thuật điểm họa của họa sĩ Liêu Nguyễn. Việc kết hợp sáng tạo cũng mở ra cho tôi những cách tiếp cận mới, tư duy sáng tạo mới, khai phá mình nhiều hơn trong những lĩnh vực khác, từ đó tạo ra giá trị nhiều hơn.
Bài toán sáng tạo trở thành: qua ngôn ngữ của thiết kế thời trang (fashion design) nói riêng và thiết kế (design) nói chung: ý tưởng, phom dáng, màu sắc, bề mặt, vật liệu... làm thế nào để cho ra những sản phẩm độc đáo, đảm bảo được câu chuyện và thông điệp nhân văn.
Trong bối cảnh kinh tế suy thoái, các ngành chịu ảnh hưởng không nhỏ từ bối cảnh này, đặc biệt là thời trang. Tầm nhìn và kế hoạch của Tú cho thương hiệu trong năm 2023 cũng như 5 năm tới là gì?
Khi biến động, chúng ta sẽ tìm về những giá trị thật, bền vững. Vì vậy, chúng tôi vẫn kiên trì định hướng tập trung vào chiều sâu, vào sáng tạo nguyên bản, vào chất lượng của cả sản phẩm lẫn trải nghiệm. Tôi tin rằng khi làm tốt sẽ được đón nhận, dù là 1 năm, 10 năm hay trọn đời. Bền vững không chỉ dừng lại thiết kế không vải thừa, tôn vinh và phát huy những giá trị truyền thống mà còn là đảm bảo sự ổn định cho đội ngũ cùng mình tạo nên giá trị. Đó là mở rộng hợp tác với các làng nghề, với những người may, người nông dân trồng dâu nuôi tằm sao cho tạo thành vòng tròn bền vững.