Thứ Bảy | 27/07/2013 11:29

Mỹ: Ở phố an toàn hơn ở quê?

Ở Mỹ, vật có tính sát thương cao được dùng vô ý hay có chủ ý như súng, vẫn thua đối tượng “xe hơi” trong danh sách đen những “kẻ giết người".
Hàng loạt những bộ phim điện ảnh Hollywood gây cho người xem cảm giác rằng sống tại các thành phố lớn ở Mỹ không an toàn. Nhưng, một nghiên cứu mới đây lại cho thấy tình trạng bạo lực và tội ác ở vùng nông thôn đang dần trở nên đáng báo động.

Cùng nghe chia sẻ của Bryan Walsh, biên tập viên của tờ tạp chí Time về vấn đề này.

Thói quen đi bộ và sử dụng các phương tiện công cộng giúp người thành phố có lối sống khỏe mạnh hơn.
Thói quen đi bộ và sử dụng các phương tiện công cộng giúp người thành phố có lối sống khỏe mạnh hơn.

Tôi sinh ra và lớn lên tại Doylestown, vùng ngoại ô thành phố Philadelphia. Cha mẹ tôi là những người dân Philadenphia chính gốc, vậy nên khi họ chuyển về đây sinh sống từ cuối những năm 70, Doylestown giống như một thị trấn quê mùa, với những cánh đồng ngô và nông trang nuôi bò sữa trải rộng dài cho tới khu trung tâm.

Mãi đến giờ, tôi mới nhận ra vẻ đẹp của nơi mình chôn rau cắt rốn, dù suốt thời thơ ấu, thị trấn quê hương trong mắt tôi thật buồn chán, tẻ nhạt.

Khi đã trưởng thành, tôi còn ý thức rõ hơn một điều: Doylestown là một nơi ở thật sự an toàn. Có rất ít vụ việc phạm pháp xảy ra tại đây, nhất là khi so sánh với tình trạng bạo lực, mất trật tự an ninh đứng hàng đầu nước Mỹ của vùng thành thị Philadenphia những năm 80. Dường như vào thời điểm đó, những vụ án mạng đẫm máu là một phần của thành phố, biến Philadenphia trở thành một miền đất tai tiếng, đầy rẫy nguy hiểm rình rập.

Thế nhưng, thời thế đã đổi thay và có lẽ ngày nay, thành phố - chứ không phải nông thôn - mới là địa điểm sống an toàn cho mọi người dân Mỹ. Những cải thiện trong chính sách, giảm thiểu tình trạng nghiện ngập và nâng cao chất lượng môi trường sống đã giúp thay đổi hình ảnh tệ nạn của nhiều thành phố.

Ngay cả ở Philadenphia, nơi kinh tế vẫn còn nhiều bất ổn và chưa thể phục hồi sau những cuộc chuyển cư của người da trắng thời thập niên 70, 80, người ta ghi nhận số vụ giết người đã giảm xuống còn 329 tính tới năm 2012, tức là giảm đáng kể so với mấy mươi năm về trước.

Nhiều thành phố khác còn đạt được những nỗ lực cải thiện đáng kinh ngạc hơn, ví dụ như ở New York - thành phố nơi tôi đang sống và làm việc với 8.2 triệu dân, số án mạng đã giảm xuống còn 414 vụ, mức thấp nhất trong vòng 50 năm trở lại đây.

Dù vậy, người Mỹ vẫn còn rất hoang mang, và theo một cuộc điều tra vào năm 2011 của viện Gallup, đa phần người dân vẫn cho rằng tình trạng tội phạm trong nước đang diễn biến ngày càng trầm trọng. Những ám ảnh về bạo lực và tội ác trong quá khứ, cùng thói thổi phồng của cánh săn tin, đã khiến niềm tin và sự lạc quan của người dân khó lòng hồi phục.

Nhưng tôi dám chắc rằng, bất kể tình hình có ra sao thì hiện nay, các thành phố đã trở thành những địa điểm sinh sống an toàn. Theo một nghiên cứu gần đây của chuyên san Annals of Emergency Medicine, sống tại các thành phố lớn ở Mỹ an toàn hơn nhiều so với sống ở vùng nông thôn. Khả năng tử vong - xảy ra do cả tội phạm và tai nạn - cao hơn tới 20% tại những vùng quê tưởng chừng như rất yên bình.

Trưởng nhóm nghiên cứu, tiến sỹ Sage R. Myers đến từ Đại học bang Pennsylvania và Bệnh viện Nhi thành phố Philadenphia, khẳng định: “Người ta vốn vẫn nghĩ thành phố là nơi hiểm nguy luôn rình rập, ra khỏi thành phố thì hẳn an toàn hơn, nhưng nghiên cứu của chúng tôi chỉ ra rằng suy nghĩ này không còn đúng nữa.”

Nghiên cứu đã tìm hiểu và phân tích 1.295.919 vụ chết người xảy ra tại Mỹ trong khoảng năm 1999 đến 2006, phát hiện ra rằng tỷ lệ tử vong xảy ra do chấn thương không cố ý cao hơn tới 15 lần số vụ giết người có chủ ý. Điều đó có nghĩa là bất kể bạn sống ở thành thị hay nông thôn, khả năng bạn bị sát hại (do kẻ khác hay do chính bạn tự ý gây ra) vẫn thấp hơn nhiều khả năng chết do tai nạn. Điển hình nhất là những vụ tai nạn giao thông (đụng xe oto, moto) có tỉ lệ gây chết người cao hơn 1.4 lần so với những “thủ phạm” xếp hạng sau nó.

Nghiên cứu không giải thích tại sao chết do chấn thương phổ biến hơn ở vùng nông thôn so với thành thị, nhưng rõ ràng những số liệu nêu trên cũng nói lên nhiều điều. Rủi ro chết người liên quan tới bạo lực súng đạn không có mấy khác biệt giữa hai địa bàn sinh sống, song lại có tương quan với độ tuổi, và không thể phủ nhận là đối với những cư dân từ 20 tới 44 tuổi sống ở thành phố thì khả năng tử vong do vũ khí cao hơn hẳn.

Dù vậy, thực tế là hiện nay, nhiều gia đình sống ở vùng nông thôn sở hữu súng và vũ khí ở mức cao hơn hẳn so với các gia đình ở thành thị, và đáng báo động hơn là trẻ em nông thôn dễ tiếp cận với những thứ vũ khí này, gây ra những vụ việc vô cùng đáng tiếc.

Song một điều có thể chắc chắn, là “súng” - vật có tính sát thương cao được sử dụng vô ý hay có chủ ý - vẫn chưa thể vượt qua đối tượng “xe hơi” trong danh sách đen những “kẻ giết người”.

Ở vùng nông thôn Mỹ ngày nay, người ta lái xe nhiều hơn, lâu hơn, nhanh hơn và “say xỉn” hơn nhiều so với thành phố, nơi mà nhiều người đang có xu hướng chuyển sang đi bộ và sử dụng các phương tiện giao thông công cộng. Theo điều tra thì cứ 100.000 người sống ở vùng nông thôn thì lại có gần 28 ca tử vong xảy ra do tai nạn xe gắn máy. Và thực tế cho thấy những người dân sống tại New York (thành phố đông dân nhất Hoa Kỳ) có tuổi thọ trung bình cao hơn 2,2 năm so với mức toàn quốc hẳn cũng có những cơ sở của nó.

Lẽ dĩ nhiên, không phải thành phố nào cũng là nơi an toàn để sinh sống, ví dụ như Chicago đang nổi lên trong một vài năm trở lại đây như một điểm nóng bạo lực; hay Detroit hiện đã trở thành thành phố của phá sản và tệ nạn. Song, những nghiên cứu và số liệu không phải là vô giá trị, bởi dù khiếp hãi với những mối nguy tiềm ẩn tại thành phố đến thế nào, ta cũng không nên phớt lờ những đe dọa khi sống ở vùng nông thôn. Quan trọng là, dù sống ở đâu, chúng ta vẫn nên biết cách tự bảo vệ mạng sống của chính mình.

Nguồn Time/Dân Việt


Sự kiện