Thứ Tư | 14/05/2014 17:41

Người Trung Hoa và bản nhạc "Hãy về nhà"

Bất kỳ ai trong mỗi chúng ta cũng luôn mong muốn được trở về nhà, vào mỗi cuối ngày. Chỉ có điều, sự trở về tưởng như rất đỗi đơn giản, bình dị ấy lại chỉ có thể có được giữa cuộc sống hòa bình.


Ở Trung Quốc, không có cách nào hiệu quả hơn để mọi người rời khỏi một địa điểm nào đó bằng cách bật bản nhạc "Going Home" (Hãy về nhà) của nghệ sĩ saxophone người Mỹ Kenny G. Bản nhạc gây sốt trên toàn thế giới kể từ khi ra mắt hồi năm 1989, "Going Home" thậm chí đã trở thành một bản nhạc gắn liền với đời sống của người dân Trung Quốc.

Theo nhận định của hàng loạt tờ báo nổi tiếng như New York Times, Rolling Stone, hay Huffington Post…, ở Trung Quốc, để nhanh chóng giải tán đám đông tại các khu chợ, cửa hàng vào lúc cuối giờ chiều, để nhanh chóng kết thúc một ngày làm việc ở các cơ quan, công sở, người ta thường bật bản nhạc này.

Giai điệu chậm rãi, nhẹ nhàng, da diết của "Going Home" được các nhà hàng, cửa hiệu, siêu thị, trường học, ga tàu… bật lên mỗi ngày vào lúc cuối giờ chiều như một lời nhắn đến người nghe rằng đã đến lúc để trở về nhà.

Nghệ sĩ saxophone người Mỹ Kenny G
Nghệ sĩ saxophone người Mỹ Kenny G

Nếu hỏi người dân Trung Quốc tại sao bản nhạc này lại được bật lên ở khắp mọi nơi một cách thường xuyên đến vậy, họ cũng không thể giải thích được, chỉ biết rằng đã từ hơn một thập kỷ nay, đời sống người dân Trung Quốc, đặc biệt là ở những thành phố lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải…, "Going Home" đã trở thành "bản nhạc quốc dân", đã trở nên rất quen thuộc và gắn bó với đời sống của họ. Cứ khi nghe giai điệu này vang lên, người ta lại biết rằng một ngày nữa đã kết thúc và đã đến lúc để trở về nhà.

Đối với những người sở hữu nhà hàng, cửa hiệu ở Trung Quốc, họ coi "Going Home" như một bản nhạc không thể thiếu để tạm biệt các vị khách trước giờ đóng cửa.

Đối với giới trẻ Trung Quốc, ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường, bản nhạc này đã trở nên rất quen thuộc bởi nó thường được bật lên tại các thư viện khi chuẩn bị đóng cửa. Phỏng vấn cảm giác của một số người lao động Trung Quốc, họ đều chia sẻ rằng khi bản nhạc này bắt đầu vang lên, họ như có thêm động lực để làm việc nhanh nhẹn, gấp gáp hơn, để hoàn tất những gì còn dang dở và sớm trở về nhà đúng giờ.

Dù bản nhạc này đã ra đời từ lâu, đã được bật lên thường xuyên hàng ngày trong đời sống thường nhật của người dân Trung Quốc, người dân nơi đây vẫn rất thích nghe bản nhạc này mỗi khi rảnh rỗi. Bản nhạc đứng thứ 4 trong top 10 video được xem nhiều nhất trên trang chia sẻ video Youku của Trung Quốc (tương tự như trang YouTube).

Đã có lần Kenny G (tác giả) đến Trung Quốc và nghe thấy bản nhạc "Going Home" vang lên trên quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh, khi anh đến Thượng Hải đánh golf cũng nghe thấy bản nhạc được bật, thậm chí tình cờ vào một cửa hàng nhỏ nào đó, Kenny G cũng thấy "Going Home" vang lên.

Kenny G cho biết: "Tôi có mong muốn kiếm được thêm doanh thu từ những sản phẩm âm nhạc của mình không? Đương nhiên là có. Nhưng tôi đầu hàng trước thực tế này, đầu hàng trước cách mà mọi việc diễn ra ở nơi đây". Điều mà Kenny G muốn nhắc tới chính là vấn nạn vi phạm bản quyền nghiêm trọng bản nhạc này ở Trung Quốc. Người Trung Quốc thản nhiên nghe bản nhạc này ở khắp mọi nơi công cộng mà chẳng bao giờ suy tính đến chuyện bản quyền.

Từ những gì đang diễn ra, Kenny G chỉ có thể tự nhủ mình đã rút ra được một kinh nghiệm nhỏ khi đến biểu diễn ở Trung Quốc, đó là hãy biểu diễn "Going Home" ở cuối chương trình.

***
Người Trung Quốc thích nghe "Going Home" để được trở về nhà. Những người Trung Quốc đang trên giàn khoan 981 và tàu thuyền quanh giàn khoan hẳn cũng muốn nghe bản nhạc này và muốn trở về nhà. Hãy "trở về nhà" đúng lúc.

Bất kỳ ai trong mỗi chúng ta cũng luôn mong muốn được trở về nhà, vào mỗi cuối ngày.

Chỉ có điều, sự trở về tưởng như rất đỗi đơn giản, bình dị ấy lại chỉ có thể có được giữa cuộc sống hòa bình.

Nguồn Dân trí


Sự kiện