Istabul: Loạn ở quảng trường Taksim qua lời kể của người "chạy bom"
Công viên bị phá bỏ nhằm mục đích tái thiết lập một kiến trúc mang mô hình doanh trại thời kỳ đế chế Ottoman, cùng một thương xá (hay một công trình nào đó) sẽ được xây dựng trong quần thể này.
Lúc đầu chỉ có khoảng 60 người bày tỏ thái độ chống đối quyết định nêu trên, bằng việc dựng trại trong công viên, và cảnh sát liên tục tìm cách giải tán nhóm người này bằng hơi ga, vòi phun và sung bắn đạn nhựa. Sau đó, càng ngày càng có nhiều người kéo đến tham gia nhóm chống đối, và chính quyền buộc phải điều động thêm nhiều cảnh sát nhằm kiểm soát tình hình.
Vào ngày 2/6, thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan ra quyết định giải tán đám đông biểu tình, tuyên bố ông không cần sự đồng thuận của một “lũ giặc cướp” (capulu) để có thể thực hiện các kế hoạch của mình đối với đất nước. Cách dùng từ mạnh bạo đi kèm phát ngôn sai lầm về quy mô cuộc biểu tình đã dẫn tới một kết quả thảm hại, khi “lũ cướp” - theo lời ông Erdogan - đã biến thành một làn sóng phẫn nộ lan ra khắp cả nước.
Biến thể tiếng Anh của từ capulu - chappulling đã xuất hiện và trở nên phổ biến trên mạng internet với ý nghĩa “đấu tranh cho quyền công dân”.
Nhà ngôn ngữ học Noam Chomsky cũng đăng tải một thông điệp qua video, trong đó ông tự nhận mình là một “capulu”. Và kể từ thời điểm này, công viên Gezi đã thực sự trở thành một điểm nóng đầy rối ren, với những khu trại mọc lên, nơi hàng ngàn con người tập hợp lại hàng ngày và hàng trăm con người trú ngụ khi màn đêm buông xuống, nơi những thợ cắt tóc “capulu” thực hiện miễn phí dịch vụ của mình, nơi thư viện “capulu” phân phát sách miễn phí, và cũng là nơi mà những lý tưởng dân tộc, cộng sản, xã hội, nữ quyền chủ nghĩa cũng như chủ nghĩa dân tộc tự quyết cho người Kurd tại Thổ Nhĩ Kỳ cùng tồn tại hòa bình dưới bóng khẩu hiệu “Mọi ngày tôi không ngừng đấu tranh” (Everyday I’m Chapulling).
Và trong lúc tất cả đều đang chờ đợi động thái mới của ông Erdogan, thì sớm ngày 11/6, một đội hình cảnh sát chống bạo động đã xuất hiện với hơi cay và vòi rồng. Ngay lập tức, lời kêu gọi trả đũa vì nền hòa bình đã được truyền đi qua các mạng xã hội như Twiter hay Facebook, và đến 7h tối hôm đó, hàng chục người đã tụ tập tại quảng trường Taksim.
Thang cuốn kính dẫn xuống tàu điện ngầm đã bị nghiền nát vụn, và những vỉa hè bị bật tung. Những người bán hàng rong rao bán những chiếc mặt nạ chống độc khi một chiếc xe xây dựng cháy đùng đùng, bốc lên từng tầng dày khói đen mù mịt. Những người bán cờ chạy xuyên qua khu quảng trường tan hoang và ngập ngụa khói, ôm đầy trong vòng tay những lá cờ đỏ Thổ Nhĩ Kỳ.
Khi tôi và một người bạn chạy tới một cửa hàng ăn nhanh gần đó và núp dưới mái hiên nhìn ra phía quảng trường thì cũng là lúc những viên cảnh sát chống bạo động bắt đầu xả súng hơi cay vào đám đông.
Hai người đàn ông ngồi bàn bên vội đeo chiếc mặt nạ khí và rút ra một chiếc máy quay, bắt đầu ghi nhanh một bản tin. Những người trong quán chạy vội vào trong nhà, tôi thì còn nán lại vài giây để nhìn những đám khí khét mù cuộn tròn dọc con phố, và trước khi tôi kịp nhận ra tốc độ di chuyển của đám khí đó, nó đã xộc tới những đám đông đang tháo chạy, tiến đến bậc thềm nơi tôi đang đứng và làm tối đen cả bầu trời.
Tôi vội vã chạy vào bên trong quán ăn. Dù vậy, những tấm kính cửa cũng chẳng mấy tác dụng. Chỉ sau một lúc, tất cả chúng tôi đều bị sặc hơi cay thảm hại. Nước mắt giàn giụa, tôi chỉ biết xin lỗi bạn tôi vì lựa chọn trú ẩn sai lầm của mình. Song cô ấy lại nói: “Mình thấy may vì chúng ta ở đây, giờ thì thấy mọi chuyện kinh khủng thế nào rồi đấy. Mình đã hiểu những con người khi giận dữ họ trở nên khủng khiếp thế nào”.
Một lúc sau, những người tình nguyện phân phát cho chúng tôi sữa, một phần để rửa trôi hơi cay, trong khi một nhân viên nhà hàng đeo tạp dề mang đến những chai nước. Cuộc vây hãm ở Taksim đã kéo dài suốt đêm đó và sang đến sáng hôm sau.
Tính tới thời điểm này đã có năm người chết trong các vụ biểu tình tại Thổ Nhĩ Kỳ, ít nhất 10 người bị đạn nhựa bắn mù một bên mắt. Một nhân viên cứu hộ kể với tôi rằng cô ấy đã thấy một người đàn ông bị bắn vỡ sọ bằng đạn hơi cay.
“Anh hỏi là cảnh sát chúng tôi nghĩ và cảm thấy thế nào khi ném một quả bom khí vào đồng bào mình ư? Rất giản dị: Giá như tất cả những chuyện này kết thúc, chúng tôi được về nhà và ngủ yên. Giá như chúng tôi có thể ở bên vợ con của mình. Cảnh sát không phải là người chịu trách nhiệm cho những biến cố này, nhưng cảnh sát luôn là kẻ mang tội. Cảnh sát cũng phải chịu đựng như những công dân khác. Quyền lợi của chúng tôi bị gạt sang bên. Cuộc sống của chúng tôi trong những ngày qua cũng chẳng dễ chịu gì, làm nhiệm vụ hàng trăm giờ đồng hồ, được vài giờ ngủ vạ vật trên vỉa hè. Không có viện trợ, không được tắm rửa hay đi vệ sinh. Trong tình cảnh như thế thì anh cũng hiểu rồi đấy. Các anh nhìn chúng tôi như lũ ác quỷ và mong đợi chúng tôi đối xử với người biểu tình với lòng nhân ái. Cảnh sát đã mất đi năng lực để suy nghĩ thông suốt trong hoàn cảnh hiện nay. Anh có biết rằng trong tuần vừa qua, đã có 5 cộng sự của tôi tự sát hay không?”
(Và theo tờ Hurriyet ghi nhận, hiện đã có 6 cảnh sát tự kết liễu đời mình.)
“Một người bạn tôi nhìn thấy mình trên một bản tin, hình ảnh quay được là khi anh ta đang đá mạnh vào một người phụ nữ nằm trên mặt đất. “Chúa ơi, tôi không thể tin được đó lại là mình, tôi đâu có đá vào người phụ nữ đó, sao một con người có thể làm thế được cơ chứ?”- anh ta kêu lên. Mười sáu năm đèn sách, học hết đại học, rồi trở thành viên chức cảnh sát. Một ngày kia, một kẻ biểu tình nói vào mặt anh: “Hãy trở thành một người biểu tình và sống thật vinh quang!”. Cả một hệ thống sụp đổ - mọi sự sẽ ra sao nếu cảnh sát cũng đổ xuống đường bạo loạn?”
Một vài giờ trước, thủ tướng Erdogan đưa ra “tối hậu thư cho những kẻ phiến loạn”. Ông ta nói: “Sự kiên nhẫn của tôi đã cạn kiệt. Tôi đưa là lời cảnh cáo cuối cùng tới những bậc làm cha làm mẹ, hãy kiểm soát con cái mình và lôi chúng ra khỏi tình trạng hỗn loạn hiện nay”.
Cùng xem tờ New Yorker đăng tải những bức ảnh khác tái hiện chân thực cảnh tượng hỗn loạn tại Thổ Nhĩ Kỳ dưới ống kính của phóng viên-nhiếp ảnh gia Giorgos Moutafis:
Nguồn Dân Việt