Ảnh: thestar.com.
Thành phố châu Á ứng phó sóng nhiệt
Đến tháng 7.2020 mới diễn ra Thế vận hội Olympics 2020, nhưng Tokyo đã tranh thủ cho phủ gần 100km đường bằng vật liệu làm mát và dành cả mùa hè thu thập dữ liệu thời tiết để cung cấp cho các vận động viên cũng như khách đến xem các trận đấu, giúp họ chống chọi với cơn nóng kinh người tại thành phố này thường rơi vào thời điểm tháng 7 và tháng 8.
Bằng cách cung cấp các thông tin như vị trí nào không khí dịu mát hơn hoặc khu vực nào có nhiều bóng râm nhất, các cơ quan thể thao Nhật kỳ vọng vận động viên của họ sẽ có lợi thế hơn tuyển thủ của những quốc gia khác trong sức nóng kinh hoàng này.
Không chỉ vì mục đích thể thao, các nhà khí tượng học theo dõi thời tiết đô thị để bảo vệ sức khỏe cho người dân khi thời tiết ngày càng nóng lên và khó dự đoán hơn tại Nhật. Năm nay, sau một trận mưa dài bất thường, Nhật đã trải qua một đợt sóng nhiệt kinh hoàng vào tháng 7 gây ra cái chết của 11 người và khiến cho 5.000 người nhập viện.
Bộ trưởng Bộ Môi trường Nhật cho biết nếu không triển khai các biện pháp đối phó với tình trạng trái đất nóng lên, những đợt nóng gay gắt như vậy sẽ trở thành chuyện thường ngày.
Trên khắp thế giới, các nhà khoa học đã báo động đỏ và dự báo các đợt nóng cực điểm sẽ tăng gấp đôi và trở nên trầm trọng hơn vào năm 2050 do biến đổi khí hậu. Tại châu Á, nhiệt độ liên tục phá vỡ các mức cao kỷ lục đã khiến hàng ngàn người tử vong hoặc đổ bệnh trong suốt những năm qua. Sóng nhiệt đặc biệt nghiêm trọng tại những đô thị đông dân cư, nơi ô nhiễm không khí và sức nóng gay gắt tạo nên một kẻ giết người vô hình. Các chuyên gia dự đoán sóng nhiệt đô thị ngày càng tồi tệ sẽ dẫn đến một cuộc khủng hoảng chăm sóc y tế trên toàn cầu, khiến cho các thành phố trên khắp thế giới tổn thất hàng tỉ USD.
World Bank ước tính nhiệt độ gia tăng biến hơn phân nửa khu vực Nam Á trở thành các “điểm nóng khí hậu”, nơi mức sống sẽ suy giảm nghiêm trọng. Do hiệu ứng đảo nhiệt đô thị, các thành phố bị nóng nhanh hơn các khu vực xung quanh, vốn hưởng lợi từ việc làm mát tự nhiên nhờ cây cỏ. Các tòa tháp bằng kính và bê tông, đường rải nhựa, xe cộ thải khói nóng càng khiến cho đô thị thêm ngột ngạt. Vì thế, khí hậu đặc biệt trở nên nóng hơn ở Singapore. 10 năm qua là thập niên nóng kỷ lục với nhiệt độ trung bình dài hạn là 27,90C trong năm 2018, cao hơn 0,40C so với thập niên trước. Hiệu ứng đảo nhiệt đô thị thấy rõ nhất vào ban đêm khi chênh lệch nhiệt độ giữa khu vực có rừng như Bukit Timah và khu vực Orchard Road sầm uất lên tới 6-70C, một mức chênh lệch đáng kể, theo Winston Chow, Giáo sư tại Đại học Quản lý Singapore.
“Trước năm 1965, Singapore có các khu rừng nhiệt đới và rừng đước ven biển. Nhưng khi chúng tôi thay bằng bê tông, nhựa đường và kính, các vật liệu này đã hấp thụ nhiệt rất nhiều. Chúng lưu trữ nhiệt vào ban ngày và thải ra vào ban đêm”, Chow cho biết.
Anjali Jaiswal, sáng lập Chương trình Khí hậu và Năng lượng Ấn Độ thuộc Hội đồng Bảo vệ Tài nguyên Thiên nhiên (NRDC), một tổ chức môi trường có trụ sở tại Mỹ, nhận định: “Khi ai nấy đều đóng cửa vì quá nóng, bạn biết ngay đó là một cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng. Đây là hồi chuông báo động đỏ với xã hội, các nhà lãnh đạo thành phố và chính phủ các nước”.
Tại Ấn Độ, người dân đang thích ứng với sóng nhiệt bằng cách thay đổi chế độ ăn hằng ngày như chủ yếu ăn cá, rau và tránh thức ăn nhiều gia vị, để không gây nóng cho cơ thể. Tại Singapore, Chow và nhóm của ông từ Cooling Singapore, một sáng kiến nghiên cứu về sức nóng đô thị, đã đề ra hơn 80 chiến lược để bảo vệ cư dân thành phố khỏi sóng nhiệt. Các giải pháp rất đa dạng từ xe điện, những bức tường xanh cho đến các khu vực giữ nước và mái nhà làm mát.
Ngoài việc thay đổi bề mặt các thành phố bằng cách trồng nhiều cây hơn và phủ mái nhà bằng thảm xanh, các nhà nghiên cứu cũng đề xuất sử dụng các loại vật liệu như nhựa đường có thể thẩm thấu để dễ dàng được làm mát bởi không khí hoặc mưa. Một nghiên cứu được thực hiện bởi Keith Oleson thuộc Trung tâm Nghiên cứu Khí quyển Quốc gia ở Mỹ cho thấy lắp đặt các mái nhà màu trắng trên toàn thế giới sẽ giảm hiệu ứng đảo nhiệt đô thị tới 1/3. Tại các thành phố Ấn Độ như Ahmedabad và Hyderabad, việc thử nghiệm các chương trình “mái nhà làm mát” đang cho thấy kết quả.
Tại các thành phố như New York và Abu Dhabi, các giải pháp cải tiến cũng đang được thử nghiệm như cửa kính màu thông minh cho bóng mát và tự chỉnh ánh sáng theo nhiệt độ bên ngoài và các con đường xanh có nhiều lỗ nhỏ li ti cho phép nước thấm vào và thậm chí cỏ có thể mọc xuyên qua các con đường đó, nhờ vậy giảm lượng nhiệt hấp thụ bởi bề mặt đường. Theo Chow, việc làm xanh thành phố, từ trồng hàng cây xanh ở hai bên đường cho đến các thảm vườn trên mái nhà là cách đối phó sóng nhiệt hiệu quả nhất và ít tốn kém nhất.
Kể từ sau đợt sóng nhiệt kinh hoàng tại thành phố Ahmedabad vào năm 2010, các kế hoạch hành động đối phó sóng nhiệt đã được triển khai tại hơn 100 thành phố ở Ấn Độ, trong đó không thể thiếu một hệ thống cảnh báo sớm. “Các hệ thống cảnh báo sớm là yếu tố chủ chốt để cứu sinh mạng của người dân. Chúng cảnh báo các quan chức y tế và các đơn vị khẩn cấp để mọi người sẵn sàng đối phó với sóng nhiệt”, Jaiswal, người làm việc rất chặt chẽ với chính quyền và đối tác địa phương tại Ahmedabad để gia tăng khả năng chống sóng nhiệt của thành phố, cho biết. Theo Jaiswal, cũng cần phổ biến rộng rãi hơn nữa các biện pháp phòng chống sóng nhiệt tới người dân.
Trong khi đó, Chow cho rằng các thành phố trên khắp thế giới phải tiếp tục tìm kiếm các giải pháp để đối phó với cả hiện tượng đảo nhiệt lẫn biến đổi khí hậu, song song đó phải chuyển sang các nguồn năng lượng sạch hơn. “Phải có một cuộc dịch chuyển trên toàn cầu sang các dạng năng lượng tái tạo. Nhưng cá nhân tôi nghĩ, cuộc chuyển dịch này đang diễn ra chưa đủ nhanh”, Chow nói.
►Thành phố năng lượng Mặt trời, được không?
►Chính sách nhà giá rẻ tạo ra nhiều thành phố ma ở Trung Quốc
Nguồn Tổng hợp