Hằng Nguyễn Thứ Ba | 11/06/2024 07:30

Thành phố to, công viên nhỏ...

Chỉ có 68 ha công viên được xây dựng thêm tại TP.HCM trong vòng 1 năm tới.

68ha kể trên nằm trong kế hoạch phát triển mới 108,8 ha công viên trong vòng 2 năm, từ tháng 8/2023 đến 30/4/2025. Diện tích này cần 15 dự án công viên rải rác ở thành phố Thủ Đức, quận 12, huyện Bình Chánh và Nhà Bè. Trong 15 dự án xây dựng công viên này có 8 dự án dùng nguồn vốn ngân sách, 2 dự án phát triển hạ tầng có hạng mục công viên cây xanh và các công viên dự kiến phát triển từ nguồn vốn ngoài ngân sách ở 5 khu đô thị.

Cây xanh thúc thủ trước đô thị hóa

Trước kế hoạch này, diện tích công viên bình quân mỗi người dân TP.HCM được thụ hưởng chưa đến 0,55 m2, thấp hơn nhiều so với chuẩn 7 m2 mà Chương trình Định cư con người Liên Hiệp Quốc (UN-Habitat) đề xuất. Đây là vấn đề lớn của một thành phố có tốc độ đô thị hóa và tỉ lệ tăng dân số ở mức cao. Thời tiết càng cực đoan, người dân lại càng thấy tầm quan trọng của công viên và cây xanh. Những kế hoạch đốn hạ cây xanh để nhường đường cho Metro, dự án bất động sản luôn thu hút sự quan tâm lớn của dư luận giữa cái nóng gay gắt.

Sở Xây dựng TP.HCM cho biết tính đến cuối năm 2023, thành phố có khoảng 11.369 ha đất công viên. Diện tích mảng xanh dự định tăng gần gấp đôi vào năm 2030 để mỗi người sẽ được hưởng bình quân 1 m2 cây xanh đô thị. Khó khăn lớn nhất trong phát triển công viên công cộng tại TP.HCM là nguồn vốn dù đã có chủ trương thu hút nguồn vốn xã hội hóa.

 

Mặc dù vậy, con số 11.200 ha có vẻ đầy tham vọng nhưng không có nghĩa không khả thi nếu nhìn vào hiện trạng của thành phố có 209.500 ha, trong đó 3/4 là các huyện ngoại thành. Một vài công viên có quy mô lớn đã được chấp thuận về quy hoạch có thể kể đến công viên 485 ha Sài Gòn Safari tại Củ Chi, 128 ha lâm viên sinh thái ở Thủ Đức, 20 ha quảng trường Thủ Thiêm.

“Tôi nghĩ việc dành quỹ đất để phát triển công viên cây xanh không phải là vấn đề lớn. Quan trọng là việc xác định vị trí phù hợp để phát triển”, Tiến sĩ - Kiến trúc sư Lê Hoàng Nam, giảng viên ngành Quy hoạch vùng và đô thị, khoa Kỹ thuật công trình, Trường Đại học Tôn Đức Thắng, nhận định. “Bản thân con số bình quân đầu người chưa thể nói lên sự hiệu quả của việc bố trí công viên cây xanh”, ông nói thêm. 

Nhìn kỹ vào bản đồ của đô thị có mật độ dân số đông nhất Việt Nam, dễ dàng nhận thấy quỹ đất dành để phát triển công viên trong trung tâm đã không còn, phần lớn những mảng xanh lớn được quy hoạch ở các quận vùng ven và huyện ngoại thành.
Những nơi này trước đây là vùng nông nghiệp với mật độ đô thị hóa tương đối thấp. Như vậy, những công viên rộng lớn được dự tính xây dựng ở vùng ven trong khi trung tâm thành phố vẫn vắng bóng cây trong các khu đô thị ken đặc nhà và đường bê tông.

Bao nhiêu công viên là đủ?

Ngay cả khi phát triển công viên tại nơi được quy hoạch thành trung tâm tài chính trong tương lai là Thủ Thiêm thì những khu vực đông dân như Gò Vấp sẽ hưởng ít lợi ích từ diện tích cây xanh sắp phát triển. Vì vậy, bên cạnh việc phát triển công viên sẽ tốn nhiều thời gian, nhiều chuyên gia cho rằng nên tận dụng mảng xanh trong thành phố để tạo ra lợi ích trong ngắn hạn.

“Việc đầu tư công viên cây xanh có thể tính đến lâu dài, trong khi đó nhiều mảng xanh chúng ta có thể tận dụng trước mắt là khu vực ven kênh, sông. Nếu có thể kết hợp chỉnh trang ven kênh và trồng thêm nhiều mảng xanh thì rất tốt”, Tiến sĩ Võ Kim Cương, nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TP.HCM, bình luận trong một bài viết trên báo.

Nếu tỉ lệ không gian công cộng và bình quân không gian công cộng là 2 trong số 3 thước đo được UN-Habitat nêu tên là những công cụ đo lường thường được sử dụng trong chính sách đô thị, thì khoảng cách đến không gian công cộng là thước đo cuối.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đề xuất chỉ số “mét vuông không gian xanh bình quân đầu người” làm thước đo sức khỏe của các thành phố bền vững và khuyến nghị không gian xanh bình quân đầu người ít nhất 9 m2 trong vòng 15 phút đi bộ. Thống kê của WHO vào năm 2018 cho biết quốc đảo có tầm nhìn “Thành phố trong vườn” Singapore đặt mục tiêu 85% cư dân sống trong phạm vi 400 m đến công viên vào năm 2030. Trong khi đó, Sydney đặt mục tiêu khoảng cách đi bộ tối đa 400 m đến công viên địa phương và tại Vancouver tối đa 5 phút đi bộ đến không gian xanh. Tại thành phố Stockholm, 90% người dân sống trong phạm vi 300 m từ không gian công cộng và 71% sống trong phạm vi 200m.

 

“Không gian xanh đô thị có ảnh hưởng đáng kể đến sức khỏe con người”, WHO kết luận. Tiếp xúc với không gian xanh có thể làm giảm căng thẳng, khôi phục ảnh hưởng của căng thẳng, cải thiện vốn xã hội, cải thiện hệ thống miễn dịch, tăng cường hoạt động thể chất, giảm béo phì, bệnh tim mạch và tiểu đường, giảm ô nhiễm không khí, giảm thiểu hiệu ứng đảo nhiệt đô thị, tăng cường tiếp xúc với ánh sáng mặt trời và cải thiện sức khỏe.

Nghiên cứu về khả năng tiếp cận của UN-Habitat chỉ ra rằng 300 m là giới hạn cho việc sử dụng không gian xanh hằng ngày và 1-1,5 km là khoảng cách tối đa để sử dụng hiệu quả các khu vực tự nhiên lớn hơn. Một phát hiện quan trọng là “những người sống trong nội thành không khác biệt với những người sống ở ngoại ô về mối quan tâm hoặc nhu cầu sử dụng không gian xanh của đô thị”, tổ chức của Liên Hiệp Quốc gợi ý các biện pháp chung có thể áp dụng ở nhiều nơi khác nhau trong một thành phố. “Cần lưu ý đến ý nghĩa thật sự của việc tổ chức công viên cây xanh, qua đó bố trí công viên cây xanh đảm bảo bán kính phục vụ tốt nhất có thể”, Tiến sĩ - Kiến trúc sư Lê Hoàng Nam gợi mở.

Tại các thành phố như TP.HCM, trong bối cảnh chưa thể mời gọi đầu tư tư nhân cho lĩnh vực công viên cây xanh, các chuyên gia cho rằng, cần đôn đốc để các chủ đầu tư dự án thực hiện đúng chỉ tiêu mảng xanh theo thiết kế, đảm bảo nhu cầu thụ hưởng mảng xanh của người dân.