Thứ Năm | 19/02/2015 08:01

Đi tìm ngôn ngữ của thế giới của 10 năm sau

Sau một thế kỷ nữa tính từ năm 2015, số lượng ngôn ngữ trên thế giới dự báo sẽ giảm dần nhưng ngày càng đơn giản hơn.

Năm 1880, một linh mục người Bavaria (Đức) đã pha trộn 3 thứ tiếng Pháp, Đức, Anh để tạo ra loại ngôn ngữ riêng Volapük với hy vọng rằng, đây sẽ là ngôn ngữ chung cho cả thế giới. Tuy nhiên, ngôn ngữ Volapük lại rất khó sử dụng và rắc rối với những phát âm kỳ quặc.

Volapük chỉ tạo được sự chú ý trong vài năm và sớm bị phớt lờ khi con người sáng tạo ra một loại ngôn ngữ mới gọi là Esperanto (quốc tế ngữ). Trên thực tế, Esperanto có tên gọi "thuận tai" hơn và dễ học hơn Volapük. Một người ham chơi cũng có thể nhận biết các quy tắc sử dụng Esperanto chỉ trong 1 buổi chiều.

Tuy nhiên, Esperanto cũng dần bị "đào thải" khi tiếng Anh bắt đầu nổi lên với vai trò là phương tiện giao tiếp quốc tế. Hai nghìn năm trước, tiếng Anh là ngôn ngữ nói của các bộ lạc ở Đan Mạch trong thời kỳ Đồ Sắt. Một nghìn năm sau đó, tiếng Anh lại bị xem là "cái bóng" của tiếng Pháp. Thời điểm đó, có nằm mơ cũng không ai nghĩ rằng, tiếng Anh lại được gần 2 tỷ người trên thế giới, tương đương 1/3 dân số thế giới, sử dụng để giao tiếp với nhau trong thời đại này.

Những bộ phim khoa học viễn tưởng thường xây dựng bối cảnh về các hành tinh mà tại đó, người dân đều dùng chung một ngôn ngữ. Đối với Trái Đất, ý tưởng này lại là sự đe dọa nghiêm trọng đến đời sống thực. Một số người lo ngại rằng, sự phổ biến của tiếng Anh sẽ dần làm mai một, thậm chí xóa sổ hoàn toàn các ngôn ngữ bản địa khác. Con người, đang từ việc có thể bộc lộ bản thân theo hàng nghìn cách khác nhau thì giờ lại bị giới hạn trong một vài cách. Nói cách khác, thế giới sẽ mất dần tính đa dạng về văn hóa và ngôn ngữ.

 

Tuy nhiên vẫn còn quá sớm để khẳng định rằng, tiếng Anh sẽ trở thành ngôn ngữ duy nhất của cả thế giới. Một số người khác cho rằng, tiếng Trung Quốc cuối cùng sẽ trở thành ngôn ngữ của thế giới với lợi thế quy mô dân số lớn và tiềm lực kinh tế mạnh. Tuy nhiên, đây lại là khả năng càng khó xảy ra hơn. Thứ nhất, tiếng Anh đang được ưa chuộng hơn rất nhiều khi tạo được ảnh hưởng sâu rộng trong lĩnh vực in ấn, giáo dục và truyền thông, đến nỗi chúng ta vẫn đang gọi bàn phím QWERTY hay mạch điện (xoay chiều) AC (alternative current). Hơn nữa, âm điệu và hệ thống chữ viết của tiếng Trung Quốc đặc biệt khó học, nhất là với người trưởng thành. Thậm chí, nhiều người Trung Quốc vẫn còn viết nhầm Hán tự.

Tất nhiên trước đó, nhiều người cũng từng theo học một số ngôn ngữ nổi tiếng "khó nhằn" như Hy Lạp, Latin, Aram, Abrab, Nga hay Trung Quốc. Tuy nhiên cuối cùng, tiếng Anh vẫn đích đến của đa phần người dân trên khắp thế giới. Với độ phủ rộng khắp như hiện nay, rất khó để tìm ra ngôn ngữ thay thế cho tiếng Anh. Thậm chí, nếu có thể thống trị thế giới thì Trung Quốc cũng sẽ cai trị bằng tiếng Anh.

Suy cho cùng, để thay đổi được ngôn ngữ của một quốc gia, vốn đã gắn liền với lịch sử, văn hóa của cả dân tộc, gắn liền với người dân ngay từ thuở lọt lòng, vẫn không phải là điều dễ dàng. Ai có thể tưởng tượng nổi, một đất nước Nhật Bản mà không có ai nói tiếng Nhật Bản hay một nước Hy Lạp? Trên thực tế, mọi người chỉ có xu hướng dùng tiếng Anh để giao tiếp với thế giới bên ngoài trong khi vẫn sử dụng ngôn ngữ bản địa của mình.

Không phải ngẫu nhiên mà đa ngôn ngữ lại bị xem là lời nguyền của Chúa đối với con người. Trong câu chuyện về Tháp Babel trong Kinh Thánh (Sách Sáng Thế ký), khi con người khởi công xây dựng một thành và một ngôi tháp có ngọn cao đến tận trời, Chúa đã tức giận và xáo trộn ngôn ngữ của cả thế giới để ngăn cản loài người hiểu tiếng nói của nhau (Trước đó, cả thế giới chỉ có một ngôn ngữ và cùng một thứ tiếng).

Tranh tượng trưng cho câu chuyên về Tháp Babel trong Kinh Thánh
Tranh tượng trưng cho câu chuyên về Tháp Babel trong Kinh Thánh

Một người vượt thời gian tới tương lai (một thế kỷ tính từ thời điểm hiện tại), có thể sẽ nhận thấy 2 đặc điểm về ngôn ngữ. Một là, sẽ có ít ngôn ngữ hơn và hai là, ngôn ngữ sẽ đơn giản hơn so với hiện nay, đặc biệt trong cách nói và viết.

10 năm nữa, tức vào năm 2115, có thể sẽ chỉ còn khoảng 600 ngôn ngữ tồn tại trên Trái Đất, thấp hơn nhiều so với mức hiện tại là 6000 ngôn ngữ. Tiếng Nhật có lẽ sẽ vẫn tồn tại nhưng ngôn ngữ nói của các dân tộc ít người chắc chắn sẽ gặp khó khăn.

Quá trình thuộc địa hóa là một trong những nguyên nhân chính khiến nhiều ngôn ngữ biến mất. Theo đó, những nước xâm lược thường ra lệnh giết hoặc trừng phạt người dân sử dụng ngôn ngữ bản địa. Đó là lý do tại sao hầu hết các ngôn ngữ của dân bản xứ ở Bắc Mỹ và Australia đều đã và đang biến mất. Một yếu tố quan trọng khác là quá trình đô thị hóa. Đô thị hóa đồng nghĩa với việc người dân phải rời bỏ quê hương để lên các thành phố - nơi thường chỉ sử dụng một ngôn ngữ duy nhất - để kiếm kế sinh nhai.

Thậm chí, khả năng biết (đọc - viết) chữ cũng có thể đe dọa đến sự đa dạng của ngôn ngữ. Theo suy nghĩ hiện đại, ngôn ngữ sử dụng trong văn viết có phần thực tế và chính thống hơn, trong khi nhiều ngôn ngữ chỉ được sử dụng trong văn nói lại có phạm vi rất hạn chế và dễ bị phai mờ. Suy nghĩ này xuất phát từ một ý tưởng cố hữu cho rằng, chỉ cần có chữ viết thì đã được xem là một ngôn ngữ. Một ví dụ điển hình cho trường hợp này là tiếng Đức cổ. Thứ tiếng này vốn bị xem là một ngôn ngữ chết dù vẫn có hàng trăm nghìn người tại Mỹ và Israel hiện đang sử dụng tiếng Đức cổ trong giao tiếp hàng ngày, nhưng lại ít được sử dụng trong văn viết.  

 

Ngày nay, con người thường hay gán ghép rằng, những ngôn ngữ thịnh hành sẽ mang lại nhiều cơ hội cho người sử dụng, còn các ngôn ngữ khác lại chỉ thể hiện sự lạc hậu. Kết quả là, người ta không còn "đếm xỉa" cũng như tiếp tục lưu truyền những ngôn ngữ ít phổ biến hơn cho thế hệ sau.

Tuy nhiên, mọi thứ hoàn toàn ngược lại đối với trường hợp của chính trị gia Chris Deschene dưới đây. Chỉ vì không thành thạo tiếng Navajo nên ông Deschene đã mất hoàn toàn cơ hội để trở thành người đứng đầu đất nước này. Có người cho rằng, ông Deschene nên trau dồi thêm tiếng Navajo nhưng việc đó rõ ràng là một thách thức quá lớn đối với ông. Một phần vì, tiếng Navajo không hề có những thứ như động từ thường. Điều này có nghĩa là, ông Deschene sẽ phải học thuộc lòng tất cả các dạng của toàn bộ động từ. Chưa kể Navajo là ngôn ngữ có thanh điệu.

Ngôn ngữ ngày càng phát triển phức tạp theo thói quen của con người. Ví dụ chỉ với câu "I will buy it" (Tôi sẽ mua nó), người ta sẽ có 2 cách nói khác nữa mặc dù nghĩa không thay đổi quá nhiều. Một là, "I am going to buy it" với ý nhấn mạnh rằng, hành động "buy" sẽ diễn ra ngay sau thời điểm nói. Hai là, "I am gonna buy it" với từ "gonna" là cách nói tắt của "going to".

Bất kỳ ngôn ngữ nào cũng đều xảy ra vô số trường hợp như vậy, nhất là khi xã hội và truyền thông ngày càng phát triển nhanh chóng. Thậm chí, phần lớn các ngôn ngữ còn không có sự phân biệt giữa "he" và "she". Tiếng Anh có lẽ cũng sẽ đơn giản hơn nếu không có cả "will" và "gonna" hay các động từ bất quy tắc,... Hay như ngôn ngữ của Nam Phi, thường không chỉ có 2 hay 3 âm bật nhưng có hàng chục âm bật khác nhau. Đối với tiếng Trung, người học cần phải phân biệt 4 thanh điệu khác nhau để luận ra nghĩa của từ trong khi ngôn ngữ của người Đông Nam Á lại có 8 thanh điệu. Với các chữ cái giống nhau, mỗi thanh điệu sẽ tạo ra một từ có nghĩa khác nhau.

Tuy nhiên, chính những yếu tố khiến ngôn ngữ trở nên phong phú là lại những trở ngại lớn đối với việc phục hồi một ngôn ngữ từng biến mất. Rõ ràng, khi càng trưởng thành, bận rộn và tự ý thức hơn, con người càng khó tiếp thu những thứ khó nhằn.

Trên thực tế, ngôn ngữ không phải là một thứ gì đó có thể dễ dàng cắt tỉa như một bụi cây và trẻ em cũng chẳng gặp nhiều khó khăn khi tiếp nhận một thứ ngôn ngữ kỳ quặc nào đó.

Hiện nay, dù công tác bảo vệ sự đa dạng của ngôn ngữ đang được đẩy mạnh nhưng thực tế cho thấy, rất ít người có xu hướng nuôi dạy con cái chỉ bằng một thứ ngôn ngữ duy nhất, đặc biệt là những ngôn ngữ đang có nguy cơ tuyệt chủng.

 

Nhiều cộng đồng đang bỏ qua việc dạy dỗ ngôn ngữ bản địa và tạo ra phiên bản mới của ngôn ngữ đó với khối lượng từ vựng ít hơn và ngữ pháp đơn giản hơn. Điển hình như ở Ireland, người dân có thể nói 2 thứ tiếng Ireland (Gaelic) và tiếng Anh cùng một lúc và người ta gọi đó là tiếng Gaelic Mới. Hiện nay, ngôn ngữ ngày càng phát triển theo xu hướng như vậy, đặc biệt là trong vài thiên niên kỷ qua. Nói cách khác, ngôn ngữ ngày càng có xu hướng đơn giản hơn so với thời kỳ tiền hiện đại.

Làn sóng biến đổi ngôn ngữ đầu tiên diễn ra vào thời điểm khi lĩnh vực công nghệ bắt đầu bùng nổ và cơ cấu dân số dần chuyển dịch. Khi đó, con người bắt đầu vượt đại dương sang một lãnh thổ khác. Ngôn ngữ cũng theo đó di cư theo và được người lớn tiếp thu. Tuy nhiên, người lớn lại không dễ dàng nhận biết rõ các chi tiết của một ngôn ngữ như trẻ con. Và kết quả là, ngôn ngữ mà họ tạo ra đơn giản hơn nhiều so với ban đầu.

Ví dụ vào thế kỷ thứ 8 khi tộc người Viking xâm lược nước Anh và bắt đầu lập gia đình, sinh con cháu. Trước khi người Viking xâm lược, trẻ em ở Anh được nuôi dạy bằng thứ tiếng Anh cổ với 3 giống, 5 thời và bộ ngữ pháp khá phức tạp. Tuy nhiên sau khi bị Viking xâm lược, nước Anh có thêm ngôn ngữ mới gọi là tiếng Anh hiện đại - một trong số ít những ngôn ngữ tại châu Âu không gán giống cho những vật vô tri vô giác. Ngoài ra, tiếng Mandarin, Ba Tư, Indonesia và nhiều ngôn ngữ khác cũng từng trải qua quá trình biến đổi tương tự.

Làn sóng đơn giản hóa ngôn ngữ thứ 2 diễn ra khi một số cường quốc châu Âu đem nhóm người nô lệ châu Phi về nước để sản xuất. Khi đó, người lớn buộc phải nhanh chóng học hỏi ngôn ngữ mới để thích nghi. Một thực tế cho thấy là, nhóm người nô lệ thường chỉ học được vài trăm từ mới và một số cấu trúc câu. Từ đó, nhóm người này bắt đầu phát triển ra ngôn ngữ mới gọi là Creole. Creole sau này được phát triển thành nhiều nhánh khác nhau như, tiếng Creole Arab do các binh lính châu Phi sáng tạo và sử dụng nhiều ở Sudan, tiếng Creole Đức ở New Guinea hay tiếng Creole Anh. Tuy nhiên, ngôn ngữ này lại không tồn tại được lâu dù Creole có phần dễ sử dụng hơn trong giao tiếp so với các ngôn ngữ cổ khác.

Hiện tượng di cư trong thời kỳ hiện đại cũng đang tạo nên làn sóng biến đổi ngôn ngữ thứ 3. Tại các thành phố lớn trên toàn thế giới, thế hệ con cháu của nhóm dân nhập cư cũng đang nói những ngôn ngữ mới - là kết quả của sự pha trộn giữa ngôn ngữ gốc (ngôn ngữ chính thức của đất nước họ đang sinh sống) và cách phát âm, sử dụng của bố mẹ họ.

 

Rõ ràng, thế giới đang được chứng kiến làn sóng biến đổi mạnh mẽ của các ngôn ngữ. Hiện nay, giới chuyên gia vẫn chưa tìm ra thuật ngữ nào để chỉ những loại ngôn ngữ mới này. Tuy nhiên, thế giới không nên xem làn sóng đơn giản hóa ngôn ngữ là dấu hiệu của sự suy giảm về tính đa dạng của ngôn ngữ.

Hy vọng rằng, những ngôn ngữ vô tình bị lãng quên trong các làn sóng biến đổi này sẽ được ghi chép lại và truyền cho thế hệ sau. Con người chắc chắn sẽ hối tiếc nếu kho ngôn ngữ của thế giới chỉ còn lại 600 sau 10 năm nữa. Mặt khác, thế giới cũng nên vui mừng khi ngày càng có nhiều người có thể giao tiếp bằng một loại ngôn ngữ nhưng vẫn giữ được tiếng mẹ đẻ.

Tương lai của thế giới hứa hẹn sẽ vừa duy trì được sự đa dạng của ngôn ngữ vừa tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc. Suy cho cùng, việc tiếng Anh sẽ thống trị tương lai chẳng phải là "thiên đường" nhưng cũng chẳng phải là cuộc chiến khốc liệt của ngôn ngữ.

Tác giả bài viết là giáo sư John H. McWhorter dạy môn ngôn ngữ học, Nghiên cứu nước Mỹ, triết học và âm nhạc tại Đại học Columbia.

Nguồn DVO/ Wall Street Journal