Thanh niên Việt Nam tiêu thụ rượu bia dẫn đầu Đông Nam Á
Ngày 22/11, Bộ Nội vụ và Trung tâm phát triển OECD đã công bố báo cáo “Tổng quan về chính sách phúc lợi của thanh niên Việt Nam".
Theo báo cáo, thanh niên hiện đang chiếm hơn 1/4 tổng dân số Việt Nam, cung cấp cho đất nước cơ hội vàng cho phát triển kinh tế, xã hội. Tuy nhiên, tiềm năng này chỉ có thể được khai thác nếu những người trẻ tuổi được tiếp cận tới nền giáo dục có chất lượng, được chăm sóc sức khỏe, có được việc làm đàng hoàng với cuộc sống chính trị và xã hội tích cực.
Tuy nhiên, ngày càng có nhiều thanh niên Việt Nam uống rượi bia, có 38,3% dân số trên 15 tuổi sử dụng rượu bia, cứ 2 người đàn ông thì có 1 người uống rượu. Tỷ lệ người nghiện rượu nặng là 1,4% trong tổng dân số trên 15 tuổi.
Mặc dù tại Việt Nam tuổi uống rượu hợp pháp của thanh niên là 18, nhưng có đến 34% thanh thiếu niên từ 14 - 17 tuổi từng uống rượu bia, và con số này ở thanh niên từ 18 - 21 tuổi, là 57%.
Báo cáo cũng cho biết, tình trạng sử dụng rượu bia, là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra tai nạn giao thông cũng như bệnh tật khác, đặc biệt trong nhóm nam thanh niên trẻ.
Báo cáo trích dẫn dữ liệu quan sát sức khỏe toàn cầu của Tổ chức Y tế thế giới năm 2010, cho thấy tỷ lệ sử dụng rượu bia của thanh niên Việt Nam từ 15 -19 tuổi dẫn đầu trong các nước Đông Nam Á, trên cả các nước Lào, Thái Lan và Campuchia.
Trong khi đó, Theo Euromonitor, tăng trưởng của tầng lớp trung lưu và nhóm dân số trẻ đẩy nhu cầu bia tại Việt Nam lên 300% từ năm 2002 và ước tính thị trường trị giá 147.200 tỷ đồng năm 2016. Hãng này dự đoán mức tiêu thụ trên đầu người sẽ đạt 40,6 lít trong năm nay, biến Việt Nam thành nước tiêu thụ lớn nhất tại Đông Nam Á.
Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) khuyến cáo, chính vì chi tiêu quá nhiều cho rượu bia khiến việc chi tiêu cho y tế và giáo dục bị hạn chế. Vì thời gian dành cho bia rượu nhiều làm giảm năng suất lao động, tinh thần lành mạnh cho các hoạt động khác... của người dân Việt Nam.