Nguồn ảnh: FT
The Asean Post: Dự án Vành đai Con đường tác động tiêu cực đến môi trường tại Đông Nam Á
Trong khi lợi ích kinh tế và ý nghĩa địa chính trị từ Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc (BRI) thường xuất hiện khắp trang nhất của các tờ báo quốc gia trên toàn thế giới, nhưng có rất ít sự quan tâm dành cho tác động của Sáng kiến này đối với môi trường.
Một kế hoạch đầy tham vọng được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình công bố vào năm 2013 nhằm tăng cường kết nối ở hơn 70 quốc gia, dự án cơ sở hạ tầng lớn nhất thế giới bao gồm tài chính, xây dựng mọi thứ từ đường, đến sân bay và ước tính trị giá từ 4-8 nghìn tỷ USD.
Tuy nhiên, các tiêu chuẩn về môi trường không được tích hợp trong chu trình dự án, đặc biệt là trong bước đầu lập kế hoạch dự án, đây sẽ là hậu quả mà người dân Đông Nam Á chắc chắn phải gánh chịu trong những năm tới.
Một nghiên cứu có tiêu đề "Xanh hóa Sáng kiến Vành đai và Con đường", do Quỹ Động vật hoang dã Thế giới (WWF) và HSBC công bố vào tháng 11, cho thấy, ngoài việc thiếu thông tin về các cơ hội đầu tư bền vững và xanh, "xanh hóa" BRI không được các tổ chức cấp vốn hay rộng hơn là khu vực tư nhân chú trọng.
Bất chấp sự đa dạng về sinh học, hệ sinh thái mỏng manh của Đông Nam Á và nhiều cộng đồng sống phụ thuộc vào chúng đang bị đe dọa nghiêm trọng bởi danh sách các dự án cơ sở hạ tầng ngày càng mở rộng của BRI.
Đa dạng sinh học đang bị đe dọa
Các dự án thủy điện do Trung Quốc hậu thuẫn dọc theo sông Mê Kông, trải dài từ Campuchia, CHDCND Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam, đã thay đổi dòng chảy, ngăn chặn di cư theo đàn của cá, khiến các cộng đồng ven sông bị mất sinh kế.
Theo báo cáo của Nhóm Liên minh Hành động Thủy sản (FACT), số lượng cá đã giảm nhiều trong những năm gần đây do các đập thủy điện được xây dựng ở thượng nguồn Campuchia và các nước láng giềng. Ngoài hệ thực vật và động vật bị tổn hại, nạn phá rừng ở các khu vực, như Xa lộ Pan Borneo, kéo dài qua Malaysia, Indonesia và Brunei, cũng gây ra lở đất, lũ lụt và các vấn đề thiên tai khác. WWF đã liệt kê hơn 1.700 điểm đa dạng sinh học quan trọng và 265 loài có thể bị ảnh hưởng xấu bởi BRI...
Những hành động để giúp BRI trở nên bền vững. Nguồn: Quỹ Động vật hoang dã Thế giới |
"Không phải là cách nhanh nhất để kiếm tiền"
Trong khi Chủ tịch Tập Cận Bình ca ngợi BRI là xanh, lành mạnh, thông minh, hòa bình và kêu gọi các nước tham gia tăng cường hợp tác bảo vệ môi trường, tăng cường bảo tồn sinh thái và xây dựng Con đường tơ lụa xanh. Nhưng các hướng dẫn môi trường mà Bộ Sinh thái và Môi trường Trung Quốc (MEP) ban hành cho việc xây dựng Vành đai và Con đường Xanh là không có tính ràng buộc và hầu như không được thực hiện.
Tiến sĩ Ahimsa Campos-Arceiz đến từ Trường Khoa học Môi trường và Địa lý thuộc Đại học Nottingham, Malaysia, chia sẻ, “Tôi không nói rằng không nên phát triển, nhưng chúng ta không nên đánh đổi điều đó với an toàn môi trường và không nên chỉ là cách nhanh nhất để kiếm tiền".
"Chúng tôi cho rằng việc bảo tồn không nên bị xem nhẹ. Trước khi các nhà phát triển tạo ra các con đường, đập hoặc đường ống, họ nên kết hợp các giá trị sinh thái trong kế hoạch của mình", tiến sĩ Ahimsa Campos-Arceiz nhấn mạnh.
Không thể phủ nhận thực tế rằng BRI, cũng như bất kỳ dự án phát triển lớn nào khác, có khả năng gây ra thiệt hại không thể khắc phục đối với môi trường. Vì vậy, Trung Quốc nên giảm thiểu điều này bằng cách tích hợp các khía cạnh môi trường vào quy hoạch, xây dựng, vận hành cơ sở hạ tầng của mình.
►Trung Quốc cam kết minh bạch hóa "Vành đai-Con đường"
►
Nguồn theaseanpost