theconversation.com

 
Thứ Tư | 10/04/2019 09:54

Thế giới muốn giảm điện than, Trung Quốc vẫn thúc đẩy hàng tá dự án mới

Năm 2018 là năm thứ 3 liên tiếp số lượng dự án điện than triển khai trên toàn cầu giảm mạnh.

Theo báo cáo mới của tổ chức Hòa Bình Xanh Ấn Độ (GreenPeace India), Sierra Club và tổ chức Giám sát Năng lượng Toàn cầu (Global Energy Minitor), năm 2018 là năm thứ 3 liên tiếp số lượng dự án điện than triển khai trên toàn cầu giảm mạnh. So với năm trước, công suất điện than năm 2018 giảm 20% tỷ lệ cấp phép mới (53% trong vòng 3 năm qua), giảm 39% hoạt động khởi công (84% trong vòng 3 năm qua), và giảm 24% hoạt động tiền xây dựng (69% trong vòng 3 năm qua).

Số nhà máy đóng cửa tiếp tục tăng với tốc độ kỷ lục. Đối với toàn cầu năm 2018 được ghi nhận là năm có số nhà máy đóng cửa nhiều thứ 3 so với các năm khác. Trong số đó, Mỹ chiếm một nửa (17.614 MW, tương đương 45 tổ máy) bất chấp nỗ lực ngăn cản của chính quyền Trump.

Sự suy giảm đối với hầu hết các chỉ số tăng trưởng của điện than cho thấy môi trường chính trị, kinh tế ngày càng thắt chặt đối với các nhà sản xuất trong ngành này, bao gồm các thắt chặt tài chính của hơn 100 tổ chức cũng như kế hoạch chấm dứt hoạt động của các nhà máy nhiệt điện than tại 31 quốc gia.

Một ngoại lệ rõ ràng đi ngược lại xu hướng giảm phát triển nhiệt điện than trên toàn cầu chính là Trung Quốc. Tại đây, ảnh chụp vệ tinh cho thấy chủ đầu tư đã âm thầm tái thi công hàng tá dự án đang tạm dừng hoạt động. Báo cáo mới đây của Hội đồng Điện tử Trung Quốc, cơ quan đại diện cho các công ty điện của nước này đã đề xuất hạn mức công suất mới cho ngành điện than Trung Quốc là 1.300 gigawatt. Mức điều chỉnh này sẽ cho phép bổ sung 290 gigawatt công suất điện than mới vào lưới điện quốc gia – nhiều hơn cả tổng công suất điện than của Mỹ (259 gigawatt).

Các tổ chức tài chính của Trung Quốc cũng đang nổi lên là nguồn cấp vốn hàng đầu cho các nhà máy nhiệt điện than mới bên ngoài lãnh thổ quốc gia này.

Báo cáo đưa ra cảnh báo rằng mục tiêu khí hậu sẽ không thể hoàn thành nếu không dừng ngay việc mở rộng các nhà máy mới và đẩy nhanh việc đóng cửa các nhà máy đang vận hành. 

“Từ năm 2015, công suất điện than mới đã giảm 60%” Christine Shearer, Nhà Nghiên cứu và Phân tích của Tổ chức Giám sát Năng lượng Toàn cầu (Global Energy Monitor) cho biết. “Tuy nhiên chỉ riêng các nhà máy điện than đang vận hành cũng đã không phù hợp với mục tiêu giữ mức tăng nhiệt độ của trái đất dưới 2oC. Vì vậy chúng ta cần nhanh chóng dừng sử dụng điện than trong thập kỷ tới để đạt được mục tiêu Paris về khí hậu.”

"Khi giá của các giải pháp năng lượng sạch và tái tạo như gió và mặt trời tiếp tục giảm xuống thấp hơn nhiên liệu hóa thạch, viễn cảnh than trở thành nguồn năng lượng của quá khứ trên toàn cầu chỉ còn là vấn đề về thời gian,” theo Neha Mathew-Shah, đại diện công lý môi trường của Chương trình Quốc tế, Sierra Club. “Mỹ đang trên đà xóa bỏ hoàn toàn điện than và chuyển sang 100% năng lượng sạch tới năm 2030, và chúng ta đang ở thời điểm quyết định để thúc đẩy và hỗ trợ các phong trào cộng đồng chuyển dịch từ than sang năng lượng sạch một cách công bằng, đặc biệt là các quốc gia ở Bán cầu Nam." 

“Hiện tại chính phủ Trung Quốc đang bắt đầu xây dựng các mục tiêu năng lượng cho thập kỷ tới, vì vậy các chủ đầu tư đang vận động để bổ sung thêm hàng trăm dự án nhiệt điện than. Mặc dù điều này không làm phá vỡ cam kết của Trung Quốc đối với Thỏa thuận Paris, nhưng chỉ thêm một dự án điện than được xây dựng thiếu kiểm soát thì chúng ta gần như không thể đạt được mục tiêu giảm phát thải cần thiết để tránh những thảm kịch của tình trạng nóng lên toàn cầu. Mục tiêu năng lượng của Trung Quốc có ảnh hưởng quan trọng tới phát thải của toàn cầu nhiều hơn quyết định chính sách của bất cứ quốc gia nào,” theo Lauri Myllyvirta, Trưởng nhóm phân tích của Chương trình Ô nhiễm không khí tại GreenPeace. 

Nguồn: GreenID