Thế giới đang thua trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu
Trong 18 trận cháy rừng đang hoành hành ở California, tệ nhất trong lịch sử của bang này, có một trận đang tạo ra nhiệt độ cao đến nỗi nó "tạo ra một khu vực khí hậu riêng". Các ngọn lửa càn quét qua miền duyên hải gần Athens hồi tuần trước đã khiến 91 người tử vong. Đợt sóng nhiệt tại Nhật Bản đã đẩy nhiệt độ ở Tokyo lần đầu tiên lên trên 40oC, giết chết khoảng 125 người.
Tuy nhiên, khi ngày càng có nhiều bằng chứng về ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thì quy mô của các thách thức ở phía trước ngày càng lớn. Ba năm sau Nghị định thư Paris, nơi các quốc gia hứa sẽ giữ mức tăng nhiệt độ không quá 2oC so với mức trước thời đại công nghiệp, hiện tại mức phát thải khí nhà kính đã tăng trở lại. Kèm theo đó là sự tăng đầu tư vào dầu và khí đốt.
Năm 2017, lần đầu tiên trong vòng 4 năm, nhu cầu sử dụng than lại tăng lên. Trợ cấp cho các nguồn năng lượng tái tạo như năng lượng gió và mặt trời đã giảm ở nhiều nơi, các nguồn đầu tư thì chững lại; năng lượng hạt nhân thân thiện với môi trường thì đắt đỏ và không phổ biến. Thật dễ để cho rằng đây chỉ là bước lùi tạm thời, và loài người với bản năng sinh tồn mãnh liệt sẽ vượt qua đống lộn xộn này để chiến thắng trong cuộc chiến ấm lên toàn cầu. Nhưng thực tế, chúng ta đang thua cuộc.
Sống trong thiên đường nhiên liệu
Khi các tấm năng lượng mặt trời, tuabin gió và các công nghệ ít phát thải cacbon khác trở nên rẻ và hiệu quả hơn, việc sử dụng chúng đã được tăng lên. Năm ngoái, số lượng xe chạy bằng điện bán ra trên toàn cầu đã vượt qua 1 triệu chiếc. Ở một số vùng nhiều ánh nắng và gió, năng lượng tái tạo hiện còn rẻ hơn dùng than.
Mối quan tâm của công chúng đang tăng lên. Một cuộc thăm dò ý kiến thực hiện ở 38 quốc gia vào năm ngoái cho thấy có 61% người dân nhận thấy biến đổi khí hậu là một nguy cơ lớn; chỉ có nhóm khủng bố IS là gây ra nhiều sợ hãi hơn. Ở phương Tây, một số nhà đầu tư đã nhắc đến việc thoái vốn khỏi các công ty kinh doanh dầu và than.
Dù Tổng thống Mỹ Donald Trump đã quyết định rút Mỹ khỏi Nghị định thư Paris, nhiều thành phố và bang của nước này đã tái khẳng định cam kết của mình đối với nghị định thư này. Ngay cả một số nghị sỹ Cộng hòa vốn không tin vào tình trạng biến đổi khí hậu nay cũng đã bớt lên tiếng phản đối việc giải quyết tình trạng này. Ở các quốc gia bị khói bụi bao phủ như Trung Quốc và Ấn Độ, người dân hiện đang nghẹt thở vì khói đã yêu cầu chính phủ xem xét lại các kế hoạch dựa vào phần lớn vào than đá để phát điện cho đất nước.
Những người lạc quan cho rằng việc từ bỏ việc phát thải carbon đang trong tầm tay. Tuy nhiên, chỉ nội việc đưa ra được một mục tiêu chung và đảm bảo thực hiện mục tiêu đó trên toàn cầu cũng đã là cực kì khó khăn.
Lý do đầu tiên là nhu cầu năng lượng ngày càng tăng, đặc biệt là tại châu Á đang phát triển. Trong giai đoạn 2006-2016, khi các nền kinh tế mới nổi của châu Á tiến lên phía trước, mức tiêu thụ năng lượng của các nước này đã tăng 40%. Tỉ lệ sử dụng than, loại nhiên liệu gây ô nhiễm nhiều nhất, tăng mỗi năm 3,1%.
Tỉ lệ sử dụng khí đốt, loại nhiên liệu sạch hơn, là 5,2%; còn của dầu là 2,9%. Ngay cả khi các giám đốc quản lý quỹ có xu hướng bảo vệ môi trường đe dọa sẽ rút khỏi các công ty dầu, các công ty quốc doanh lớn ở Trung Đông và Nga xem nhu cầu nhiên liệu ngày càng tăng của châu Á là một lý do thuyết phục để đầu tư.
Lý do thứ hai là quán tính về kinh tế và chính trị. Một quốc gia càng dùng nhiều nhiên liệu hóa thạch thì càng khó dứt bỏ loại nhiên liệu này. Các nhà vận động hành lang hùng mạnh, cộng với các cử tri đằng sau họ, đã cố đưa than vào danh sách các loại nhiên liệu được sử dụng.
Than không chỉ tạo ra 80% điện năng sử dụng ở Ấn Độ mà còn là trụ cột của nền kinh tế của một số bang nghèo hơn của Ấn Độ. Các quan chức tại Dehli cũng không mặn mà với việc khuyến khích việc chấm dứt sử dụng than, vì điều đó sẽ làm tê liệt hệ thống ngân hàng vốn đã cho các công ty than vay quá nhiều tiền, và cả hệ thống xe lửa phụ thuộc vào than.
Lý do cuối cùng là thách thức công nghệ của việc tách rời carbon khỏi các ngành công nghiệp khác ngoài phát điện. Sắt thép, xi măng, nông nghiệp, vận tải và các hình thức khác của hoạt động kinh tế chiếm hơn một nửa lượng phát thải cacbon của thế giới. Hơn 1 triệu xe chạy điện của Trung Quốc lấy năng lượng từ điện lưới, mà diện lưới này có hai phần ba là tạo từ than nên các xe này thực chất còn tạo ra nhiều khí cacbonic hơn là các mẫu xe chạy xăng tiết kiệm nhiên liệu.
Nhưng thế giới không thiếu các ý tưởng để hiện thực hóa Nghị định thư Paris. Khoảng 70 quốc gia và vùng lãnh thổ, chiếm một phần năm lượng phát thải. giờ đây đã định giá carbon. Các nhà khoa học tạo ra quy trình tạo thép không thải carbon, hoặc xi măng âm carbon, sản phẩm có khả năng hấp thu carbon.
Mồ hôi và máu
Các biện pháp giảm phát thải carbon sẽ vô dụng nếu không ưu tiên giải quyết sự vô cảm với khí hậu. Các nước phương Tây trở nên giàu có nhờ vào phát triển công nghiệp thải ra carbon. Họ phải tôn trọng các cam kết của Nghị định thư Paris để giúp đỡ các khu vực nghèo hơn không chỉ có thể thích nghi với một Trái đất nóng lên, mà còn giảm phát thải carbon nhưng không phải hy sinh sự tăng trưởng cần thiết để thoát khỏi đói nghèo.
Đảo ngược sự biến đổi khí hậu sẽ làm ảnh hưởng đến tài chính trong ngắn hạn, tuy nhiên chuyển đổi không dùng nhiên liệu phát thải carbon nữa có thể sẽ làm giàu cho nền kinh tế; trước đây khi các ôtô, phà và nhà máy điện chuyển đổi sang dùng nhiên liệu phát thải cacbon cũng đã đem lại các lợi ích như vậy.
Các chính trị gia có vai trò quan trọng trong việc kêu gọi cải tổ và đảm bảo những người dễ tổn thương không phải chịu đựng gánh nặng của sự thay đổi. Có lẽ sự ấm lên toàn cầu sẽ khiến họ có quyết tâm để làm việc đó.
Nguồn Economist