Thứ Bảy | 01/06/2013 08:56

Thụy Điển: Địa đàng bắt đầu phức tạp

Thế giới trầm trồ ngạc nhiên khi bạo loạn nổ ra ở Husby, Thụy Điển bởi công dân nước này có nhiều quyền lợi tốt nhất. Lý do khiến họ làm loạn?

Cờ Thụy Điển

Ở các thành phố lớn Âu châu, việc đỗ xe vào giờ cao điểm còn phức tạp hơn là việc di chuyển. Nhà vua Thụy Điển, một hôm bực mình sau khi không tìm ra một chỗ, bèn viết thư cho Hội đồng Thành phố Stockhlom xin được dành một chỗ riêng ở khu mua sắm để tiện việc đi chợ cho Nữ hoàng.

Và Hội đồng Thành phố lạnh lùng trả lời ông rằng, ai thì cũng thế thôi, không có chuyện cấp cho bệ hạ một đặc quyền.

Học được bài học này, ở một nước được cho là văn minh và tự do nhất thế giới, quân vương bèn xách xe con sang nước láng giềng rú ga quá tốc độ ấn định trên những con đường vắng. Tại Đan Mạch thì ông không phải là vua, nên ông bị cảnh sát giao thông bắt phạt tại trận. Ở Đan Mạch, ngay phu quân của nữ hoàng, khi muốn tắm nắng cũng quần đùi khăn lông ra công viên trước của dinh mà nằm phơi tênh hênh.


Vua Carl Gustav của Thụy Điển

Ở Na Uy bên cạnh cũng có một ví dụ về tính xuề xòa của Hoàng gia: một cặp nhân viên làm việc trong Hoàng cung nhận 'con nuôi' ở Ấn Độ mà không xin kịp thị thực nhập cảnh khi hai đứa bé song sinh này ra đời. Con ra, mà cha chưa tới, thế thì cần một bà giữ trẻ đáng tin cậy để chăm chúng. Thế là Công chúa vợ của Thái tử bèn lén lút dùng hộ chiếu ngoại giao bay sang ngay đến bệnh viện và tự nhận là 'bà giữ trẻ' để thay tã một hai tuần cho hai đứa bé này.

Nhưng chuyện này gây phiền toái khi công chúa bị phát hiện, vì Na Uy chưa có luật cho phép 'thuê dạ con' của một phụ nữ khác trong trường hợp hiếm muộn (mà trong trường hợp này, cặp 'cha mẹ' nhân viên của Hoàng cung là nam đồng tính nam, và cả 'cha' lẫn 'mẹ' đều không có tử cung nên mới phải thuê một phụ nữ Ấn cho mượn tạm).


Mette Marit - vợ thái tử Na Uy, đã nói dối để được chăm em bé con người khác

Hoặc ở Iceland (cũng thuộc khu vực Scandinavia này) tính bình đẳng, hòa đồng cũng là phổ biến. Một nhà báo Mỹ dạng tầm tầm liên hệ với Tổng thống nước này để sang đến nơi phỏng vấn. Trong khi trao đổi trên điện thoại, Tổng thống Iceland hỏi "Chuyến bay anh đến lúc mấy giờ"? "À, thế thì hay quá, vợ tôi khoảng đó cũng ra trường bay tiễn một người bạn, để bà đón anh và lái xe đưa về thành phố". Đệ nhất phu nhân là người cầm lái cho vị phóng viên nọ.

Dinh thự tổng thống Iceland. Be bé và ít người canh. Ảnh: Andy James

Thủ tướng Thụy Điển Olof Palme bị ám sát vào một đêm sau khi ông đi xem phim ra khỏi rạp hát và đang trên đường đến trạm tàu điện để về nhà cùng với vợ. Lúc ông bị bắn chết (và bà bị thương) thì không có an ninh, cận vệ nào ở gần, Thủ tướng Thụy Điển hay Tổng thống Iceland thì cũng thế.


Dòng chữ ghi: "Tại đây, thủ tướng Thụy Điển Olof Palme đã bị sát hại, ngày 28. 2. 1986.

Tóm lại, các mẩu chuyện trên cho thấy Scandinavia là một khu vực an bình, phóng khoáng, bình đẳng. Đây cũng là khu vực phát triển hàng đầu thế giới, và rộng rãi với đồng tiền của quốc gia. An sinh xã hội, về trợ cấp thất nghiệp, y tế, giáo dục luôn giữ ở mức tốt hàng đầu thế giới. Sinh viên Đan Mạch (19-25 tuổi) chẳng những không phải trả tiền trường mà còn được nhà nước cấp 'lương' mỗi tháng để mài mực (1.000 USD/ tháng), nếu có nhu cầu cao thì cho mượn thêm tiền (500 USD).

Sự rộng rãi này lan ra cả lãnh vực quốc tế. Theo tỷ lệ tổng sản lượng, một đầu người Thụy Điển trợ giúp cho các nước phát triển gấp 7 lần một đầu công dân Hoa Kỳ. Con số viện trợ phát triển này, Thụy Điển đứng số một trên thế giới, thứ nhì là Na Uy và thứ tư là Đan Mạch. Viện trợ của các nước này lại không có đi kèm hậu ý hay ẩn ý gì hết như trong trường hợp các cường quốc, đây là tiền cho không biếu không.

Và tuy không có nợ tiền kiếp với các thuộc địa cũ (vì không có thuộc địa cũ, ngoài Phần Lan ra), Thụy Điển cũng là nơi nhận lắm di dân nuớc ngoài tứ xứ ra đi vì hoàn cảnh; ở châu Âu chỉ đứng sau có Cyprus và Malta là hai trường hợp cá biệt (đây là hai hòn đảo giữa biển Địa Trung, nằm ngay giữa ngã tư thuyền bè qua lại. Malta còn có biệt danh là 'quốc gia gồm toàn con hoang của những người đi biển').

Theo thống kê 2011, 27% dân Thụy Điển là gốc nước ngoài, tức hoặc sinh ra tại nước ngoài, hoặc sinh ra tại Thụy Điển nhưng cha mẹ sinh ra ở nước ngoài, hoặc có một cha hay một mẹ sinh ra ở nước ngoài. Trong số nước ngoài này, 19% là từ khu vực Scandinavia hay Âu, 8% là từ các phần còn lại của thế giới. Ở Thụy Điển, số người Mỹ (chắc là vì tại Hoa Kỳ sinh viên phải đóng tiền đi học nên chạy sang đây) ngang với số người Afghanistan (18.000), số người Việt là 15.000, ngang với lại số người Nga (16.000).


Năm 2012, Tòa án Di dân Thụy Điển quyết định mở cửa cho nhiều người Somali được đoàn tụ cùng gia đinh (đã được phép ở lại Thụy Điển). Đại sứ quán Thụy Điển tại Addis Ababa đã bắt đầu nhận đơn.

Trong khi Âu Mỹ đang trải qua cơn khủng hoảng kinh tế, với 10% thất nghiệp ở Anh, Mỹ hay Pháp, thì con số này ở tại Thụy Điển chỉ có 3%. Thường bạo loạn xảy ra tại các thành phố Âu Mỹ là:
- Ở những khu vực nhiều di dân và thu nhập kém (Anh, Pháp)
- Ở những khu vực người bản xứ hẳn hoi nhưng chiếm thiểu số và lợi tức kém (da màu Mỹ, Đông Đức cũ ở Đức)
- Người bản xứ chiếm đa số nhưng lợi tức tồi (như ở Hy Lạp, Tây Ban Nha)

Nhưng khi lửa nổi lên ở Husby thuộc ngoại thành thủ đô Stockholm thì mọi người đều ngạc nhiên. Husby khang trang và sạch sẽ hơn là những khu nghèo di dân hay thiểu số Anh, Pháp, Mỹ. Theo chính các di dân đã từng có cơ hội lưu lạc tại Hoa Kỳ hay Anh quốc và tìm sang an cư tại Husby thì đời sống Thuỵ Điển lại hơn hẳn Anh hay Mỹ nhiều phần.

Thanh niên ở Husby đốt xe trên các đường phố.

Thế thì tại sao lại có bất mãn? Năm 1960, khi ám chỉ quốc gia khó chịu này, Tổng thống Mỹ Eisenhower đã phê bình là "con người thì không có tham vọng cầu tiến, tỷ lệ tự sát cao gấp đôi Mỹ và người nghiện rượu nhan nhản". Nhưng Husby nếu có tốt hơn La Courneuve (Pháp) hay Hackney (Anh) thì thật ra cũng là một nơi thu nhập thấp và nhiều di dân.

Trước hết, tuy bạo loạn nhưng so với các nơi khác vẫn còn ở mức giới hạn. Tại Husby, số thanh niên thích xài hộp quẹt và tay kia cầm cục đá khoảng 300 người. Những thanh niên này, lớn lên tại đây, họ không so sánh hoàn cảnh của mình hiện nay với hoàn cảnh của thanh niên tại Anh hay tại Pháp, Mỹ. Họ lại càng không so sánh với xa vời hoàn cảnh tại quê nhà của cha mẹ họ là Turkey hay Iraq, Somalia. Có so sánh là họ so sánh mình với những khu phố ngay bên cạnh. Tỷ lệ thất nghiệp tại Husby cao gấp 3 lần tỷ lệ chung của quốc gia, thu nhập tại đây thấp hơn thu nhập trung bình 40%.


Husby, vùng xảy ra bạo loạn

Theo tổ chức OECD, chính quyền trung hữu trong 10 năm qua đang cắt xén bớt những thành quả của 70 năm Xã hội Dân chủ và cách biệt giàu nghèo tại Thuỵ Điển đang có đà tăng, dù cách biệt này có ít hơn ở những nơi khác (nhưng đó lại là một chuyện khác).

Họ đang ở Thụy Điển chứ họ không đang ở những nơi khác. Họ phản đối việc phân biệt ở ngay trong Thụy Điển chứ không mang ra so sánh với Mỹ. Bất mãn này, là vì an sinh và công bằng xã hội bị đe dọa ngay tại Thuỵ Điển, tuy là vẫn còn tốt hơn tại khối nước phát triển, hay là tốt nhất thế giới. Với thế giới, họ là những công dân nhiều quyền lợi nhất. Nhưng tại ngay trong nước, họ là những công dân hạng nhì. Đây cũng chính là điều mà dư luận nước ngoài thấy khó hiểu khi đọc tin bạo loạn nổ ra ở Thụy Điển, vì dư luận này cứ đem so sánh với hoàn cảnh tại nước mình.

Theo lô gíc của Eisenhower, Thụy Điển ngày nay hãy thử nghiệm mạnh mẽ hơn nữa trong con đường đổi mới. Tăng cách biệt giàu nghèo để gây chí phấn đấu vượt khó, hủy các chương trình an sinh, giáo dục, y tế, để tiết kiệm quỹ quốc gia.

Tranh minh họa cho bạo loạn tại Husby như một mũi dao đâm Thụy Điển.

Nguồn SOI


Sự kiện