Ảnh: Quý Hòa

 
Thủy Trúc Chủ Nhật | 26/01/2020 08:00

Thầy trò cùng hạnh phúc để thay đổi thế giới

Triết lý và nguyên lý giáo dục có ý nghĩa gì nếu người dạy và người học không tìm thấy niềm vui học tập, không tìm thấy hạnh phúc cuộc sống?

Theo Báo cáo Tăng trưởng thông minh hơn: Học tập và Phát triển công bằng ở Đông Á - Thái Bình Dương được World Bank công bố năm ngoái, điểm trung bình của Việt Nam và 4 thành phố lớn của Trung Quốc đều vượt các nước thành viên OECD. Theo World Bank, thành tích ở Việt Nam và Trung Quốc được đánh giá là “đặc biệt đáng khích lệ” trong bối cảnh các quốc gia/khu vực này có thu nhập bình quân đầu người thấp hơn và thiếu nguồn lực cho giáo dục so với các nước khác.

Tuy nhiên, giáo dục Việt Nam đang đối mặt với nhiều vấn đề có tính chất nền tảng kéo dài trong nhiều năm qua. Chẳng hạn, bên cạnh những vụ bạo lực học đường như đánh trẻ mầm non thì những từ khóa như “gian lận thi cử”, “bạo lực học đường”... trở thành những vết đen khó xóa của giáo dục Việt Nam những năm gần đây. 

Ngoài những cải cách thường xuyên, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã chỉ đạo một nhóm nghiên cứu ở đề tài cấp quốc gia và nghiên cứu thật sự cẩn thận để tạo sự thống nhất cao về triết lý giáo dục trong mục tiêu và nguyên lý giáo dục để có định hướng trong chỉ đạo các hoạt động của giáo dục.

 

Đâu đó, chúng ta vẫn có những định hướng như “Mục đích của giáo dục là nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài. Phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu”. Nhưng thay vì những khẩu hiệu chung, triết lý giáo dục của Việt Nam là gì nếu không phải đừng đi chệch khỏi dòng chảy giáo dục của các nền giáo dục tiên tiến. Đó là đem lại hạnh phúc cho cả giáo viên lẫn học sinh với niềm tin rằng tất cả trẻ em đều có thể đạt được những gì chúng mơ ước, mọi khả năng của những đứa trẻ đều được phát huy.

Ở những nước nổi tiếng về chất lượng đào tạo trên thế giới, niềm vui và sự phát triển lành mạnh của trẻ về thể chất cũng như tinh thần khi đến trường đã trở thành mục đích tối thượng trong triết lý giáo dục. Chẳng hạn, tại Phần Lan, quốc gia luôn được xếp hạng là một trong những hệ thống giáo dục có chất lượng cao nhất ở châu Âu trong 18 năm qua, nền tảng để trẻ học tốt và luôn cảm thấy hạnh phúc ở trường được gây dựng từ nhiều năm trước lúc trẻ chính thức đi học khi 7 tuổi.

Tại Trường tiểu học Parkmore ở Úc, vài năm qua trong giờ ăn trưa, các em học sinh học cách nói về những điều tốt đẹp quan sát thấy trong cư xử của bạn mình. Hay tại Ấn Độ, các trường học ở thủ đô Delhi đã có thêm môn học “hạnh phúc” bên cạnh các môn toán, văn, lý, hóa... nhằm tăng cường sức khỏe tinh thần và giúp học sinh hạnh phúc hơn. Theo đó, tùy theo độ tuổi, mỗi ngày các em sẽ được học thiền định 30-45 phút.

 

Theo một báo cáo của UNESCO, có 5 yếu tố khiến trẻ không cảm thấy hạnh phúc khi đến trường: môi trường kém an toàn, dễ bị bắt nạt; học sinh quá tải, bị stress do áp lực thi cử và điểm số; môi trường học tập và không khí nhà trường tiêu cực; giáo viên có thái độ và phẩm chất không phù hợp; các mối quan hệ xấu. Theo đó, UNESCO đã đưa ra một mô hình “trường học hạnh phúc” xoay quanh 3 chữ P gồm: People (Con người), Process (Hệ thống) và Place (Môi trường).

Ở đó, Con người chính là mối quan hệ chân tình giữa giáo viên với giáo viên, tình thương và trách nhiệm của giáo viên với học sinh, học sinh với học sinh. Môi trường chính là không gian vật chất lẫn không gian văn hóa giúp cho trường học đáng là nơi để học sinh mong đến hằng ngày. Còn Hệ thống là các quy trình, chính sách, hoạt động... được thiết kế để vận hành ngôi trường. Những chữ P đó giúp hệ thống giáo dục của Việt Nam hướng tới các mô hình hiện đại, tăng cường năng lực thực sự cho mỗi cá nhân trong cuộc sống, hướng tới các giá trị bền vững, tăng cường các kỹ năng xã hội và sự gắn kết xã hội, hòa nhập vào một thế giới rộng lớn hơn.

 

Biết là để giải quyết tất cả các vấn đề của giáo dục Việt nam không thể một sớm một chiều. Nhưng cứ bắt đầu từ một viên gạch đầu tiên, đó là giáo dục mang lại hạnh phúc cho người học và người dạy học. “Thầy cô giáo hạnh phúc sẽ thay đổi thế giới” được mượn từ lời nói của Thiền sư Thích Nhất Hạnh trong một chủ đề pháp thoại dành cho những người làm giáo dục. Câu nói tuy ngắn gọn nhưng hàm chứa nhiều giá trị hướng đến một nền giáo dục đầy nhân bản nhưng rất hiệu quả.

►Kỹ năng hạnh phúc

Nữ tướng của Traphaco theo đuổi kinh tế xanh

3 lần rời ghế CEO của bà Lê Diệp Kiều Trang