Nước Đức và cuộc khủng hoảng lòng bao dung
Nhật báo Libération số ra hôm nay đăng bài đáng chú ý về chủ đề này: "Khủng hoảng lòng bao dung tại Đức".
Tờ báo đề cập đến một phong trào chống nhập cư mang tên Pegida tại vùng Saxe và đang lan ra nhanh chóng ở những khu vực khác của Đức. Nó lớn mạnh đến mức mà nhà cầm quyền dường như bất lực, các đảng phái chính trị cũng nhìn thấy lợi ích ở đó, tức có thể kiếm phiếu ủng hộ bằng các cam kết hạn chế nhập cư.
Tờ báo giải thích, Pegida là viết tắt của: "Người Châu Âu yêu nước chống Hồi Giáo hóa phương Tây". Làn sóng này không chỉ huy tụ được các đảng phái cực hữu mà còn của nhiều người dân mà trước đây không hề có đầu óc bài ngoại. Nguyên nhân chính để giải thích cho sự lớn mạnh của Pegida chính là tình trạng nhập cư ngày càng mạnh ở Đức.
Hiện tại, nước Đức chỉ đứng sau Mỹ về người nhập cư. Từ đầu năm đến nay, nhà cầm quyền Đức đã nhận được 200 000 đơn xin tị nạn. Số người nhập cư vào Đức tăng nhanh trong thời gian qua, nhất là khi xung đột leo thang tại Irak và Syria. Năm 2008, Đức tiếp nhận 28000 người nhập cư, đến năm 2012 con số này tăng lên thành 77000, rồi 127000 vào năm 2013.
Người nhập cư quá đông làm chính quyền trở tay không kịp trong các chính sách nhân đạo. Bởi vậy, nhiều biện pháp theo kiểu cấp bách và tạm thời đã được nhà cầm quyền áp dụng, như: Dựng lều tạm bợ, tận dụng xe tải làm chỗ ở, sử dụng tạm trường học hoặc doanh trại quân đội…
Và đều đó đương nhiên ảnh hưởng đến đời sống người địa phương. Bởi vậy mà "dư luận Đức ra sức phản đối các khu lều tạm bợ" đó.
Người dân Đức cũng tức giận vì nhà cầm quyền tiếp nhận nhập cư mà không hề để ý đến tâm trạng của người dân. Tờ Libération dẫn lời một nhà xã hội học nhận định rằng: "Pegida sẽ dần biến mất nếu nhà cầm quyền biết để ý lắng nghe và thấu hiểu những lo âu của người dân".
Nhập cư thật sự là cần thiết cho Đức bởi lẽ dân số nước này thuộc loại dân số già, và vì ngành công nghiệp Đức đang thiếu nguồn nhân công có chất lượng. Thế nhưng, những hệ quả phát sinh từ nhập cư làm cho người bản xứ lo ngại, như việc gia tăng thất nghiệp, sự xuống dốc của đạo đức xã hội, sự gia tăng tội phạm, và đặc biệt là sự mất dần « giá trị đặc thù của người Đức".
Nguồn Bizlive